Tên sách: Lời mời đến với xã hội học - Một góc nhìn nhân văn
Tác Giả: Peter L. Berger
Năm Xuất Bản: 2016
Số Trang: 384
Nhà Xuất bản: Tri thức
Cuốn sách thể hiện tinh thần nhân văn khi xem xét các sự vật hiện tượng, chú ý đến cái khía cạnh xã hội của vấn đề. Qua đó tác giả một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của Chủ nghĩa Mác -Lê Nin (CNMLN) khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, vai trò quy chiếu của xã hội tới cá nhân và vai trò độc lập, tích cực tác động trở lại của cá nhân tới xã hội. Từ đó, các cá nhân biết dung hòa các quan hệ xã hội trong cấu trúc xã hội, biết tích cực chủ động xây dựng nên các cấu trúc, thiết chế mới phù hợp với điều kiện lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc mà cá nhân sinh sống.
Cuốn sách đồng thời là tài liệu tham khảo hữu hiệu cho người học và nhiều đối tượng khác bởi văn phong hóm hỉnh, hài hước, ngắn gọn, hàm súc, hấp dẫn và tao nhã.
Điều thú vị là người đọc có thể tìm hiểu nội dung cốt lõi của cuốn sách thông qua một số câu sau:
Câu hỏi 1: Bản chất của xã hội học? Xã hội học thể hiện cái hay và cái lý thú như thế nào?
Nội dung của câu hỏi này được thể hiện qua Phần 1 và Phần 2 của cuốn sách:
Phần 1: “Xã hội học với tư cách là một kiểu tiêu khiển cá nhân”.
Tác giả đặt tên gây chú ý theo nghĩa nó tạo ra cảm hứng đối với một số người nhưng có thể không gây hứng thú với người khác. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra rằng Xã hội học còn hơn là một tiêu khiển, mà đúng ra là một đam mê và hơn thế nữa nó có sức thu hút đặc biệt của nó. Việc làm quen với xã hội học là lời mời đến với một đam mê đặc biệt. Chương này tác giả lần lượt điểm qua những quan điểm phổ biến, những hiểu lầm và ngộ nhận về xã hội học, ông chỉ ra, phân tích thiếu sót và chỉnh sửa nó. Ví dụ ông phân tích sự khác biệt giữa xã hội học và công tác xã hội, nhà xã hội học và nhà cải cách xã hội, xã hội học và thống kê. Sau đó ông mới đi đến định nghĩa xã hội học. Theo ông “nhà xã hội học là người quan tâm tìm hiểu xã hội theo một cách thức riêng của ngành mình. Bản chất của ngành này là khoa học”. Cụ thể hơn nhà xã hội học phải tuân thủ những quy tắc về bằng chứng, có thái độ khách quan, gạt bỏ những thiên kiến của bản thân, biết sử dụng chính xác các thuật ngữ và quan tâm đến lý thuyết. Nhưng trước hết xã hội học phải xuất phát từ động cơ thúc đẩy chính là quan tâm đến con người.
Coi xã hội học là một trò chơi quý phái trong các ngành học thuật, tác giả nêu ra và ca ngợi sự lý thú của xã hội học. Theo ông xã hội học tập trung vào tương tác con người và cách thức sự tương tác đó. Các nhà xã hội học tiếp cận thế giới mà chúng ta coi là đương nhiên và xem nó như là một lĩnh vực mới, chưa hề được khám phá. Họ nhìn sâu xa hơn những động cơ và lý giải chính thức mà người ta đưa ra về niềm tin và hành vi của mình.
Phần 2: Xã hội học với tư cách là một hình thái ý thức.
Tác giả đi sâu phân tích đặc điểm của xã hội học, ông coi xã hội học là một phương thức xem xét tìm hiểu hiện thực xã hội. Xã hội học là một hình thái ý thức đặc biệt, thể hiện ở 4 khía cạnh:
+ Xu hướng bóc trần sự thật. Đây là vấn đề phương pháp luận. Hoạt động của con người có nhiều tầng ý nghĩa, mà một vài trong số đó khó hiển thị. Nhà xã hội học quan tâm đến những tầng ý nghĩa khó nhìn thấy này, giúp ta nhìn xuyên qua bề mặt của các sự vật và những quan niệm phổ biến, bởi các sự vật không phải bao giờ cũng giống như vẻ bề ngoài của chúng (VD, người ta kết hôn vì tình yêu hay vì các yếu tố học vấn, kinh tế, giai cấp, dân tộc, tôn giáo…)
+ Xã hội học quan tâm đến những cái đáng kính và không đáng kính (nhìn từ góc nhìn của tòa thị chính nhưng cần nhìn từ góc nhìn từ nhà tù nữa). Nó là tự bản thân nó.
