Xuất phát từ mong muốn của những người trẻ đam mê âm nhạc, yêu văn hóa dân tộc, muốn kết nối các "tín đồ" âm nhạc với những giai điệu truyền thống, năm 2017, CLB FTI (FPT Traditional Instruments) của trường ĐH FPT đã ra đời, với sứ mệnh mang âm thanh của các loại nhạc cụ như đàn tỳ bà, đàn tranh, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị… đến với mọi người. Từ việc học và chơi nhạc cụ truyền thống, các thành viên của câu lạc bộ đã tạo ra một môi trường sôi động để truyền cảm hứng, học hỏi lẫn nhau.
Các thành viên của CLB FTI trong chương trình đưa nhạc cụ dân tộc vào trường học. |
Không chỉ tham gia nhiều sự kiện, chương trình do chính câu lạc bộ tổ chức, FTI còn hỗ trợ âm nhạc cho các câu lạc bộ khác trong và ngoài trường học, các đơn vị đối tác bên ngoài, cơ sở doanh nghiệp… Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức các lớp học miễn phí về nhạc cụ dân tộc cho sinh viên; tham gia các cuộc thi và liên hoan âm nhạc trong và ngoài nước; tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa; hợp tác với các câu lạc bộ âm nhạc khác để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi.
CLB FTI tham gia nhiều chương trình về văn hóa, giao lưu với các nước. |
Các buổi trình diễn nhạc cụ dân tộc của CLB FTI thường có rất đông khán giả trẻ. |
Thông qua các hoạt động, FTI đã góp phần khơi dậy và lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc đến với các bạn trẻ, các bạn sinh viên trong và ngoài trường. Các buổi biểu diễn của câu lạc bộ đều được đông đảo sinh viên và thầy cô nhiệt tình ủng hộ. “Mình nghĩ, không phải phải các bạn trẻ không thích nhạc cụ truyền thống mà chỉ là chưa có cơ hội để tiếp xúc nhiều. Bởi vì, sâu thẳm bên trong mỗi con người Việt Nam đều mang niềm tự hào, niềm tin yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Việc của tụi mình cần làm là đưa nhạc cụ dân tộc đến gần với các bạn trẻ để các bạn có thêm cơ hội để tiếp xúc và thấu hiểu”, Bùi Thị Ngọc Thoa (Chủ nhiệm CLB FTI) tâm sự.
Bùi Thị Ngọc Thoa - Chủ nhiệm CLB FTI. |
Để các buổi biểu diễn được diễn ra suôn sẻ, để lại ấn tượng trong lòng khán giả trẻ, các thành viên trong câu lạc bộ đã cùng nhau tập luyện và đổi mới cách chơi bằng sự kết hợp tinh tế các chất liệu âm nhạc: “Hiện tại, nhạc cụ dân tộc có thể chơi được rất nhiều các thể loại nhạc. Tụi mình thường kết hợp cả âm nhạc truyền thống và hiện đại. Ví dụ như chơi những bài nhạc hiện đại bằng nhạc cụ truyền thống hay chơi trên nền beat có sẵn... Bằng cách thay đổi đó, tụi mình có thể giúp các bạn trẻ cảm thấy thích thú, dễ thích nghi, dễ tập luyện với nhạc cụ truyền thống hơn”, Trần Thị Minh Ánh (Phó Chủ nhiệm CLB FTI) chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, hoạt động biểu diễn của câu lạc bộ không còn đóng khung ở các trường đại học mà còn lan rộng đến các trường THPT, THCS và các trường tiểu học. Lương Phạm Việt Anh (Trưởng ban Chuyên môn của FTI) cho biết: “Mục tiêu của câu lạc bộ không chỉ là gìn giữ và nâng cao giá trị của nhạc cụ dân tộc, mà còn sáng tạo những tác phẩm âm nhạc tươi mới và đặc sắc, hợp với xu hướng, sở thích của thời đại mới, đóng góp cho sự phong phú của nền âm nhạc Việt Nam”.
Lương Phạm Việt Anh - Trưởng ban Chuyên môn của CLB FTI. |
“Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, việc duy trì và phát huy giá trị của văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng. CLB FTI của trường ĐH FPT đã khẳng định vị trí quan trọng của nhạc cụ dân tộc trong cuộc sống và tâm hồn giới trẻ. Bằng cách lan tỏa tình yêu và kiến thức về nhạc cụ dân tộc, FTI đang góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo, đồng thời giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của đất nước”, Thái Nguyên (trường ĐH Công nghệ TP. HCM), một khán giả thường xuyên của câu lạc bộ, bày tỏ.
Nguồn Sinh viên Việt Nam