Nhận diện
Việt Nam quan niệm quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên Hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện.
Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá nhà nước Việt Nam luôn là một trong những hoạt động nguy hiểm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “an ninh con người cao hơn an ninh quốc gia”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia”, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”... Dân chủ, nhân quyền đang là “cái cớ”, “vỏ bọc” cho các hành động can thiệp, gây sức ép thúc đẩy sự thay đổi chính trị ở Việt Nam của các thế lực thù địch, đồng thời là một khẩu hiệu, ngọn cờ để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tạo ra các khuynh hướng dân chủ cực đoan, tập hợp lực lượng chống đối, biểu tình, tiến tới các hoạt động khủng bố, bạo loạn, lật đổ.
Một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường nhằm vào để xuyên tạc về thực hiện quyền dân chủ ở nước ta là các quyền về chính trị, tự do dân chủ. Quyền tham gia chính trị của người dân, gồm các quyền cụ thể như quyền bầu cử, ứng của, sáng kiến nhân dân, giám sát, phản biện chính sách… là đối tượng thường bị xuyên tạc, bóp méo với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch mà chúng ta luôn phải cảnh giác để kịp thời dân diện, đấu trách, phản bác.
Thực tiễn về quyền tham chính của người dân trong quản trị nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, việc huy động người dân tham gia vào quản lý nhà nước thông qua việc ban hành các chính sách, quyết định hay cụ thể hơn là lựa chọn người được ủy nhiệm để thực hiện quản trị nhà nước đã thể hiện rõ qua các hình thức nhất định. Nhà nước khẳng định quyền lực tối cao của Nhân dân trong việc trực tiếp thành lập nên các cơ quan quyền lực nhà nước, đây chính là cơ sở pháp lý rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân được trực tiếp thành lập nên các cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương là biểu hiện sâu sắc của nền dân chủ XHCN ở nước ta.
Ngoài những quy định về bầu cử thì còn có quy định về trưng cầu dân ý được thể hiện qua Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, đây là hình thức để người dân thực sự tham gia vào các vấn đề trong quản lý nhà nước, là việc nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 cũng đã xác định nguyên tắc trưng cầu ý dân được thực hiện phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và phải bảo đảm để Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình, chính nội dung này đã để người dân thực sự tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội của các công dân.
Theo kết quả khảo sát tại một số địa phương như tại tỉnh Đồng Nai về mức độ hài lòng chung đối với quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho thấy: Đối với các sở, ban, ngành có 16/17 đơn vị đạt tỷ lệ hài lòng trên 92%, trong đó có ba đơn vị 100% ý kiến khảo sát cho kết quả hài lòng và rất hài lòng là Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các ý kiến chưa hài lòng chủ yếu thuộc các lĩnh vực như đầu tư, việc làm - lao động, quản lý công trình xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm và dược phẩm, đất đai, lý lịch tư pháp,…
Biểu đồ: Tổng hợp khảo sát của người dân năm 2015-2022 về đánh giá công tác quản lý nhà nước[1].
Có thể dựa vào những kết quả khảo sát về sự hài lòng của người dân để trên cơ sở đó khi có những thắc mắc và khó khăn thì Nhà nước mở các kênh giải đáp trực tuyến trên các trang thủ tục hành chính để cùng trao đổi, tháo gỡ, triển khai hiệu quả việc thực hiện Đề án dịch vụ công qua cổng thông tin điện tử hiện nay. Chính những nội dung này đã là tiền đề để giúp người dân có thể tham gia trực tiếp vào công tác quản lý nhà nước, thực thi các quyền chính trị hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Giải pháp đấu tranh
Để đấu tranh phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, chống phá việc thực hiện quyền tham gia chính trị của người dân, cần chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò thực hiện quyền tham chính của người dân trong quản trị nhà nước.
Để thực hiện các giải pháp đồng bộ trên các mặt đối với hoạt động quản trị nhà nước tốt thì phải thay đổi nhận thức, quan điểm của các cán bộ, công chức là chủ thể quản trị nhà nước rồi mới đến người dân. Theo đó, phải có phương án đào tạo, nâng cao nhận thức về quản trị nhà nước tốt từ các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, đổi mới tư duy về quản trị nhà nước tốt, đưa các chủ thể này tham gia đào tạo chuyên môn, đặc biệt là những kiến thức được học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới. Chỉ khi thay đổi nhận thức, quan điểm về các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt thì mới thực hiện được các nguyên tắc này trên thực tế và bảo đảm khẳng định chính sách dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa quyền làm chủ, quyền tham chính của người dân.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện quyền tham chính của người dân trong quản trị nhà nước.