+ Xã hội học có nhãn quan tương đối luận. Việc nhận thức được tính tương đối trở thành một thực tế văn hóa rộng rãi. Cần linh hoạt giữa những vai trò thay đổi liên tục. Các giá trị chỉ hoàn toàn tương đối.
+ Nhãn quan nhà xã hội học mang tính thế giới chủ nghĩa, nhãn quan rộng lớn, mở ngỏ và tự do về cuộc sống con người. Nhãn quan xã hội học nhìn xuyên thấu qua mặt tiền của các cấu trúc xã hội. Xã hội học giúp ta một cửa sổ nhìn ra thế giới rộng lớn hơn, nằm bên ngoài cảm nghiệm trực tiếp của chúng ta, diễn giải chúng dưới một ánh sáng mới mẻ và phong phú hơn.
Câu hỏi 2: Cống hiến vào lý thuyết xã hội học những luận điểm nào?
Nội dung câu hỏi được thể hiện qua phần 4, phần 5,phần 6 của cuốn sách:
Đó là mối quan hệ giữa tính chủ động & tích cực của con người với tính quy định chặt chẽ của cấu trúc xã hội; con người có vai trò tích cực chủ động nhất định, họ tạo ra xã hội và xã hội là con người thiết kế nên, nhưng đồng thời họ cũng chịu sự câu thúc, ràng buộc của xã hội.
Những ràng buộc câu thúc của xã hội
+ Phần 4: Con người trong xã hội
Kiểm soát xã hội: Con người đứng ở trung tâm chị sức ép tối đa của các vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng thể hiện một hệ thống kiểm soát xã hội. Những vòng tròn đó bao gồm hệ thống chính trị, pháp lý, đạo đức, phong tục tập quán, nghề nghiệp, gia đình…
Phân tầng xã hội: vị thế xã hội quy định cuộc sống của con người rất ngặt nghèo. Kể cả những tiền nhân cũng chi phối con người, bàn tay quá khứ đã thu hẹp sự lựa chọn của con người.
Thể chế cung cấp những thể thức, thủ tục, qua đó đưa hành vi con người vào khuôn khổ, mẫu hình, buộc cá nhân phải lựa chọn như là cách thức khả dĩ duy nhất. các thể chế khép hành động chúng ta vào khuôn phép và định dạng những gì chúng ta kỳ vọng. Những thế lực bên ngoài đã buộc con người phải tuân thủ sự câu thúc của xã hội.
Những sức mạnh bên trong nội tâm khiến con người tự nguyện tuân thủ sự kiểm soát xã hội
Phần 5: Xã hội trong con người:
Các thành viên trong xã hội đều tự nguyện tuân thủ các kỳ vọng xã hội.Vì xã hội đã dạy dỗ, rèn luyện và xã hội hóa con người để họ chấp nhận cách thức hành động của xã hội. Đó là những lực lượng bên trong nội tâm thúc đẩy con người tuân thủ sự cưỡng chế của xã hội- bởi bản thân chúng ta cũng mong muốn chính điều xã hội kỳ vọng ở chúng ta. Cá nhân đã nhập tâm nền văn hóa của xã hội. Vậy thì văn hóa không phải là sự tự do mà là sự câu thúc. Xã hội thâm nhập vào bên trong chúng ta ngang hàng với mức xã hội bao bọc bên ngoài chúng ta
Sự tích cực chủ động của con người
+ Phần 6: Xã hội như kịch trường
Con người có vai trò chủ động giúp họ hủy bỏ sự kiểm soát xã hội. Có 3 cách là chuyển hóa, thoát ly và thao túng. Ông coi xã hội như kịch trường và chỉ rõ tính tích cực chủ động của con người thể hiên khi họ thủ 1 vai trò nhất định với những khoảng cách vai trò- nơi mà người hành động thiết lập một khoảng cách nội tại giữa ý thức của anh ta với việc anh ta thủ vai ấy.
