Tên sách: Khủng hoảng nợ công ở một số nước Liên minh châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tác Giả: Đinh Công Tuấn
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 578
Nhà Xuất bản: NXB Khoa Học Xã Hội
Cuộc khủng hoảng nợ công đã giáng những đòn chí mạng vào các nền kinh tế châu Âu và việc khắc phục hậu quả đến nay vẫn còn chưa chấm dứt. Khởi phát từ Hy Lạp vào cuối năm 2009 sau đó kéo theo một loạt các nước thành viên Liên minh châu Âu như Ireland, Bồ Đào Nha… Cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra đã phơi bày những khiếm khuyết một cách có hệ thống trong cơ chế và chính sách của EU. Sự sụp đổ của hai nền kinh tế từng được coi là hình mẫu hình tăng trưởng của châu Âu đã gây ra những tác động nhất định đến nền kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, cuộc khủng hoảng khiến mọi quốc gia đều giật mình nhìn lại, bởi dẫu là nước phát triển hay đang phát triển, họ đều đang duy trì một mức nợ công nhất định. Việc nghiên cứu khủng hoảng nợ công ở một số nước EU và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam có ý nghĩa lý luận sâu sắc. Việc đánh giá đúng đắn các nguyên nhân và phản ứng chính sách của các nước EU đối với cuộc khủng hoảng nợ công, tìm ra những sai lầm trong điều hành chính sách của EU để gợi mở cho Việt Nam tham khảo trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế nói chung và giải quyết vấn đề nợ công, hiện đang là vấn đề thời sự bức xúc, nóng bỏng hiện nay ở tất cả các cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước đến mọi người dân. Với mục tiêu kỳ vọng là từ kết quả nghiên cứu về nợ công châu Âu sẽ có những gợi mở hàm ý chính sách cho Việt Nam, năm 2019, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Khủng hoảng nợ công ở một số nước liên minh châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” do PGS.TS. Đinh Công Tuấn chủ biên. Cuốn sách đã hệ thống hóa về lý thuyết và thực tiễn nợ công và khủng hoảng nợ công ở châu Âu và trên thế giới. Đồng thời, thông qua việc khảo sát thực tiễn về một số nước trên thế giới, cuốn sách chỉ ra rằng nợ công có thể gây ra những tác động dây chuyền kiểu hiệu ứng domino lên toàn bộ châu Âu. Trên cơ sở đó, cuốn sách đã phát đi thông điệp rằng các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, các nước kém phát triển càng cần phải nghiêm túc đánh giá lại tình hình sử dụng, quản lý, giám sát nợ công.
Ngoài phần lời nói đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nợ công và khủng hoảng nợ công
Chương này tập trung vào một số nội dung chính như: các khái niệm, lý thuyết cơ bản liên quan đến nợ công, khủng hoảng nợ công; các lý thuyết tiền tệ liên quan đến sự ra đời và vận hành đồng Euro và liên kết tiền tệ trong khu vực Liên minh châu Âu; lý thuyết về liên kết khu vực liên quan đến sự liên kết của châu Âu cũng như quan hệ của các quốc gia thành viên với các thể chế của EU; tìm hiểu thực trạng nợ công của một số nước EU trước khủng hoảng nợ công, tìm hiểu thực tiễn nợ công của một số nước trên thế giới, trên cơ sở đó khái quát về bản chất, các nét đặc thù và phổ quát của nợ công ở các quốc gia Liên minh châu Âu so với nợ công của các quốc gia khác trên thế giới.
Chương 2. Khủng hoảng nợ công ở một số nước thành viên EU: Thực trạng và giải pháp
Chương này đề cập khái quát thực trạng, diễn tiến khủng hoảng nợ công, những hệ lụy ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội quốc gia và những giải pháp ứng khó với khủng hoảng nợ công ở bốn quốc gia thành viên EU mắc nợ công lớn, cụ thể là Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Từ đó, nhóm tác giả phân tích khủng hoảng nợ công nhìn từ cấp độ EU qua việc phân tích cơ cấu nợ công, nguyên nhân khủng hoảng nợ công, tác động của cuộc khủng hoảng này, xu hướng khác phục và thực trạng xử lý nợ công ở EU.
Chương 3. Nợ công ở Việt Nam hiện nay và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhìn từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu
Chương này đưa ra những đánh giá về thực trạng nợ công của Việt Nam từ 2001 đến nay (năm 2014), dự báo tình hình nợ công của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời phân tích tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với Việt Nam, minh chứng là đã tác động tới vốn viện trợ ODA của EU tới vấn đề quản lý tài chính công, vấn đề cơ cấu lại mô hình phát triển kinh tế, vấn đề cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng, vấn đề giám sát nợ công cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Qua đó rút ra bài học cho Việt Nam và đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong quản lý nợ công, phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng nợ công hiện nay. Ngoài ra, chương này cũng đưa ra được một số đề xuất đối với chính quyền trung ương và địa phương trong vấn đề quản lý nợ công của Việt Nam.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết của nhiều học giả. Nội dung cuốn sách đã được sử dụng trong chuyên đề giảng dạy tại các trường đại học và cơ sở đào tạo sau đại học thuộc ngành kinh tế học, châu Âu học, quan hệ quốc tế, lịch sử thế giới… Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu tìm hiểu của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và các bạn đọc quan tâm.
Theo vass