Do sự phát triển của mỗi quốc gia, yếu tố dân tộc không tách rời sự phát triển chung của nhân loại, vì vậy đòi hỏi nước ta khi xây dựng mô hình quản trị nhà nước tốt phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực sự có hiệu lực và hiệu quả bởi pháp luật đang trở thành nguyên tắc ứng xử toàn cầu, việc thừa nhận và tôn trọng các công ước, thông lệ quốc tế là yêu cầu đối với mỗi quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia, dân tộc cùng tồn tại hòa bình. Để thực hiện tốt chính sách dân chủ, phát huy quyền tham gia chính trị của người dân vào các công việc của nhà nước thì Nhà nước cần thực hiện các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh các văn bản luật về quyền tham gia chính trị của người dân, cụ thể hơn các cơ chế thực hiện quyền giám sát, phản biện, phát huy sáng kiến nhân dân; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc tiếp thu, giải trình về các kiến nghị, phản biện của người dân,… trên cơ sở những tiêu chí mới của Hiến pháp và định hướng chiến lược của Đảng về quyền con người, quyền công dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Internet.
Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật về thực hiện quyền tham chính của người dân trong quản trị nhà nước.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước là một vấn đề đặc biệt quan trọng bởi vì đây chính là việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước hợp lý để bảo đảm cho quyền lực nhân dân được thực hiện đầy đủ và không bị xâm phạm, ủy quyền mà không bị mất quyền, ủy quyền mà không bị lạm dụng. Đổi mới cơ cấu thành phần, bảo đảm tính nhân dân, tính đại biểu và chất lượng của các đại biểu Quốc hội. Quốc hội cần tăng số lượng đại biểu của mình để đại diện hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân khác nhau trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội cũng nên chú trọng đến tỷ lệ các đại biểu là các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp luật, chuyên gia các lĩnh vực khác để giúp Quốc hội trong hoạt động chung và nhất là hoạt động lập pháp. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần chú trọng các tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội như trình độ văn hóa, lý luận, nhất là trình độ pháp lý, phải chọn những người có năng lực, trí tuệ, phẩm chất chính trị tốt, trong sạch và kiên quyết đấu tranh với những tệ nạn xã hội, đặc biệt là đối với lĩnh vực phòng chống tội phạm tham nhũng.
Thứ tư, tăng cường cơ chế giám sát trong quản trị nhà nước bảo đảm thực hiện quyền tham chính của người dân trong quản trị nhà nước.
Tăng cường thực hiện và bảo đảm chức năng giám sát của Quốc hội, bảo đảm hoạt động xem xét báo cáo, chất vấn đối với các cơ quan nhà nước khác, đối với những người có chức vụ. Các thành viên của Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án phải có trách nhiệm trả lời nghiêm túc các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và cử tri tại các phiên họp Quốc hội, bảo đảm thực hiện một cách công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình từ cơ quan nhà nước. Tăng cường việc kiểm tra các văn bản của Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, chống phiền hà, nhũng nhiễu, lộng quyền của các cơ quan nhà nước và những người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Đẩy mạnh hình thức giám sát bằng các đoàn công tác của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội. Phát huy vai trò giám sát của từng đại biểu Quốc hội, từng đoàn đại biểu Quốc hội trên mọi lĩnh vực, ở khắp các địa phương. Các cơ quan nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, phân loại, đánh giá đội ngũ cán bộ công chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại. Thực hiện phân minh việc xử lý cán bộ thoái hóa biến chất, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…
Phát huy quyền làm chủ người dân gắn với việc bảo đảm quyền tham chính là một trong những nội dung trọng tâm về việc thực hiện các chủ trương, đường lối trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng nền dân chủxã hội chủ nghĩatrong thời gian vừa qua, thể hiện rõ bản chất xã hội, tính ưu việt của nhà nước Việt Nam. Đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thực hiện quyền tham chính của người dân là yêu cầu quan trọng để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nguyễn Văn Đại