Con người có tính chủ động sáng tạo, tiến tới tự do. Tác giả dung hòa song đề lý thuyết: không quá nhấn mạnh lý thuyết cấu trúc mà dung hòa cả yếu tố chủ động của cá nhân: con người vừa bị câu thúc bởi xã hội vừa có tính tích cực chủ động nhất định.
Câu hỏi 3: Xã hội học và tính nhân văn của nó thể hiện như thế nào?
Nội dung trả lời cho câu hỏi 3 được thể hiện trong Phần 7 và Phần 8 của cuốn sách:
Chúng ta là ai? Chúng ta làm gì để kiểm soát được chính cuộc sống của chúng ta?
+ Phần 7: Thuyết Machiavelli về mặt xã hội học và môn đạo đức học
Xã hội học có khả năng giúp những cá nhân nắm vững nó tiến tới một sự nhân đạo hóa nhất định trong cách họ nhìn nhiện thực xã hội. Xã hội vừa quy định con người, và đến lượt mình vừa bị con người quy định. Ví dụ vấn đề chủng tộc, tình dục đồng giới và án tử hình. Xã hội học quan tâm đến việc thu thập dữ liệu thực nghiệm về hành vi con người và những điều kiện cho phép các cá nhân phát huy hết tiềm năng của họ theo một cách thức nhân văn chủ nghĩa. Xã hội học phải được sử dụng vì mục đích của nhân loại. Khi nhà xã hội học thực thi nhiệm vụ với cái nhìn sắc sảo, sự nhạy cảm, khiêm nhường và một mong muốn hiểu tình trạng nhân sinh hơn là với thái độ vị khoa học lạnh lùng và không một chút hài hước thì dĩ nhiên nhãn quan xã hội học giúp làm sáng tỏ đời sống xã hội của con người. Xã hội học là ngành khoa học mang tính nhân văn.
+ Phần 8: Xã hội học với tư cách là một ngành mang tinh thần nhân văn
Xã hội học là ngành khoa học mang tính nhân văn. Vì nó quan tâm đến cải thiện điều kiện sống của con người và sự phát triển đầy đủ nhất của con người. Tính nhân văn của xã hội học thể hiện ở giá trị:
Sự hài hước mỉa mai
Sự khiêm nhường: khiêm nhường trước sự phong phú của thế giới, nép mình để tìm kiếm sự thấu hiểu trung thực và chính xác trong phương pháp, tôn trọng kết quả thu được
Sự mới mẻ: mọi điều về bản chất con người dù có cũ rích đến đâu đều có thể trở nên ý nghĩa đối với xã hội học
Lắng nghe người khác nói mà ko tự nói ra quan điểm của mình
Khách quan: đánh giá kết quả anh ta tìm ra mà không quy chiếu vào những định kiến yêu hay ghét, hy vọng hay nỗi sợ hãi của chính mình.
Phải có một tư duy mở và ngỏ với một tầm nhìn rộng lượng
Xã hội học phải không ngừng làm phong phú cho vốn tri thức của mình bằng cách giao lưu liên tục với các ngành khoa học khác như triết học, sử học… Tất cả đều nhằm mục đích giúp con người xúc tiến cái hành động “dừng những cử động của mình, ngẩng lên nhìn và cảm nhận được bộ máy đã khiến chúng ta cử động”
Phương pháp: Văn phong đặc sắc nhưng khó nắm bắt
Như đã nói ở đầu bài, đây là một cuốn sách được thể hiện bằng cách viết hóm hỉnh, hài hước, ngắn gọn, hàm súc, hấp dẫn, tao nhã điều này tạo nên sức hấp dẫn với nhiều đối tượng độc giả, từ bình dân đến bác học. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đây là một cuốn sách có khá nhiều vấn đề bao quát và trừu tượng, bởi nó hướng tới 3 nhóm độc giả: những người học nhập môn, những ai không có đủ thì giờ theo hết một lớp Xã hội học song vẫn muốn hiểu cách nhà xã hội học làm và suy nghĩ; những nhà xã hội học vì quá mải với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu mà quên mất đi cái niềm vui, sôi nổi của nghề Xã hội học; những người thường chỉ trích xã hội học một cách vô căn cứ. Vì thế, việc nắm bắt một cách đầy đủ, thống nhất ý tứ sâu sa của nó là một công việc tương đối khó khăn với người đọc.
Tuy vậy, chính điều này đã tạo nên một sức hút khó cưỡng cho cuốn sách hấp dẫn này…
Hồng Khanh giới thiệu