Theo đuổi khát vọng “khởi nghiệp xanh”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, Hoàng Nhân đã bắt đầu hình thành ý tưởng tạo ra các sản phẩm từ tre nứa để hạn chế rác thải nhựa. Cậu nhận thấy, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn tre nứa dồi dào và quê hương Lâm Đồng là vựa tre của cả nước.
Năm 2018, khi đang là sinh viên ngành Luật (trường ĐH Đà Lạt), Nhân quyết định khởi động dự án “Đà Lạt Bamboo” với mong muốn khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và góp phần nâng tầm giá trị của tre Việt Nam. Hoàng Nhân chia sẻ: “Mình vô tình thấy hình ảnh nhóm bạn trẻ đang dùng kìm rút ống hút nhựa ra khỏi mũi một chú rùa biển. Mình cảm thấy rác thải do chính con người tạo ra đang để lại hậu quả lớn cho môi trường. Vì thế, mình muốn góp một phần công sức để chung tay bảo vệ môi trường”.
Những sản phẩm làm từ tre của Hoàng Nhân. |
Chia sẻ về những khó khăn của mình, Nhân cho biết: “Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì vậy các sản phẩm từ tự nhiên có khả năng bị mốc nếu không được bảo quản tốt. Mình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm công nghệ xử lý mốc hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”. Vì chưa có kinh nghiệm nên cậu bạn phải vừa học vừa làm và mất nhiều thời gian để tự chế máy móc sản xuất.
Nhân từng rong ruổi khắp các cánh rừng ở Lâm Đồng để tìm kiếm nguồn nguyên liệu và đến từng bản nhỏ với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ người dân. Nhân kể: “Lúc đầu, người dân e ngại và không chia sẻ nhiều. Tuy nhiên, sau khi biết ước muốn của mình là mang giá trị nhân văn đến cộng đồng và giá trị kinh tế cho chính bà con thì họ đã đồng ý giúp đỡ”. Hoàng Nhân mất khoảng một năm để nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm ống hút tre. Sản phẩm thoạt đầu không được đón nhận vì được làm từ chất liệu tự nhiên nên giá thành cao hơn các sản phẩm nhựa công nghiệp.
Mỗi tháng, Nhân cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 ống hút tre và 1.000 - 3.000 sản phẩm tre các loại. |
Góp phần nâng tầm giá trị tre Việt
Để tạo nên một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như: Chặt tre, phơi khô, luộc qua nước muối và gia công tạo hình. Theo Nhân, điểm đặc biệt của các sản phẩm từ tre là không dùng chất hoá học trong quá trình sản xuất để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Cậu cho biết: “Để tăng tuổi thọ cho sản phẩm, mình phải chọn tre loại già trên hai năm tuổi. Ngoài ra, mình còn vệ sinh tre bằng nước muối sinh học và hấp tiệt trùng, hấp tinh dầu để chống ẩm mốc, sấy khô theo tiêu chuẩn châu Âu”. Nguyên liệu tre nứa được Nhân nhập chủ yếu từ các cánh rừng ở Lâm Đồng, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Hoàng Nhân đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thêm nhiều sản phẩm xanh từ mo cau, lá cây. |
Mỗi tháng, Nhân cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 ống hút tre và 1.000 - 3.000 sản phẩm tre các loại. Hiện tại, sản phẩm tre của Nhân đã được xuất khẩu qua Úc, với khoảng một triệu ống hút và sản phẩm các loại. Hoàng Nhân đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thêm nhiều sản phẩm xanh từ mo cau, lá cây... Cậu nhấn mạnh, mình luôn hiểu giá trị mà dự án mang lại cho cộng đồng, nên dù gặp khó khăn thì Nhân vẫn kiên trì theo đuổi.
Tương lai, Nhân mong muốn sẽ quảng bá hình ảnh các sản phẩm làm từ tre, nứa Việt đến với bạn bè quốc tế. |
Theo Nhân, để tăng giá trị cho tre thì người dân cần khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu này thay vì khai thác triệt để hay chỉ dùng làm thực phẩm. Qua dự án này, cậu hy vọng mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ môi trường. Tương lai, Nhân mong muốn sẽ quảng bá hình ảnh sản phẩm này đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, cậu mong rằng dự án này sẽ tạo công việc, thu nhập cho bà con vùng sâu, vùng xa và góp phần tạo ra giá trị kinh tế cho tre Việt Nam.
Nguồn Sinh viên Việt Nam