Những luận điệu sai trái, xuyên tạc
Thời gian qua, trước tình trạng một số cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam vi phạm kỷ luật, bị truy tố, xét xử vì vướng vào tham nhũng, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, các thế lực phản động đã lên tiếng xuyên tạc, phủ nhận công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, tình trạng đó bắt nguồn từ nguyên nhân tất yếu là chế độ một đảng duy nhất ở Việt Nam hay tham nhũng là “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền”[1]. Từ đó, các thế lực thù địch ra sức bài xích chế độ một Đảng của Việt Nam, lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải đi theo con đường đa đảng, tam quyền phân lập vì “Chỉ có thể chống tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực”[2].
Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến các cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được đưa ra xét xử.
Gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, có những phần tử thù địch, cơ hội chính trị còn lên tiếng cho rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép”(?!)… Có ý kiến còn cho rằng việc Đảng và Nhà nước nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”... Đây là những luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã đưa ra một số luận điểm kiểu quy chụp khi cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam “không hiệu quả”, “không có chuyển biến”; “Việt Nam chống tham nhũng loay hoay như con kiến cành đa”(?!)…
Những luận điệu đó cho thấy rõ dã tâm thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Mục đích của những dã tâm này là nhằm hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Sâu xa hơn nữa là nhằm phủ nhận chế độ một đảng duy nhất của Việt Nam, nhằm hướng lái sự phát triển của Việt Nam theo con đường đa đảng. Đây là âm mưu rất thâm độc đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên không thể coi thường, xem nhẹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Internet.
Những nỗ lực không thể phủ nhận
Trước hết, cần phải khẳng định, bản chất của tham nhũng là sự tha hóa của quyền lực chính trị. Đó là khi những người có chức, có quyền lợi dụng quyền lực của mình để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, của đất nước… Do đó, đây là hiện tượng xã hội tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Điều này đã từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, nhiều lãnh đạo cấp cao ở các nước tư bản phát triển cũng vướng vào vòng lao lý vì phạm tội tham nhũng. Vì thế, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền” là phiến diện, lộ rõ ý đồ quy chụp.
Nhận thấy tham nhũng là một trong những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng nói riêng và sự tồn vong của chế độ nói chung, thời gian qua, Đảng ta không ngừng bổ sung, phát triển về chủ trương và kiên quyết trong thực tiễn chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013) và chủ trương thành lâp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là một trong những minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng. Nhờ đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ngày càng bài bản, đồng bộ, theo quy trình ngày càng chặt chẽ, theo đúng phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị chủ trì tổ chức sáng 30/6/2022. Ảnh: Internet.
Có thể nhận thấy, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tham nhũng được coi là một loại “giặc nội xâm” cần được xử lý một cách quyết liệt. Quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đánh giá về điều này, Đại hội XIII nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”[3]. Nhờ đó, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao. Vì thế, những luận điệu cho rằng Việt Nam chỉ “nói không dám làm” hay công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng bè phái” là cố tình quy chụp, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra ngày 30/6/2022, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, những thành tựu to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong 10 năm qua góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.
Những nỗ lực không thể phủ nhận của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua chính là luận cứ thuyết phục, xác đáng nhằm khẳng định và lan tỏa những chủ trương đúng đắn cùng sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chiên Lê