Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có nhiều tấm gương sáng, nguyện hiến dâng cả đời mình cho lý tưởng của Đảng và tương lai của dân tộc. Người thanh niên Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” là một trong những tấm gương đó, minh chứng tiêu biểu cho khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Hà Tĩnh và sớm tham gia hoạt động cách mạng.
Mùa hè năm 1926, khi mới 12 tuổi, anh và 7 thanh niên yêu nước đã được lựa chọn đưa sang Quảng Châu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Lý Thụy). Để đảm bảo bí mật, 8 thiếu niên đều mang họ Lý như người trong một gia tộc.
Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng và các thành viên trong nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam” được Nguyễn Ái Quốc truyền đạt, bồi dưỡng về con đường cách mạng vô sản.
Với tố chất thông minh, Lý Tự Trọng được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu và tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước.
Mùa Thu năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động tại Sài Gòn-Chợ Lớn, với nhiệm vụ liên lạc và vận động tập hợp thanh niên các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Anh xin làm công nhân nhặt than tại bến Nhà Rồng với bí danh là “Trọng Con”.
Khi cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển vào Sài Gòn, Lý Tự Trọng vừa làm giao thông liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ uỷ Nam Kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc cho Xứ uỷ Nam Kỳ với các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, nguy hiểm nhưng Lý Tự Trọng đã thông minh, sáng tạo, gan dạ vượt qua mọi sự truy lùng, vây bắt gắt gao của kẻ thù và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 8/2/1931, đồng chí Phan Bôi tổ chức mít tinh kêu gọi nhân dân vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp nhưng đã bị Legrand, Thanh tra mật thám Pháp và cảnh sát ập tới bắt.
Để cứu nguy cho đồng chí Phan Bôi, Lý Tự Trọng không màng đến sự an nguy của bản thân, đã rút súng bắn viên Thanh tra mật thám, sau đó chết tại bệnh viện. Anh.bị bắt và giam tại bốt Catinat (Sở mật thám Nam Kỳ)..
Thực dân Pháp tra tấn dã man nhưng anh không một lời khai báo để bảo vệ tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Chúng hỏi: Ai đưa súng cho anh? Anh đáp: Do một người lạ mặt cho anh tiền và đưa súng bảo anh bắn. Địch đem tất cả những người bị bắt sắp hàng trên sân bốt và bắt Lý Tự Trọng ra nhận mặt nhưng anh nhìn qua một lượt rồi lắc đầu nói: Người ấy không có ở đây.
Trước thái độ dứt khoát của Lý Tự Trọng, mật thám Pháp không khai thác được gì. Nhưng một phần tử phản bội đã khai anh là “Trọng Con” và đang làm công tác liên lạc quan trọng cho Đảng.
Lý Tự Trọng thời niên thiếu (Ảnh tư liệu)
Đích thân Chánh mật thám Nam Kỳ hỏi cung Lý Tự Trọng. Hắn tìm mọi cách để khai thác thông tin từ người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi nhưng đã thất bại. Chúng liền trói tay anh rút lên xà nhà, cho anh đi “tàu bay”, dã man hơn là chụp một mũ sắt có bắt đinh ốc đặc biệt lên đầu anh. Chúng kẹp đến nỗi mắt anh từ từ lồi ra, đầu như rúm lại, nhưng anh vẫn trừng trừng nhìn thẳng vào chúng mà không hề hé môi. Tất cả các ngón đòn tra tấn đều thất bại trước khí tiết cách mạng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản 17 tuổi. Do đó, thực dân Pháp quyết định mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi và kết án tử hình.
Lý Tự Trọng không hề run sợ, mà chủ động biến phiên tòa của chính quyền thực dân thành diễn đàn để lên án, tố cáo ách thống trị tàn bạo của thực dân và kêu gọi nhân dân vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Khi luật sư bào chữa xin “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, nhưng anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.
Đích thân Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và dụ dỗ: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Song, Lý Tự Trọng đã nói thẳng vào mặt hắn: “Tôi sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”.
Những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn luôn lạc quan yêu đời với niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi của cách mạng. Bởi theo anh, còn sống ngày nào, giây phút nào, anh còn phải rèn luyện bản thân và không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao khí tiết của chiến sĩ cộng sản.
Dù cận kề cái chết, nhưng những người bạn tù vẫn thấy anh tập thể dục mỗi buổi sáng, vẫn đọc thơ, ngâm truyện Kiều… và luôn động viên mọi người: “cứ cố lên là chúng phải thua thôi, đừng sợ!”.
Tinh thần lạc quan cách mạng của anh làm cho những người bạn tù rất khâm phục và vững tin hơn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời, làm cho gác ngục, chủ khám phải kính nể, khâm phục. Do đó, chúng đã chuyển cách xưng hô, từ gọi anh là “Thằng Nhỏ” thành “Ông Nhỏ” và truyền tai nhau: “Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém”.
Nhà báo Pháp André Violis thuật lại: “Khi bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim, những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng!”.
Ngày 21/02/1931, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Bộ Phương đông Quốc tế Cộng sản báo tin và đề nghị Bộ phương Đông yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp tổ chức biểu tình đòi trả tự do cho Lý Tự Trọng. Song, bất chấp mọi sự phản đối của dư luận tiến bộ, thực dân Pháp vẫn tìm mọi cách sát hại anh nên nhanh chóng thi hành bản án tử hình đối với Lý Tự Trọng mặc dù anh chưa đủ tuổi thụ án theo quy định của luật pháp.
Một ngôi trường mang tên Lý Tự Trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Rạng sáng ngày 21/11/1931, tại Khám Lớn, Sài Gòn, Lý Tự Trọng hiên ngang bước lên máy chém và hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”…, hát vang bài “Quốc tế ca” trong tâm thế người chiến thắng. Hành động của anh tác động mạnh mẽ đến những người bạn tù và tạo một làn sóng căm phẫn phản đối tội ác của thực dân Pháp trong Khám Lớn, Sài Gòn.
Nhà báo Pháp André Violis viết: “Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức là Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu Việt Nam! Việt Nam! Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác, là những anh hùng của nền độc lập Việt Nam. Tại sao một thiếu niên mới 17 tuổi mà cứng cỏi, bản lĩnh đến vậy. Anh đã được hun đúc như thế nào để nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, nói những lời gang thép, trí tuệ như thế”.
Hy sinh ở tuổi 17, Lý Tự Trọng đã nêu một tấm gương sáng với tuyên ngôn bất diệt: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Sự hy sinh anh dũng của anh trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trọng Hùng