Mới đây, theo khảo sát của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Kết quả khảo sát này bất lợi cho hình ảnh cộng đồng mạng Việt Nam, song không phải ngẫu nhiên nước ta lại nằm trong bảng xếp hạng này. Những hình ảnh không mấy đẹp đẽ của cộng đồng mạng kém văn minh Việt Nam từ lâu đã được biết đến qua nhiều cách khác nhau.
Trong khi Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế từ chính trị, kinh tế… cho đến nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19, thì các hành vi chửi bới, lăng mạ, bôi nhọ, vu khống, bắt nạt… trên không gian mạng lại lây lan nhanh tính theo đơn vị phút, giây…
Nhan nhản thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Vụ việc một thầy giáo ở trường văn hóa đăng tải những lời lẽ thiếu văn hóa trên trang Facebook cá nhân, một doanh nhân lập riêng một fanpage để phản bác lại những lời tố cáo và lời qua tiếng lại bằng những ngôn từ thiếu chuẩn mực hay việc mỗi ngày người dùng mạng xã hội bị bủa vây bởi hàng triệu thông tin tiêu cực, xấu xí, thông tin sai sự thật một cách gián tiếp hoặc trực tiếp là thực trạng diễn ra trên mạng xã hội hiện nay.
Có một thực tế không thể phủ nhận tại Việt Nam, nhiều cư dân mạng chẳng cần biết đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng… nhưng sẵn sàng lao theo số đông phản đối gay gắt bằng nhiều hành động thậm chí có tính chất cực đoan. Họ thể hiện sự không vừa lòng bằng đủ kiểu hình thức như lập nhóm tẩy chay, ghép hình “dìm hàng”, spam tin nhắn hàng loạt với nội dung đe doạ…
Theo bà Vũ Thu Hà, Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam, nhiều người thích mạng xã hội bởi ở đó không bộc lộ rõ danh tính cá nhân, do đó họ dễ dàng trao đổi câu chuyện này, câu chuyện kia mà không ngại hậu quả. Mặt khác, thông qua mạng xã hội họ muốn thu hút sự chú ý nhiều hơn khi trong cuộc sống thực tế không dễ làm được.
“Khoảng cách từ người bị hại thành tác nhân chỉ bằng một nút chia sẻ (share) hay bình luận (comment). Sau mỗi bàn phím, khung hình là một cá thể thật. Chỉ cần mỗi người tự điều chỉnh hành vi, dù môi trường tác động là không gian ảo nhưng lợi ích là thật và tác động trực tiếp lên xã hội”, bà Hà nêu ý kiến.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành khuyến khích sử dụng họ tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của cơ quan tổ chức; đồng thời khuyến khích chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...
Quy định này được đánh giá sẽ giúp tăng tính trách nhiệm trong mỗi nút like, bình luận hay chia sẻ mà công dân mạng định sử dụng trên mạng xã hội.
Không thể tiếp tục “thăng hạng” hành xử kém văn minh trên Internet
Theo ông Phạm Văn Nghĩa, thành viên tổ soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Viện Chiến lược và Truyền thông thông tin, mặc dù Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành chỉ được xem là văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hành vi để công dân tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực hiện. Thế nhưng với người dùng mạng xã hội văn minh và thông minh, đây sẽ là sự hướng dẫn tốt để họ thể hiện trách nhiệm “gieo trồng”, nuôi dưỡng, phát triển trên môi trường mạng xã hội những thông tin tích cực.
“Dựa trên khung chung Bộ Quy tắc vừa được ban hành có thể điều chỉnh được những “ngóc ngách” mà quy định pháp luật chưa với tới. Qua đó, đưa ra các khuyến nghị chuẩn mực về đạo đức, hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam”, ông Phạm Văn Nghĩa nêu ý kiến.
Dù không bắt buộc nhưng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa ban hành có thể xem như “viên gạch” đầu tiên xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tương tác trên mạng xã hội, dần hạn chế những tác động tiêu cực, giúp mạng xã hội phát huy tốt hơn những giá trị và lợi ích cần có.
Nhiều chuyên gia truyền thông đánh giá, tấn công bắt nạt qua mạng, thông tin giả (fake news) trên mạng xã hội… phát triển song song với sự lớn mạnh của Internet. Không chỉ có Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra hành vi kém văn minh này. Thế nhưng, điều này cũng không thể là lý do biện hộ cho việc Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng.
Báo cáo của We are Social cho biết, trung bình người Việt sử dụng Internet 6,5h/ngày, trong đó 2,3h cho mạng xã hội. Với 65 triệu người dùng mạng xã hội và trên 70% người dân sử dụng Internet, nếu các công dân mạng không hành xử văn minh hơn, có lẽ năm sau, Việt Nam sẽ tiếp tục “thăng hạng” trong bảng khảo sát của Microsoft hay một tổ chức quốc tế nào khác./.
Vân Anh/VOV.VN