Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, được đánh giá là có công trong việc đơn phương tuyên bố ngừng bắn sáng 30/4/1975 và đầu hàng vô điều kiện sau đó, góp phần làm cho máu của người Việt không đổ thêm nữa và Sài Gòn không bị tàn phá.Tuy nhiên, không phải tất cả các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa đều tuân lệnh ngừng bắn của Dương Văn Minh. Một số chỉ huy và đơn vị vẫn tiếp tục chống cự và cuối cùng đã phải nhận một cái kết xứng đáng
Vành đai Pusan và mưu đồ lật ngược thế cờ
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sau khi quân đội Bắc Triều Tiên vượt qua Vĩ tuyến 38 tiến công Hàn Quốc, chỉ sau một thời gian ngắn, đã đẩy quân đội Hàn Quốc xuống phía Nam. Tại Pusan, Hàn Quốc đã thiết lập vành đai phòng thủ cuối cùng và đứng vững tại đây. Trên cơ sở đó, Mỹ và đồng minh đã đổ quân vào, tiến hành phản công và từng bước giành lại thế chủ động. Cuối cùng, hai bên trở lại trạng thái giằng co và Hiệp ước đình chiến được ký kết.
Ngày 30/4/1975, trước khí thế không gì cản nổi của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Tổng thống Dương Văn Minh đã đơn phương ra lệnh ngừng bắn vào lúc 9 giờ 30 phút sáng và sau đó buộc phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, không phải mọi đơn vị và cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa đều tuân lệnh Tổng thống. Họ cho rằng tuyên bố của Dương Văn Minh đã “bức tử” Việt Nam Cộng Hòa và mưu đồ xây dựng thế trận phòng thủ tại Quân khu IV thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm đứng vững và chờ đợi cơ hội phản công.
Tại sao họ lại có mưu đồ như vậy ?
Tình hình miền Nam trong những ngày tháng 4 năm 1975 hết sức phức tạp.
Giữa lúc các cánh Quân giải phóng đang thần tốc tiến về Sài Gòn thì Tướng tình báo Pháp Francois Vanussème đã tới gặp Tổng thống Dương Văn Minh và đề nghị Việt Nam Cộng hòa kêu gọi nước ngoài đem quân can thiệp để cứu Việt Nam Cộng hòa đang trong cơn nguy kịch. Nhân viên ngoại giao nước ngoài đề nghị quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy cố thủ, án ngữ Vùng 4 chiến thuật, hứa hẹn sẽ đem quân giải vây, cứu Việt Nam Cộng hòa đang trong cơn nguy khốn.
Như vậy là đến phút chót, các nước lớn vẫn không từ bỏ âm mưu chia cắt đất nước ta và đó là cơ sở cho những viên tướng và đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa hô hào chiến đấu đến cùng, nhằm lật lại thế cờ.
Ngoài ra, lực lượng bất tuân lệnh Dương Văn Minh cho rằng, trong phút nguy biến cuối cùng, nếu Việt Nam Cộng hòa giữ được Đồng bằng Sông Cửu Long, Hoa Kỳ và đồng minh có thể sẽ biến nó thành một Pusan thứ hai, đổ quân vào cứu nguy và thiết lập thế trận phản công.
Tuy nhiên, cuối cùng, Dương Văn Minh đã chọn con đường về với dân tộc và Hoa Kỳ, như đã tuyên bố ngày 23/4/1975, cuộc chiến tranh Việt Nam đã chính thức kết thúc đối với họ. Chiến dịch di tản Gió Lốc là cố gắng cuối cùng lấy lại hình ảnh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Không có cuộc đổ bộ cứu nguy nào cả. Không có Pusan thứ hai.
