Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vẫn luôn là vấn đề cần quan tâm. Bởi lẽ, sân chơi là yếu tố giúp phát triển thể chất và tâm hồn cho trẻ nhỏ, đồng thời, còn giúp ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn khi các em vui chơi.
Muốn làm những việc liên quan đến trẻ em
Dương Thị Thảo (trưởng dự án SCCV) kể, lúc nhỏ, bạn của Thảo bị xe tông gãy tay khi chơi ở ngoài đường. Mảnh ký ức đó đã khiến một cô bé mới 5 tuổi ám ảnh một thời gian dài. Sau này, người em họ của Thảo không may qua đời vì đuối nước khi không có người lớn trông coi. Sự cố này một lần nữa khiến Thảo day dứt và mong muốn “làm những việc liên quan đến trẻ em”. Đây chính là động lực thôi thúc Thảo và các cộng sự cùng nhau phát triển dự án SCCV.
Trẻ em nơi vùng cao chủ yếu chơi ở bãi đất trống do thiếu sân chơi. (Ảnh: SCCV) |
Sân chơi đã đi qua 4 mùa, với những dấu ấn khó phai. Ở mỗi mùa, sân chơi được thiết kế theo một chủ đề thống nhất, với nhiều bộ đồ chơi độc đáo như thang cứu hỏa, cầu thăng bằng, kính vạn hoa, xích đu... Sự kết hợp của những hạng mục trên kích thích khả năng vận động, phối hợp đa giác quan của các em. Thảo và mọi người còn tổ chức nhiều workshop đa dạng chủ đề và vẽ tường, nhằm mang đến một trải nghiệm mới mẻ cho các bạn nhỏ.
Dương Thị Thảo, trưởng dự án "Sân chơi cầu vồng". (Ảnh: SCCV) |
Dự án SCCV đã thành lập được hơn một năm, đối với một tổ chức còn non trẻ như vậy thì việc thu hút nguồn tài trợ không hề dễ dàng. “Ở những sân chơi đầu tiên, mình đã nhắn tin cho từng người một!”, Thảo tiết lộ về khoảng thời gian “đi gọi vốn” của mình. Sau đó, các mạnh thường quân đã liên hệ và ủng hộ cho dự án.
"Mình và đội ngũ nòng cốt của Sân chơi đã đề ra mục tiêu xây dựng không gian chơi cho các điểm trường có số lượng trẻ lớn, từ 3 đến 11 tuổi, ở những nơi còn nhiều khó khăn. Giai đoạn 1, dự án tập trung tại khu vực Tây Nguyên và giai đoạn 2 là trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt hướng tới nhóm trẻ yếu thế, khuyết tật".
Dương Thị Thảo
(Trưởng nhóm dự án "Sân chơi cầu vồng")
Bên cạnh khó khăn trong việc thu hút nguồn tài trợ, làm như thế nào để kế hoạch được diễn ra suôn sẻ luôn là một thách thức đối với Thảo và các thành viên. Tuy rằng, Thảo và mọi người “đã viết rất nhiều kịch bản có thể xảy ra trong 3 ngày tại địa phương” nhưng nhiều tình huống xấu vẫn phát sinh.
Thảo tâm sự: “Khi đã đổ bê tông để xây các hạng mục nhưng trời mưa và cơn mưa đó đã ‘đạp đổ’ tất cả những gì mà mọi người làm sau một ngày”. Một sự cố khác là vào ngày cuối cùng trước khi cả đội ra về thì phát hiện chôn cọc bị sai kích thước. Tuy rằng gặp nhiều gian nan và thử thách, các thành viên trong nhóm dự án SCCV chưa từng nản chí, các bạn luôn bình tĩnh tìm hướng giải quyết, nhằm mang lại điều tốt nhất cho các bạn nhỏ.
Dự án luôn nhận được sự hỗ trợ từ người dân và chính quyền địa phương. (Ảnh: SCCV) |
Khát khao được cống hiến
Các thành viên trong nhóm đều xem SCCV như một “đứa con tinh thần” và cùng nhau chăm sóc. Một cách thầm lặng, mỗi người đều dành thời gian rảnh ít ỏi của mình vì nụ cười của các em nhỏ. Thảo đùa: “Nói chung ai cũng ‘lầy’ hết!”. Theo Thảo, chính sự khát khao được cống hiến đã cho các bạn trẻ tham gia dự án có thật nhiều năng lượng để hoàn thành công việc.
