Tuổi già mà chỉ trông cháu thì phí quá!
Ở tuổi 85, GS.TSKH Dương Đức Tiến, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) vẫn say sưa nghiên cứu, ứng dụng. “Tôi cực lực phản đối quan điểm cho rằng tuổi già, nghỉ hưu rồi thì ở nhà chăm con chăm cháu, dừng lại công việc. Mà hiện nay số người này không ít đâu. Tuổi già mà chỉ trông cháu và đi chơi thì phí quá. Đây mới chính là lúc có nhiều thời gian để thực hiện đam mê, làm khoa học, làm mọi thứ mà không áp lực, lại kiếm ra tiền, cống hiến được cho xã hội. Chỉ khi được làm việc, mới thấy cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Tôi vẫn bảo các cụ hưu trí trong chi bộ Đảng tôi sinh hoạt, nên làm việc. Như tôi, làm việc chịu khó, tập trung, mỗi ngày có thể kiếm được 700.000 – 800.000đ quá đơn giản”, GS.TSKH Dương Đức Tiến chia sẻ.
GS.TSKH Dương Đức Tiến dành trọn cuộc đời nghiên cứu các loài tảo. Ảnh Trần Hải |
Công việc của GS.TSKH Dương Đức Tiến hiện nay là tư vấn, trợ giúp các cơ sở sản xuất tảo xoắn Spirulina. Ông giúp các cơ sở sản xuất kiểm soát xem giống tảo có chuẩn không, có nhiễm tạp chất không để nhân giống nuôi trồng. Làm thế nào để tạo ra chất lượng cao, năng suất tốt. Thu nhập từ công việc chuyên môn đơn thuần giúp ông sống rủng rỉnh mà không cần dùng đến lương hưu.
GS.TSKH Dương Đức Tiến tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp năm 1959, sau đó ông được phân về làm giảng viên của Đại học Nông nghiệp I, Khoa Thủy sản. “Những năm tháng say sưa” đó theo lời ông, đã đưa ông đến với duyên nghiệp nghiên cứu về tảo nước ngọt đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1967, ông được cử sang Liên Xô cũ học về tảo, khi ấy ông cũng là người đầu tiên nghiên cứu về tảo tại Trường Đại học Lomonoxop. Sau 3 năm, ông hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ và về nước, trở lại Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp để giảng dạy với lý do lúc nào quá thiếu nhân lực có chuyên môn về tảo.
“Tôi đến với tảo từ nhiệm vụ được giao mà không xuất phát từ niềm say mê. Dần dần tìm hiểu, nghiên cứu về tảo đã tạo cho tôi niềm say mê với một thế giới đa dạng, kỳ diệu với bao vấn đề được đặt ra. Riêng tảo ở ruộng lúa có đến hàng trăm loài, như tảo ở Đồng bằng sông Hồng khác với tảo ở Đồng bằng sông Cửu Long, tảo ở ruộng lúa đồng bằng khác với tảo ở ruộng lúa miền núi cao… điều đó đã tạo những hứng thú ban đầu để tôi tiếp tục say mê nghiên cứu. Nói thật đến tuổi này tôi vẫn chưa hiểu biết hết về những loài tảo ở ruộng lúa”, ông cười nói.
GS.TSKH Dương Đức Tiến bên các thí nghiệm nuôi tảo. Ảnh Trần Hải |
“Cuốn sách đầu tiên tôi viết là “Tảo lam cố định đạm”, nghiên cứu về loại tảo lam trong ruộng lúa, cung cấp lượng đạm dồi dào cho cây lúa phát triển. Thời điểm này, nông dân gần như không sử dụng thuốc hóa học hay phân bón hóa học, nên tảo rất nhiều. Chúng bám đầy ở gốc lúa, như một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây lúa phát triển, tăng độ phì nhiêu cho đất. Sau đó là những tháng ngày lăn lê bò toài ở các thủy vực để xem có bao nhiêu loại tảo, loại nào có độc tố, loại nào có ích”, GS.TSKH Dương Đức Tiến chia sẻ.
Cuốn giáo trình “Việt Nam hóa” về tảo nước ngọt đầu tiên đó đã được dùng giảng dạy tại Khoa Thủy sản, Đại học Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ 1961 - 1966.