Phòng tuyến Pusan, nơi quân đội Hàn Quốc trụ lại, được Hoa Kỳ và
đồng minh giúp thiết lập thế trận phản công (Ảnh Internet)
Cố gắng cuối cùng và cái kết
Đến ngày 30/4/1975, trong khi phần lớn các tướng lĩnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã di tản ra nước ngoài, thì tướng Lê Minh Đảo lại tìm cách về Cần Thơ. Mục đích của tướng Lê Minh Đảo là phối hợp với Tư lệnh Quân đoàn IV Việt Nam Cộng hòa là tướng Nguyễn Khoa Nam tái phối trí lực lượng, giữ đồng bằng sông Cửu Long làm căn cứ, tiếp tục chống cự trong trường hợp Sài Gòn thất thủ. Tướng Nguyễn Khoa Nam hy vọng với ba Sư đoàn Bộ binh số 7, số 9 và số 21 còn tương đối nguyên vẹn trong tay cùng hàng chục nghìn địa phương quân và phòng vệ dân sự, cộng với các lực lượng tàn quân rút từ các quân khu đã thất thủ về, có thể lập được vành đai xung quanh thành phố Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy của Quân đoàn.
Trong trường hợp không giữ được Cần Thơ, tướng Nguyễn Khoa Nam còn có phương án dựa vào tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với dãy núi Thất Sơn và các vùng có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có nhiều hang động hiểm trở để cầm cự lâu dài và chờ thời cơ phản công. Trong tháng 4 năm 1975, một số công trình kiên cố dự định sử dụng cho Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút về đây đã được xây dựng. Các tướng Lê Minh Đảo và Lê Văn Hưng cũng đặt nhiều hy vọng vào kế hoạch này khi từ chối lời mời của tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị các hai ông này quay về Sài Gòn hợp tác với tướng Dương Văn Minh, nhằm bàn giao chính quyền trong trật tự cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Không chỉ tướng Lê Minh Đảo mà tất cả những ai trung thành với chế độ Việt Nam Cộng hòa đều coi Quân đoàn IV là hi vọng cuối cùng. Nếu phòng thủ thành công đồng bằng sông Cửu Long, hy vọng sẽ vận động được Hoa Kỳ và đồng minh “quốc tế hóa” trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam,tái hiện trận vành đai Pusan trong chiến tranh Triều Tiên .
Nhưng những cố gắng của một vài viên chỉ huy và một vài đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa không đi đến đâu. Chiều ngày 30/4/1975, một đơn vị quân Giải phóng chiếm được Đài phát thanh Cần Thơ, phát sóng cuốn băng ghi lại lời kêu gọi đầu hàng của tướng Dương Văn Minh và kêu gọi lực lượng địch buông súng. Sáu giờ chiều 30 tháng 4, một số thân hào, nhân sĩ Cần Thơ đã có mặt tại cổng tư dinh của tướng Lê Văn Hưng tại Cần Thơ, yêu cầu ông ta hãy vì dân chúng mà đừng ra lệnh phản công vì sợ rằng nếu Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản công, Cần Thơ sẽ bị pháo binh Quân Giải phóng san bằng thành bình địa như An Lộc năm 1972.
Biết không thể lật lại thế cờ, chiều tối 30 tháng 4, tướng Lê Văn Hưng tự sát tại tư dinh. Nửa đêm 30 tháng 4, tướng Nguyễn Khoa Nam ra lệnh dỡ bỏ các bản đồ, kế hoạch, mật hiệu hành quân dưới tầng hầm của Sở Chỉ huy Quân đoàn IV Quân lực Việt Nam Cộng hòa và tự sát ngay trong phòng làm việc sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Riêng tướng Lê Minh Đảo, không đủ can đảm tự sát, ra trình diện Quân Giải phóng ngày 9/5/1975.
Tuy nhiên, tại Quân khu IV, một số đơn vị quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn quyết liệt kháng cự. Lực lượng này tập trung tại An Giang, Long Xuyên, Chương Thiện, Phong Dinh. Do chưa có lực lượng chủ lực quân Giải phóng chi viện, nên bộ đội địa phương chưa thể làm chủ tình hình ở các địa phương này.
Tại tỉnh Chương Thiện (nay là tinh Hậu Giang), Đại tá tỉnh trưởng Hồ Ngọc Cẩn ngoan cố không đầu hàng Quân giải phóng. Sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn và sau đó tuyên bố đầu hàng trên toàn miền Nam vào trưa ngày 30/4/1975, Đại tá Cẩn bất tuân thượng lệnh, hô hào tử thủ đến cùng. Sáng ngày 1/5/1975, Quân Giải phóng tiến công Chương Thiện và bắt sống Đại tá Cẩn.
