Vào tháng 5, toàn cầu chứng kiến bầu không khí đầy triển vọng, khi số ca nCoV giảm mạnh trên khắp nước Mỹ cùng nhiều khu vực ở châu Âu và Trung Đông, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng.
Dường như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, các nước đua nhau nới lỏng biện pháp hạn chế và mở cửa doanh nghiệp. Nhiều người bắt đầu tin vào ngày Covid-19 chấm dứt, 17 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu.
Tuy nhiên, ít nhất là ở Mỹ, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tới tháng 7, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh và biến chủng Delta có khả năng lây truyền cao quét qua toàn bộ đất nước, buộc giới chức y tế phải tái thiết lập quy định đeo khẩu trang và kêu gọi toàn dân tăng cường tiêm chủng. Triển vọng về ngày đại dịch chấm dứt mờ dần.
"Ngay cả trong cộng đồng khoa học, bạn cũng sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau", Rachael Piltch-Loeb, nhà nghiên cứu và thành viên Chương trình Nghiên cứu, Đánh giá & Thực hành Chuẩn bị Khẩn cấp của Trường Y tế cộng đồng Harvard T.H. Chan, nói. "Không có một định nghĩa nào về sự kết thúc của đại dịch".
Đại dịch theo định nghĩa là cuộc khủng hoảng toàn cầu. Việc nới các biện pháp y tế cộng đồng của Mỹ mang lại cho nhiều người cảm giác "sự hoảng loạn đang dần qua", theo Piltch-Loeb. Sự phấn khích đó khiến nhiều người không nhận ra thực tế bức tranh đại dịch toàn cầu vẫn ảm đạm.
"Nó sẽ chưa biến mất cho đến khi virus được kiểm soát hoặc hạn chế trên toàn cầu", Piltch-Loeb nói, thêm rằng điều này đồng nghĩa tuyên bố đại dịch kết thúc có thể là mục tiêu xa vời, phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau.
Khi sự lây lan của một căn bệnh trên toàn cầu được kiểm soát tại một khu vực cục bộ, nó không còn là đại dịch mà sẽ là dịch bệnh, theo WHO. Nếu Covid-19 vẫn tồn tại trên toàn cầu ở mức WHO đánh giá là "bình thường hoặc trong tầm dự báo", cơ quan này sẽ coi đây là bệnh "đặc hữu".
Ở giai đoạn đó, nCoV sẽ trở thành virus không gây ảnh hưởng nghiêm trọng vì con người đã xây dựng được khả năng miễn dịch, theo Saad Omer, nhà dịch tễ học và giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale.
Chỉ có hai căn bệnh từng ảnh hưởng tới con người và động vật đã bị xóa sổ là bệnh đậu mùa và dịch tả trâu bò (bệnh rinderpest). Trong cả hai trường hợp, các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu đã giúp ngăn chặn ca nhiễm. Ca nhiễm cuối cùng của bệnh rinderpest được ghi nhận ở Kenya năm 2001, trong khi trường hợp cuối mắc bệnh đậu mùa là ở Anh năm 1978.
Joshua Epstein, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học New York, cho rằng việc "xóa sổ virus" hiếm gặp đến mức từ này nên được bỏ khỏi từ điển về bệnh học. Ông cho rằng virus chỉ thoái lui về với quần thể động vật, hoặc đột biến ở mức độ thấp chứ không hoàn toàn biến mất.
Hầu hết đại dịch trong quá khứ vẫn còn tới ngày nay. Hơn 3.000 người đã nhiễm vi khuẩn gây bệnh dịch hạch và viêm phổi từ năm 2010 tới 2015, theo WHO. Virus gây đại dịch cúm năm 1918, khiến ít nhất 50 triệu người chết, cuối cùng biến thành các biến thể ít gây chết người hơn và "hậu duệ" của nó trở thành các chủng cúm theo mùa.