Đến năm 1979, ông lại được cử sang Liên Xô cũ tiếp tục nghiên cứu về tảo. Hành trình đem theo lúc đó là lúc lỉu các loại tảo thu thập được từ khắp nơi từ Bắc vào Nam Ông thực hiện luận án tiến sĩ khoa học “Tảo nước ngọt trong các thủy vực ở Việt Nam” năm 1982. Trở về nước, ông tiếp tục làm giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp đến khi nghỉ hưu là năm 2004.
Phải làm ra cái gì đó cho cộng đồng
“Khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô cũ về nước, tôi được thầy Ngụy Như Kon Tum, khi đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp đến thăm nhà. Thầy đến thăm với tư cách thầy trò, chứ không phải lãnh đạo nhà trường. Tôi thực sự xúc động và nhớ mãi lời dặn của thầy khi đó là cố gắng làm tốt công việc, đóng góp vào công cuộc đào tạo cho đất nước. Sau đó, thầy Đào Văn Tiến là chủ nhiệm khoa Sinh học cũng đến tận nhà trò chuyện. Thầy Tiến còn dẫn tôi đến gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là ông Tạ Quang Bửu. Tôi được căn dặn làm sao để luôn rực cháy đam mê nghiên cứu khoa học để truyền lửa cho các thế hệ sinh viên”, GS.TSKH Dương Đức Tiến nhớ lại.
Từ đó, trong suốt những năm tháng say mê, GS.TSKH Dương Đức Tiến đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, hướng dẫn hàng chục tiến sĩ. “Khi giảng dạy, tôi luôn mong sinh viên của mình phải giỏi hơn thầy, phải vượt trội hơn thầy. Nếu không làm cho học sinh của mình giỏi hơn mình là mình chưa làm tốt nhiệm vụ”.
Với sở thích làm việc không ngừng, năm 2005, GS.TSKH Dương Đức Tiến cùng GS Lê Xuân Tú (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học. Khi đề xuất ý tưởng với GS.VS Vũ Tuyên Hoàng (nguyên Chủ tịch VUSTA) thì nhận được lời khuyên, khoa học phải phục vụ cuộc sống, nên thêm chữ “phục vụ đời sống và sản xuất”. Vậy là Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất ra đời, “hoạt động hết công suất” cho đến tận bây giờ.
GS.TSKH Dương Đức Tiến cho biết, nguồn lợi tảo của Việt Nam rất phong phú và có giá trị rất lớn. Trong tảo xoắn Spirulina, hàm lượng protein chiếm đến 60% trọng lượng khô. Tảo phục vụ sản xuất các sản phẩm tăng cường sức khỏe, làm đẹp cho con người, phục vụ con người, chăn nuôi, làm phân bón… Đây có thể là một ngành kinh tế đem lại giá trị rất lớn nếu biết tận dụng.
GS.TSKH Dương Đức Tiến có nhiều niềm vui ở tuổi già. |
Ở tuổi 85, ông vẫn đến các cơ sở, khu sản xuất tảo để trợ giúp về mặt khoa học, làm sao đạt hiệu quả cao nhất. Ông cho biết mới đây có giúp một nhóm các bạn trẻ nghiên cứu sản xuất tảo xoắn Spirulina. Giá thành để bán sản phẩm khoảng 1.000đ/viên nang là đã có lãi, nhưng phía đơn vị sản xuất bán 4.000đ/viên. Nếu như thế thì theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, sản phẩm sẽ khó đến được với người tiêu dùng bình dân. Ông có đề xuất với nhóm là nên bán giá thấp hơn, bởi người có thu nhập cao để sử dụng thực phẩm chức năng với giá này không nhiều. “Họ bảo tôi là sẽ không làm như cách cũ ngày xưa các bác làm nữa. Giờ phải đầu tư vào bao bì sản phẩm, quảng cáo, rất nhiều chi phí khác… thì mới được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Việc nuôi tảo bây giờ không khó. Ngay cả ở Hà Nội, có thể tận dụng khoảng trống phía trên tầng thường của ngôi nhà để nuôi tảo được. Chỉ cần có giống tảo chuẩn, làm đúng phương pháp, có môi trường ánh sáng và khí hậu tốt là tảo phát triển. Như vậy theo GS.TSKH Dương Đức Tiến, ai cũng có thể “làm giàu” từ tảo, nếu biết tận dụng.
Tổng hợp theo Khoa học và Đời sống