Bộ Y tế, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen đã chính thức khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covid-19 - Nano Covax trên người từ hôm qua (10/12). Trước thông tin này, người dân đang quan tâm đến những tình nguyện viên sẽ đăng ký thử nghiệm vaccine Covid-19 ra sao, những mũi vaccine đầu tiên sẽ được tiêm như thế nào? Việc xác định tính an toàn trong giai đoạn này ra sao và làm sao để Việt Nam có thể đảm bảo đủ số lượng 10.000 người có nguy cơ cao để thử nghiệm vaccine...?
Chưa một loại vaccine nào ở nước ta lại được nghiên cứu, sản xuất khẩn trương như vaccine Covid-19. Trước đây, để có được một sản phẩm vaccine phải trải qua từ 7 đến 12 năm, nay chỉ hơn nửa năm tiến hành nghiên cứu, sản phẩm vaccine “made in Việt Nam” đầu tiên đã được đánh giá thử nghiệm thành công trên động vật, đó là vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen cho biết: “Chúng tôi đã thử nghiệm trên chuột Hamster cho thấy những con chuột được tiêm vaccine thì vẫn khoẻ mạnh, tăng cân và có kết quả âm tính với Covid-19; những con chuột bị nhiễm Covid-19 không được tiêm thì sức khỏe rất kém, thậm chí tử vong, tuổi thọ ngắn”.
Còn ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục khoa và Công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine khẳng định: “Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên chuột của sản phẩm này được Hội đồng khoa học đánh giá rất cao…”.
Không khí làm việc khẩn trương cũng đang diễn ra trong giai đoạn thử nghiệm trên người. Chỉ sau 1 ngày được Hội đồng Đạo đức y sinh quốc gia phê chuẩn, Bộ Y tế và Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã chính thức khởi động chương trình thử nghiệm vaccine Nanocovax trên người.
Với nhiều sinh viên Học viên Quân y, việc có tên trong danh sách những người đầu tiên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax là cơ hội được đóng góp vào sự phát triển của y học và thúc đẩy sớm đưa vaccine vào sử dụng để góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19.
“Em muốn tiêm thử vaccine Covid-19 để nhanh đẩy lùi đại dịch. Gia đình em ủng hộ quyết định đăng ký thử nghiệm vaccine của em. Em còn hỏi những thông tin để cung cấp cho người nhà được đăng ký”, sinh viên Trần Thị Ngọc Mai nói.
Cũng như Trần Thị Ngọc Mai, sinh viên Nguyễn Phú Quốc cho biết, là sinh viên y khoa nên cũng có hiểu biết nhất định về việc tiêm thử nghiệm vaccine cũng như những rủi ro gặp phải.
“Em khá tin vào vaccine Nanocovax nghiên cứu lần này, cũng như tin tưởng ở Học viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án nếu có tai biến xảy ra. Em mong muốn mình là một trong những người tình nguyện tạo ra vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất”, Nguyễn Phú Quốc cho hay.
Tham gia hội đồng Đạo đức y sinh quốc gia, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y đánh giá, vaccine Nanocovax đang có nhiều hứa hẹn. Trong suốt thời gian qua các nhà khoa học đã tập trung cao độ với hy vọng nghiên cứu ra “vũ khí” hiệu quả để chống lại “giặc” Covid-19.
Cam kết sẽ không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm vaccine Nanocovax tại Học viện Quân y, Trung tướng Đỗ Quyết khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực để sớm có vaccine Covid-19 sử dụng rộng rãi trong cộng đồng nhưng sự an toàn phải đặt lên hàng đầu và không đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của những người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm.
“Ngay trong giờ đầu tiên đã có 30 người đăng ký tiêm. Chúng tôi tiếp nhận đăng ký trực tiếp tại Học viện Quân y, qua số điện thoại, email và website để có được nguồn người đăng ký thử nghiệm trong những giai đoạn tiếp theo. Với trách nhiệm của cá nhân, quyền lợi của cá nhân, hy vọng mọi người đồng lòng, sẵn sàng tham gia vào thử nghiệm để sớm có vaccine medein Việt Nam đưa vào sử dụng an toàn và hiệu quả trong cộng đồng”, Trung tướng Đỗ Quyết nói.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Nanogen Hồ Nhân, vaccine Nanocovax không chỉ hứa hẹn mang lại hiệu quả bảo vệ hơn 6 tháng trước dịch bệnh Covid-19 và giá thành rẻ (chỉ khoảng 120.000 đồng/1 mũi tiêm) mà còn “đi tắt, đón đầu” trong cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 đang diễn ra khẩn trương trên thế giới hiện nay.
"Chúng tôi khẳng định là tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 của Công ty không chậm so với thế giới. Chúng tôi sẽ sớm về đích. Hiện quy mô sản xuất của chúng tôi khoảng 10-20 triệu liều một năm. Chúng tôi còn đang sản xuất vaccine dạng xịt hoặc nhỏ vào mũi”, ông Hồ Nhân cho biết.
Quá trình tuyển chọn tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vaccine diễn ra khoảng 1 tuần, bắt đầu từ hôm qua. Dự kiến ngày 17/12 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm mũi vaccine đầu tiên. Mỗi người được tiêm bắp 2 liều cách nhau 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đối tượng là 56 ngày.
Kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vẫn đang ở phía trước vì quá trình đánh giá, theo dõi nghiêm ngặt với thời gian khá dài. Tuy nhiên, sự tự tin của đơn vị sản xuất và những bước triển khai bài bản, khẩn trương của đơn vị chủ trì thử nghiệm đang mở ra những hy vọng về sản phẩm vaccine Covid-19 “made in Việt Nam” đầu tiên.
Dự kiến thời gian nghiên cứu sẽ kéo dài từ tháng 1/2021, nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine Covid-19. Do đó, theo Bộ Y tế, trong thời gian này, điều quan trọng là vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19./.
Văn Hải/VOV1