Biến thể Delta vẫn đang đe dọa những thành tựu chống dịch COVID-19 - điều mà cả thế giới vốn đã rất khó khăn để đạt được. Việc số ca mắc mới, số ca nhập viện và tử vong do loại biến thể này liên tục chạm mốc những kỷ lục mới khiến Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã đưa ra lời cảnh báo: thế giới sắp ghi nhận 200 triệu ca mắc COVID-19.
Theo các chuyên gia, đà tăng này thậm chí còn có thể tệ hơn so với mức dự báo, nếu vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng. Bởi thực tế, thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của đại dịch – thời điểm làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu có thể khiến nhiều biến thể virus mới với khả năng kháng vaccine và dễ lây lan hơn xuất hiện.
Theo Tiến sĩ Peter Hotez, Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine tại Bệnh viện Nhi Texas, tình hình lây nhiễm COVID-19 đang rất tồi tệ tại những bang miền Nam nước Mỹ - nơi có tỷ lệ người dân tiêm vaccine tương đối thấp. "Biểu đồ số ca mắc mới sẽ đi lên với tốc độ rất nhanh và dốc".
Cụ thể, tại bang Georgia, tỷ lệ mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp 3 lần chỉ trong khoảng thời gian 14 ngày. Tại bang Florida, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Diễn biến xấu đáng báo động trước sự lây lan của biến thể Delta khiến cơ quan y tế liên bang nhanh chóng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và kêu gọi người dân đến các điểm tiêm ngừa vaccine COVID-19. "Thật không may, số ca mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Người không tiêm chủng hoặc bỏ qua mũi tiêm thứ hai chính là những mục tiêu lây nhiễm chính của biến thể" - Tiến sĩ Kathleen E. Toomey khẳng định.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tốc độ tiêm chủng tại đa số các bang của Mỹ đang được đẩy mạnh. Theo đó trung bình mỗi ngày sẽ có hơn 418.000 người dân được chủng ngừa - tốc độ tiêm nhanh nhất kể từ hồi đầu tháng 7.
Đeo khẩu trang là quy định bắt buộc
Trong bối cảnh khả năng lây nhiễm biến thể Delta đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới chức Mỹ, việc bỏ khẩu trang bỗng trở thành điều xa xỉ.
Chính phủ Mỹ khuyến cáo người dân luôn phải mang theo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộn, trong không gian kín hay những khu vực mà dịch bệnh đang lây lan mạnh, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên tại các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 đều phải đeo khẩu trang bất kể họ đã được tiêm vaccine hay chưa.
Chính phủ Mỹ khuyến cáo người dân luôn phải mang theo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn ở nơi công cộng, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (Nguồn: Reuters)
Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết, lớp không khí mang các giọt bắn chứa virus SARS-CoV-2 có thể di chuyển trong môi trường như khói thuốc lá, vậy nên bạn có thể dễ dàng mắc COVID-19 nếu hít phải chúng.
Dù việc lây truyền virus trong không gian kín là nút thắt chính cần được tháo gỡ, xong theo ông Osterholm, khả năng lây lan virus ngoài cộng đồng cũng là điều đáng lưu tâm, nhất là khi mọi người tiếp xúc gần với nhau trong khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, các quy định đeo khẩu trang đang được giới chức thành phố, trong đó có New Orleans và Louisville, siết chặt hơn bao giờ hết.
Điều đáng mừng là, người dân Mỹ không cần đợi thông báo mới của CDC mới thay đổi nhận thức về việc đeo khẩu trang.
Hồi tháng 5, dù tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực, số người nhiễm và tử vong giảm đáng kể và gần 50% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine, hầu hết mọi người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Họ cho rằng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm từ những người chưa tiêm phòng và không tuân thủ những quy định an toàn phòng, chống dịch.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy biến thể Delta có thể tạo ra một lượng virus tương tự ở cả những người đã được tiêm chủng (trong trường hợp bị nhiễm) và chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế lại chứng minh rằng, những bệnh nhân chưa được tiêm vaccine sẽ có nguy cơ bệnh trở nặng cao hơn nhiều so với người đã được chủng ngừa.
Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cũng cho biết: "Nếu thực hiện các quy tắc cần thiết trong nhiều tuần, chẳng hạn như tiêm phòng hoặc đeo khẩu trang, chúng ta có thể giảm thiểu số ca mắc mới".
Việc tự giác đeo khẩu trang và tiêm chủng cũng chính là một cách để người Mỹ thực hiện nghĩa vụ công dân (Nguồn: AP)
Theo một phân tích được CDC công bố, hiện hơn 80% dân số nước Mỹ, tương đương khoảng 274 triệu người, đang sống tập trung tại một số quận – nơi virus được cho là có khả năng lây lan "cao" hơn đáng kể so với những khu vực khác.
Khi đó, việc tự giác đeo khẩu trang và tiêm chủng cũng chính là một cách để người Mỹ thực hiện nghĩa vụ công dân. Trước đó, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, ông Authony Fauci cũng cho rằng người dân nước này sẽ cần đeo khẩu trang cho đến năm 2022, ngay cả khi Mỹ trở lại trạng thái bình thường vào cuối năm 2021 này.
Tình trạng quá tải phòng chăm sóc tích cực ICU quay trở lại
Tốc độ lây lan của biến thể Delta khiến số lượng người mắc COVID-19 nhập viện gia tăng ở mức đáng lo ngại. Mississippi, một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Mỹ, đang phải đối phó với sự gia tăng đột biến của những bệnh nhân COVID-19. Dữ liệu từ Cơ quan Y tế bang Mississippi cho thấy trong số 827 giường ICU trên toàn tiểu bang, hiện chỉ có 107, xấp xỉ 13% là có thể sử dụng.
Toàn bộ 88 giường trong phòng chăm sóc đặc biệt của Trung tâm Y tế Đại học Mississippi lớn nhất bang đều đã kín chỗ. Theo ông Thomas Dobbs, nhân viên y tế tại bang này, 88% số bệnh nhân nhập viện đều là những người chưa được tiêm chủng, và điều này đang "tác động tiêu cực lên những người Mississippia lớn tuổi vốn đã được tiêm vaccine trước đó".
Tại Texas, Cơ quan Y tế Công cộng Austin cũng cho biết số lượng giường ICU có nhân viên giám sát đang bị thiếu hụt nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch. Tiến sĩ Desmar Walkes thuộc Cơ quan Y tế Austin-Travis cho biết, "nếu không đồng lòng, chúng ta sẽ khiến cuộc sống của những người thân yêu bị nguy hiểm".
Các khu vực bị ảnh hưởng tại Texas bao gồm thành phố Amarillo, Wichita Falls, Abilene, Killeen, Waco, Beaumont và Victoria. Một số bệnh viện thậm chí đã buộc phải dừng tất cả các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp để dành nguồn lực cho các ca nhập viện vì COVID-19.
Giám đốc Trung tâm y tế AdventHealth Central Florida, Tiến sĩ Neil Finkler cho biết, hơn 90% bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại đây đều chưa tiêm chủng. "Không ai trong số những bệnh nhân này nghĩ rằng họ sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, biến thể Delta đã được chứng minh là có khả năng lây lan cao, ngay cả với những người trẻ tuổi và khỏe mạnh. Họ, và cả những phụ nữ mang thai, đang bắt đầu lấp đầy các bệnh viện của chúng tôi".
Tình trạng này trên nước Mỹ, cũng như rất nhiều các quốc gia khác khiến các chuyên gia WHO đưa ra lời cảnh báo: Nếu không nhanh chóng hành động, thế giới sẽ có thêm nhiều biến thể đáng lo ngại hơn, nguy hiểm hơn. Bằng chứng là biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 50% so với chủng gốc SARS-CoV-2, đồng thời gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn. CDC cho biết loại biến thể này dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu và có khả năng gây ra các triệu chứng bệnh nặng.
Theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, Delta chính là lời cảnh tỉnh cho những ai còn thờ ơ và chủ quan với việc đeo khẩu trang và tiêm chủng, bởi virus SARS-CoV-2 vẫn đang không ngừng biến đổi và đe doạ ngày càng nhiều mạng sống trên toàn cầu./.
Theo VTV