Thảo chia sẻ: “Chắc nhờ may mắn nên mọi người đều tìm đến và đề nghị giúp đỡ sân chơi trước”. Nhưng “may mắn” ấy vốn xuất phát từ tấm lòng muốn mang đến nụ cười cho trẻ em. Từ những ngày đầu, khi “gặp ai mình cũng kể về dự án”, đến hiện tại, sân chơi nhận được sự yêu thương và giúp đỡ của nhiều người. Đó là kết quả sau bao nỗ lực của từng thành viên SCCV".
Các em nhỏ trường Mầm non Làng Doch 1 (tỉnh Gia Lai) rạng rỡ đón nhận sân chơi mới. (Ảnh: SCCV) |
Bên cạnh tâm huyết của Ban Tổ chức là sự nỗ lực của hơn 100 tình nguyện viên qua 4 mùa. Đồng thời, dự án còn được tiếp sức bởi người dân và chính quyền địa phương. “Dự án nhận được hỗ trợ từ nhà trường, người dân, chính quyền. Sự hỗ trợ, kết hợp của các bên giúp mọi chuyện suôn sẻ hơn”, Thảo kể về những thuận lợi khi đến các trường học để xây sân chơi.
Hiện tại, SCCV đã hơn một tuổi, những bước đi chững chạc hơn với những thành công ban đầu: 4 sân chơi đã hoàn thành, tổ chức gần 20 workshop sáng tạo, hàng trăm mét vuông tường được vẽ mới và hơn 600 trẻ em được thụ hưởng. Nỗ lực của các tình nguyện viên được đền đáp xứng đáng bằng hạnh phúc và niềm háo hức của trẻ em. Không dừng lại là niềm vui trẻ thơ mà còn là niềm vui chung, mọi người cùng xem SCCV “là một nơi để gắn kết tình anh em, cảm thấy được chữa lành, được cho đi và mong muốn mang đến nhiều hơn cho xã hội”.
Thảo và các bạn tình nguyện viên luôn gắng sức để tạo ra nhiều sân chơi an toàn cho trẻ. (Ảnh: SCCV) |
Võ Nguyễn Bảo Châu (31 tuổi, tình nguyện viên xuyên suốt 4 mùa của SCCV) bộc bạch: “Hồi đó, mình có nghe qua câu nói, đại ý là ‘khi tuổi trẻ không còn nhiều, tôi muốn mình bị hạ gục bởi một điều gì đó lớn lao’, SCCV luôn đem đến cảm giác đó. Vui nhất với mình là cảm giác được nhìn thấy tụi nhỏ ùa vào khi sân chơi xây xong”.
Phạm Tuyết Như (22 tuổi, tình nguyện viên của dự án) chia sẻ: “Đối với mình, mỗi khoảnh khắc trôi qua cùng SCCV đều đáng nhớ, nó để lại một cảm xúc gì đó thật đẹp, mà khó tả. Chỉ là nụ cười bẽn lẽn, đôi chân chạy đi khi các bạn nhỏ bắt gặp mình đưa ánh mắt nhìn các bạn. Là sự hào hứng, đôi mắt tròn xoe toát lên vẻ hạnh phúc của các bạn nhỏ khi biết rằng sắp có sân chơi mới. Lúc ấy, mình cười như đứa bé mới được lớn lên giữa vùng đất này".
Sân Chơi Cầu Vồng đã tổ chức thành công 4 mùa tại 4 điểm trường, bao gồm trường Tiểu học Chơ Ré, tỉnh Lâm Đồng (tháng 5/2022); trường Mầm non làng Doch 1, tỉnh Gia Lai (tháng 1/2023); trường Mầm non - Tiểu học Jang Roong, tỉnh Kon Tum (tháng 5/2023); trường Tiểu học Nguyễn Huệ - Eapo, tỉnh Đăk Nông (tháng 8/2023). Dự án dự kiến thực hiện mùa 5 tại điểm trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Điểm C, tỉnh Đăk Nông, trong thời gian tới.
Nguồn Sinh viên Việt Nam