Đại tá quân đội Sài Gòn Hồ Ngọc Cẩn bị xét xử trong phiên tòa quân sự cách mạng Thành phố Cần Thơ, ngày 14/8/1975. Hồ Ngọc Cẩn bị tuyên án tử hình (Ảnh tư liệu)
Ở Long Xuyên, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, quân địch tan rã nhanh chóng. Tuy vậy, lực lượng bảo an quân Hòa Hảo vẫn ngoan cố kêu gọi “tử thủ”.
Chiều 1/5/1975, Trung đoàn 101 chủ lực lần lượt đánh tan các tuyến phòng ngự trên đường liên tỉnh, tạo áp lực khiến bảo an quân trong nội ô rút chạy về Chợ Mới. Khoảng nửa giờ sau, lực lượng vũ trang giải phóng đánh tan phòng tuyến Phú Hòa, tiến vào nội ô. Đến 18 giờ 30 phút, ta giải phóng hoàn toàn Long Xuyên, phát triển thế tiến công về Châu Thành.
Ở Châu Thành, lúc 16 giờ ngày 1/5/1975, Quân Giải phóng chiếm chi khu Châu Thành, một bộ phận bao vây trại công binh Mê Linh và làm chủ nơi này vào chiều tối. Sáng ngày 2/5, Quân Giải phóng tiêu diệt địch ở Bình Thủy và tiến về Châu Phú. Đến trưa 2/5, giải phóng hoàn toàn Châu Phú.
Trên chiến trường Bảy Núi, sáng 1/5/1975, Quân Giải phóng chiếm chi khu Tri Tôn, đến trưa cùng ngày, giải phóng Tịnh Biên. Thừa thắng, Quân Giải phóng tiến thẳng ra Châu Đốc.
Tại Châu Đốc, tình hình hết sức hỗn loạn vào sáng 30/4/1975 khi lính rã ngũ chạy về ngày càng nhiều. Chỉ huy đầu sỏ bảo an quân tuyên bố tử thủ. Bộ phận lãnh đạo nội ô của ta quyết định phát động khởi nghĩa tại chỗ. Gần trưa 1/5/1975, lực lượng vũ trang từ bên ngoài về phối hợp với lực lượng tại chỗ giải phóng hoàn toàn thị xã. Đến chiều 2/5/1975, các huyện, thị của An Giang trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà được giải phóng hoàn toàn.
Phía Long Châu Tiền, sáng 1/5/1975, Quân giải phóng quận lỵ Tân Châu. Sáng hôm sau, tiếp quản quận lỵ An Phú. Riêng ở Phú Tân, ta vừa tấn công tiêu diệt địch, vừa làm công tác vận động các chức sắc ở Tổ Đình. Chiều 3/5, toàn bộ trung tâm Phú Tân được ta kiểm soát. Ngày hôm sau, bảo an quân nhiều nơi lần lượt đầu hàng, ta giải phóng hoàn toàn Phú Tân.
Trước thế thắng lợi của cách mạng, tàn quân địch từ các nơi đổ dồn về Tây An Cổ tự lên tới trên 5.000 lính, hô hào quyết “tử thủ” đến cùng.
Chiều 3/5, Quân Giải phóng phát loa kêu gọi địch ra hàng. Kết quả là sáng 4/5, hàng ngàn bảo an quân ra hàng. Ta tiếp tục bao vây, uy hiếp đến 8 giờ sáng 6/5/1975 thì toàn bộ quân địch trong Tây An Cổ tự ra hàng, Chợ Mới được giải phóng. Lực lượng địch tại Tây An cổ tự đầu hàng, chính thức chấm dứt sự kháng cự của quân đội Sài Gòn trên toàn miền Nam.
Nhân dân An Giang chào đón quân giải phóng ngồi trên xe bọc thép
chiến lợi phẩm M113, tháng 5/1975 (Ảnh tư liệu)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc ngày 30/4/1975, khi lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trong cơn giãy chết cuối cùng, lực lượng phản động nhất, ngoan cố nhất trong quân đội Sài Gòn vẫn chống trả đến cùng. Đến ngày 6/5/1975, giờ thứ hai nhăm của cuộc chiến, máu của quân và dân miền Nam vẫn phải tiếp tục đổ xuống để giành độc lập, thống nhất trọn vẹn.
Bình Nguyễn