Ngăn ngừa dịch bệnh
Tại Công ty TNHH Compass II (KCN Việt Nam - Singapore; VSIP, tỉnh Bình Dương), sau tiếng chuông nghỉ giữa ca, công nhân (CN) từ các xưởng sản xuất với từng nhóm nhỏ lẻ, giữ khoảng cách nhất định với nhau đi về khu nhà ăn tập thể để dùng bữa cơm trưa đã tạo nên hình ảnh đẹp và an toàn.
Ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Compass II, cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, CĐ cơ sở chủ động phối hợp cùng ban giám đốc công ty đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến phòng dịch bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. Tiêu biểu là sáng kiến làm vách ngăn trong suốt (mi ca) trên bàn ăn. Bàn ăn chỉ bố trí ngồi 2 người, được ngăn cách bằng vách. Nhằm hạn chế tập trung đông người, công ty chia ra 5 khung giờ ăn khác nhau vừa bảo đảm an toàn vừa bảo vệ sức khỏe cho CN. Các vách ngăn đều được nhân viên nhà ăn xịt khử trùng và lau chùi ngay sau khi CN dùng bữa.
Công nhân Công ty TNHH Compass II, tỉnh Bình Dương trong giờ ăn giữa ca
Sáng kiến này của CĐ cơ sở được tập thể lao động đánh giá rất cao. Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, CN công ty, chia sẻ: "Dịch bệnh diễn biến khó lường, lại dễ lây lan khiến CN rất lo ngại khi tập trung ở nơi đông người, nhất là giờ ăn trưa. Từ khi CĐ và công ty cho lắp thêm vách ngăn, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi dùng bữa".
Mô hình làm vách ngăn trên bàn ăn tại nhà ăn tập thể để phòng dịch bệnh cũng được các Công ty TNHH SV Probe Việt Nam (VSIP), Công ty TNHH Hariki Precision Việt Nam (VSIP), Công ty TNHH Dafi Tropicdane Furniture (thị xã Tân Uyên), Công ty TNHH Rochdale Spears (TP Thuận An)… trên địa bàn tỉnh triển khai và áp dụng. Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Rochdale Spears, cho biết: "Lúc đầu nhiều CN thấy lạ lẫm nhưng khi được giải thích về lợi ích của việc giữ khoảng cách an toàn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh khi ngồi ăn đối diện nhau, họ rất ủng hộ".
Tiết kiệm và hiệu quả
Tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, CĐ cơ sở đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo tới các khoa, phòng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đoàn viên và NLĐ.
Tiêu biểu như sáng kiến pha chế nước sát khuẩn, sản xuất máy rửa tay tự động, làm mặt nạ ngăn giọt bắn và may khẩu trang phục vụ cán bộ y tế của tập thể đoàn viên Tổ CĐ Khoa Dược và Vật tư y tế. Trong đó, sáng kiến làm mặt nạ ngăn giọt bắn được đánh giá rất cao bởi tính hữu dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vật liệu làm mặt nạ (mica trong, xốp, dây thun, băng keo và ghim) được mua ở cửa hàng sách và văn phòng phẩm. Thời gian làm mỗi sản phẩm dưới 10 phút. Chi phí để làm ra một chiếc mặt nạ rất rẻ, khoảng 4.000 đồng/cái, trong khi các sản phẩm có chức năng tương tự đang bán trên thị trường hiện có giá từ 45.000 đồng đến 100.000 đồng. Đặc biệt, sản phẩm này có thể sử dụng nhiều lần sau khi sát khuẩn bề mặt. Do được làm từ chất liệu nhẹ nên mặt nạ ngăn giọt bắn tự làm mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch CĐ Trung tâm Y tế thị xã Phước Long, cho biết: "Trong mùa dịch bệnh kéo dài, khi các thiết bị, vật dụng phòng chống dịch có giá bán cao và khan hiếm, việc tự làm các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho cán bộ, y - bác sĩ trong đơn vị như thế này vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao hiệu quả phòng chống dịch".
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đoàn viên CĐ Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng tự sáng tạo làm kính bảo hộ chống giọt bắn nước bọt trang bị cho tất cả cán bộ y tế các khoa, phòng tại trung tâm, bảo đảm an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đặc biệt, Tổ CĐ các Trạm Y tế khối xã, thị trấn không chỉ tự làm kính bảo hộ phục vụ cho cán bộ y tế tại đơn vị mà còn tặng 200 kính bảo hộ ngăn giọt bắn cho cán bộ y tế đang phục vụ trong khu cách ly trên địa bàn huyện…
Việc nhiều CĐ cơ sở chủ động đề xuất và phối hợp với người sử dụng lao động triển khai các sáng kiến, giải pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh là minh chứng rõ nét cho tinh thần năng động, sáng tạo, vì sức khỏe đoàn viên và NLĐ". Bà TRƯƠNG THỊ BÍCH HẠNH (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương) |
Theo: Người lao động