Như đại dịch cúm 1918, virus nCoV sẽ tiếp tục biến đổi và hệ miễn dịch của con người cuối cùng sẽ tự thích nghi mà không cần tiêm vaccine. Nhưng trước khi đạt được điều đó, nhiều người sẽ nhiễm bệnh và chết. Omer nói đây không phải giải pháp được kỳ vọng.
Giới chuyên gia cho rằng cách tối ưu là tìm cách làm chậm sự lây lan của dịch và kiểm soát hậu quả của nó. Ngày nay, kiểm soát côn trùng và điều kiện vệ sinh tốt giúp đẩy lùi dịch hạch, trong khi những ca bệnh mới có thể điều trị bằng kháng sinh.
Đối với các bệnh khác như cúm, vaccine cũng tạo ra sự khác biệt. Những loại vaccine Covid-19 có hiệu quả và an toàn cao, đồng nghĩa việc tiêm chủng đủ lượng người có thể giúp chấm dứt đại dịch nhanh hơn và giảm tỷ lệ tử vong so với xây dựng miễn dịch tự nhiên.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số mọi quốc gia vào tháng 9, đạt 40% dân số toàn cầu tiêm chủng trước cuối năm nay và 70% vào giữa năm sau. Hiện tại, 30% dân số toàn cầu đã tiêm ít nhất một liều và hơn 15% tiêm đủ mũi.
Tuy nhiên, nguồn cung vaccine hạn hẹp, đặc biệt ở nhóm nước thu nhập thấp, đang cản trở mục tiêu này. WHO tuần trước kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine nhiều hơn, trước khi triển khai kế hoạch tiêm liều tăng cường trong nước. Ngay cả những nước có nguồn cung dồi dào như Mỹ, chiến dịch tiêm chủng cũng gặp trở ngại do tâm lý ngần ngại, phản đối vaccine.
Trong bối cảnh đó, nCoV đã có nhiều cơ hội lây lan và đột biến, khiến nhiều chủng mới nguy hiểm có nguy cơ xuất hiện. Delta hiện là chủng dễ lây lan nhất và đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lambda cũng đang nổi lên như mối lo ngại đối với cuộc chiến chống đại dịch, khi mang đột biến được cho là có thể kháng vaccine.
Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói tính phức tạp của cuộc chiến với chủng virus đột biến nhanh khiến đôi khi "chúng ta phải tiến hai bước và lùi một bước".
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học và sử gia cho rằng con người có thể sẽ tự coi đại dịch đã kết thúc trước khi bất kỳ cơ quan quản lý nào tuyên bố.
Điều này từng xảy ra trong quá khứ. Đại dịch cúm 1918 xảy ra trong thời kỳ Thế chiến I và khi cuộc chiến kết thúc, một mong muốn trỗi dậy là khép lại mọi thứ của thập kỷ cũ để hướng tới tương lai, theo Naomi Rogers, giáo sư lịch sử y khoa tại Đại học Yale. Công chúng hồ hởi bước vào thập niên mới, bất chấp virus cúm vẫn lây lan khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo xã hội có thể đối mặt với hậu quả bi thảm nếu mọi người tìm cách coi đại dịch đã chấm dứt trước khi giới khoa học thực sự lên tiếng.
"Nếu chúng ta có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống một mức độ nào đó và nối lại cuộc sống bình thường, mọi người có thể nói đại dịch đã chấm dứt", Jagpreet Chhatwal, nhà khoa học tại Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts, nói.
Và vaccine một lần nữa tạo ra khác biệt. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong đã giảm ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao. Còn trên phạm vi toàn nước Mỹ, Piltch-Loeb cho rằng CDC có thể sẽ công bố hướng dẫn về thời điểm Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu ở Mỹ. Điều đó sẽ dần giúp Mỹ trở lại cuộc sống bình thường, bất kể tình trạng đại dịch trên toàn cầu như thế nào.
Nguồn VnExpress