Khi người cách ly vượt quá nhiệt độ thiết lập và đi ra ngoài phạm vi quy định được cài đặt trước đó, hệ thống sẽ phát cảnh báo đến người quản lý. Toàn bộ nhật ký nhiệt độ và vị trí của người cách ly được hiển thị phục vụ xử lý.
Giao diện phần mềm bằng tiếng Việt hiển thị thông tin cá nhân của người đang cách ly gồm tên, tuổi, số điện thoại, vị trí, tình trạng, thời gian cách ly... Phần mềm có tính năng gọi thoại hoặc video phục vụ cho việc liên lạc hoặc trao đổi thông tin giữa người quản lý và người cách ly. Trường hợp người cách ly tháo thiết bị đeo tay giám sát ra khỏi cơ thể, các chỉ số sức khỏe gửi về trung tâm sẽ có biến động lớn và hệ thống sẽ gửi cảnh báo để người quản lý nắm thông tin.
Toàn bộ thông tin cá nhân của người cách ly được bảo mật tuyệt đối và chỉ được truy cập bởi cơ quan có thẩm quyền. Thông tin chỉ được phục vụ cho công tác chống dịch. Máy chủ và dữ liệu có thể đặt tại bất kỳ trung tâm y tế nào và các Sở Y tế có thể quản lý 100%.
Anh Trần Phúc Hồng, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phần mềm được nhóm phát triển và hoàn thiện vào tháng 5/2020. Tuy nhiên, để hoạt động cần có thêm phần cứng là thiết bị đeo tay có cảm biến nhiệt độ, hệ thống GPS để xác định vị trí. Thiết bị này ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sản xuất, nếu nhập ngoại có giá khoảng 350.000 đến 550.000 đồng (15 – 25 USD) một chiếc.
"Phần mềm này có thể tương thích với hầu hết các loại thiết bị đeo tay hiện nay. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp đã và sẽ làm thiết bị đeo tay, hệ thống phần cứng để cùng thử nghiệm phát triển hoàn thiện phương thức cách ly tại nhà bằng công nghệ này", ông Hồng nói. Nếu sản phẩm khi được áp dụng rộng rãi sẽ giải quyết được vấn đề quản lý người cách ly và tiện lợi cho việc điều tra dịch tễ nếu họ trốn khỏi khu vực quản lý. Ứng dụng công nghệ này còn giảm thiểu nhân viên y tế, nhân sự cơ quan nhà nước theo dõi, giám sát người cách ly. "Chỉ cần một người theo dõi, có thể quản lý cách ly hàng nghìn người", trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Từ quý 3 năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá và chấp thuận triển khai thử nghiệm giải pháp tại quận 12 theo mô hình xã hội hóa. Nhóm nghiên cứu tài trợ phần mềm và Công viên Phần mềm Quang Trung tài trợ máy chủ. Tuy nhiên, do chưa tìm được nhà tài trợ về chi phí mua vòng đeo và dịch bệnh tại TP HCM thời điểm đó đã ổn định, việc triển khai không được tiếp tục.
Theo Khoa học và Đời sống