Trong khi nhóm "bi quan" lo sợ rằng AI đang phát triển quá nhanh tới mức máy móc trong tương lai sẽ trở nên thông minh vượt xa chúng ta, thì nhóm "lạc quan" lại cho rằng AI còn xa mới thay thế được trí tuệ thực thụ của con người.
Những người bi quan dường như bị ám ảnh bởi các cỗ máy vừa thông minh vừa có tham vọng nô dịch loài người như trong bộ phim Kẻ hủy diệt (The Terminator), còn những người lạc quan thì càng cảm thấy tự tin rằng mình đúng khi AI vẫn chưa sáng tác được thơ như Shakespeare hay trả lời những câu hỏi như "năm nay công ty X có lợi nhuận bao nhiêu trong quý 3?".
Một mặt chúng ta thổi phồng mối đe dọa từ AI ("robot chuẩn bị nô dịch loài người đến nơi rồi"), mặt khác chúng ta lại khinh thường sức mạnh của AI ("thơ văn của AI vẫn còn dở lắm"). Tôi nghĩ cả hai quan điểm này đều sai lầm. Để đánh giá chính xác hệ lụy từ AI cần có một cái nhìn trung dung nhưng tỉnh táo về những gì AI đã làm được và có khả năng làm được trong tương lai.
Viễn cảnh các cỗ máy được trang bị trí tuệ nhân tạo bất ngờ nổi dậy và tìm mọi cách hủy diệt loài người vẫn còn cách chúng ta rất xa, hoặc vĩnh viễn không bao giờ xảy ra được vì hai lý do cơ bản. Thứ nhất, kể cả robot có thông minh hơn chúng ta đi nữa thì chúng vẫn cần có "phần cứng" bằng hoặc ưu việt hơn cơ thể sinh học của con người để thống trị chúng ta. Thứ hai, kể cả chúng có trở thành những siêu robot như vậy thì cũng không có lý do gì để tin rằng chúng nhất định sẽ tìm cách xóa sổ chúng ta thay vì chung sống hòa bình. Điều chúng ta cần quan tâm hơn nhiều tại thời điểm này là những gì AI đã làm được và sẽ làm được trong 5-10 năm tới.
Năm 2016, phần mềm AlphaGo đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây hàng đầu thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol với một tỉ số hết sức thuyết phục: 4-1. Chiến thắng đó là một cú sốc lớn đối với làng cờ vây quốc tế, nhưng lại là một bước tiến lớn đối với AI bởi cờ vây được đánh giá là một trong những môn thể thao trí tuệ khó nhất hiện nay.
Năm 2019, AI còn tiến thêm một bước xa hơn nữa khi phần mềm Pluribus được các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát triển đã lần đầu đánh bại được những vận động viên poker hàng đầu thế giới trong một trò chơi 6 người (vốn dĩ phức tạp hơn nhiều những trò thi đấu tay đôi như cờ vây hay cờ vua). Bằng việc tự chơi với chính nó hàng nghìn tỉ ván bài poker, Pluribus có thể tự xây dựng được một chiến lược vừa tối ưu mà vừa "khác người" khiến những tay chơi poker lão luyện nhất cũng phải đầu hàng.
Năm 2021, công ty OpenAI tung ra phần mềm Dall-E, lần đầu tiên cho phép con người sáng tạo ra những bức họa từ những dòng lệnh bằng chữ như "hãy vẽ cho tôi một con mèo lên sao Hỏa theo phong cách tranh Van Gogh". Tháng 9 năm nay, nghệ sĩ nghiệp dư Jason Allen đã sử dụng phần mềm MidJourney để vẽ nên bức tranh giành giải nhất tại hội chợ bang Colorado, làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giới hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Và chỉ cách đây ít ngày, OpenAI lại một lần nữa khiến cả thế giới sững sờ khi cho ra mắt công cụ ChatGPT, cho phép người dùng thử trò chuyện, hỏi đáp về bất kỳ vấn đề gì với một phần mềm trí tuệ nhân tạo. ChatGPT vừa có thể giải thích những khái niệm cao siêu như "phương pháp khối phổ" (mass spectometer) để một đứa trẻ 6 tuổi hiểu được, vừa có thể giải thích theo cách phù hợp cho một chuyên gia vật lý học. Phần mềm này cũng dễ dàng viết một bài tiểu luận, chỉ ra lỗi trong dòng code vi tính, hay thảo kịch bản cho một bộ phim. Đây là điều gần như không tưởng chỉ cách đây chỉ 10 năm chứ chưa nói gì đến 20 hay 30 năm trước.
Ở một phương diện nào đó, tôi cho rằng những gì ChatGPT đã làm được còn đáng sợ hơn viễn cảnh "robot nổi dậy" nhiều lần. Đáng sợ bởi nó đã ở đây với chúng ta vào ngay lúc này chứ không còn là viễn tưởng nữa. Và hơn hết, nó chắc chắn sẽ buộc chúng ta phải thay đổi cách tư duy, sinh hoạt và làm việc.
Trong lĩnh vực giáo dục, một trong những mối lo ngại hàng đầu là các công cụ như ChatGPT sẽ khiến việc giao bài tập về nhà hay yêu cầu sinh viên viết tiểu luận trở nên vô nghĩa. Từ những câu hỏi có đáp án như "có bao nhiêu quốc gia ở châu Âu?" cho tới những câu hỏi rất mở như "làm thế nào để có được hòa bình?", công cụ này đều có thể trả lời được một cách đầy đủ và mạch lạc đến ngạc nhiên chỉ trong giây lát.
Và khi không thể phát hiện được sự khác biệt giữa một bài luận do máy viết và do người viết, chấm điểm để đánh giá năng lực của học viên sẽ trở nên bất khả thi. Việc những phần mềm AI như ChatGPT hiện chưa hỗ trợ tiếng Việt có thể sẽ đặt ra rào cản đáng kể đối với một số học sinh, song khi mà các công cụ dịch thuật đã trở nên tương đối hoàn thiện, việc vượt qua "bức tường lửa" ngôn ngữ là tương đối đơn giản. Tôi tin rằng chỉ cần 1 tới 2 năm nữa là việc sử dụng phần mềm AI để làm thay bài tập đã trở nên đủ phổ biến để tạo ra một cuộc khủng hoảng thực thụ cho tất cả các thầy cô giáo.
Điều chúng ta có thể tự tin khẳng định ngay lúc này là các phần mềm AI sẽ chỉ trở nên thông minh hơn theo thời gian bởi chúng sẽ được "học" từ kho dữ liệu ngày càng lớn và đa dạng. Hơn nữa, các kỹ sư vi tính sẽ không ngừng hoàn thiện các sản phẩm của mình. AI hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn cả ở các lĩnh vực khác như nghệ thuật, truyền thông và sản xuất nữa.
Khi đó tôi e rằng việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống không còn là một lựa chọn nữa mà sẽ là một điều bắt buộc. Chúng ta sẽ phải trở thành những "nhân mã" đúng nghĩa. Nói cách khác, con người sẽ phải học cách san sẻ bớt trách nhiệm cũng như công việc cho trí tuệ nhân tạo, và qua đó vô tình tạo ra một cách định nghĩa mới về hai chữ "con người".
Theo Dân trí