Đêm 30/1 theo giờ Mỹ, tức là sáng 31/1 giờ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sẽ công bố bản cập nhật báo cáo kinh tế thế giới 2023, sau khi các số liệu thống kê quý 4 năm 2022 của các nền kinh tế lớn trên thế giới được công bố chính thức.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos vừa qua, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,7% từ mức 1,8% đưa ra hồi cuối năm ngoái. Và không loại trừ khả năng dự báo sẽ tiếp tục được nâng lên trong báo cáo cập nhật vào ngày 31/1.
Tăng trưởng toàn cầu dự kiến vẫn sẽ chậm lại, ở mức thấp nhất trong những thập kỷ gần đây do các cuộc khủng hoảng đan xen như xung đột tại Ukraine, lạm phát gia tăng, thắt chặt nợ và tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tuy nhiên, báo cáo của các chuyên gia tại Diễn đàn Davos vẫn chỉ ra những cơ sở cho sự lạc quan, bao gồm khả năng dịu bớt của các cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt.
Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Lạm phát ở khu vực dịch vụ đang giảm, nhưng chưa thể khẳng định là xu hướng này sẽ kéo dài. Chúng tôi chưa có đủ cơ sở để xác nhận điều này sẽ tiếp diễn trong một hay hai tháng tới. Nhưng nếu những số liệu thu được sắp tới giống với những gì chúng ta đã thấy trong những tháng vừa qua thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp".
Trong năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn cho kinh tế thế giới, nhưng việc các nền kinh tế lớn, vốn tạo động lực cho tăng trưởng như Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone vẫn có được tăng trưởng dương trong năm nay, và đặc biệt là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới
Khác với những dự báo còn nghi ngại cho các nền kinh tế phương Tây, châu Á được mong đợi sẽ trở thành động lực cho triển vọng toàn cầu năm nay.
Dù không nằm ngoài các thách thức và vẫn sẽ đối diện với những giai đoạn chịu tác động từ tình hình khó khăn chung, các nền kinh tế Đông Nam Á, Ấn Độ và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc được kỳ vọng nhiều sẽ có thể làm sáng tình hình chung.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, kinh tế Mỹ, châu Âu giảm tăng trưởng, các nền kinh tế mới nổi châu Á được nhận định là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2023. Kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn nhưng vẫn khá tích cực ở mức 4,6% trong năm nay. Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đang tạo ra những động lực quan trọng cho kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Ông Prasoon Sharma - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc toàn cầu của Ấn Độ: "Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% là rất khả quan và tích cực không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng cho thấy sự gia tăng xuất nhập khẩu và thương mại của Trung Quốc với thế giới. Đây là những chỉ số quan trọng và tích cực cho sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu cũng như của Trung Quốc".
Khu vực Đông Nam Á cũng là một điểm sáng tăng trưởng và được hưởng lợi nhiều hơn từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo dự báo của OECD, tăng trưởng GDP của khu vực ASEAN được dự báo ở mức 5,2% trong năm 2023, cao đáng kể so với nhiều nền kinh tế khác trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Ông Brian Lee Shun Rong - Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore: "Việc Trung Quốc mở cửa trở lại và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực ASEAN, đặc biệt là thông qua xuất khẩu, du lịch và dịch vụ đối ứng, bù đắp một phần rủi ro suy thoái ở Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, thương mại nội khối ASEAN đang tăng trưởng hơn 30%, giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc... Cùng với đó, việc định hình lại chuỗi cung ứng sang khu vực ASEAN cũng giúp làm tăng đáng kể nguồn vốn FDI vào khu vực.
Các thể chế, đơn vị nghiên cứu kinh tế đều cho rằng, châu Á - Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% GDP của thế giới, sẽ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, nhờ các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh.
Vẫn còn nhiều biến số chưa chắc chắn với triển vọng kinh tế thế giới năm nay, lạm phát cao vẫn buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt điều kiện, nguy cơ suy thoái vẫn còn đó.
Trong bức tranh kinh tế với những mảng màu trầm đó, đối với châu Á, việc xử lý tốt tác động từ các thách thức bên ngoài là điều không đơn giản, nhưng khu vực này đang nổi lên là điểm sáng và được đặt kỳ vọng giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Nguồn VTV