Cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam trong năm 1963 đã được sự cổ vũ, ủng hộ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa vào dòng chảy đấu tranh của dân tộc Việt Nam
Mặt trận với phong trào Phật giáo
Sau sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Huế ngày 8/5/1963, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra Tuyên bố, ủng hộ yêu sách 5 điểm của Phật giáo.
Sư Thiện Hào, Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, gửi điện cho Ban Thư ký Thường trực Hội Phật giáo thế giới tố cáo nhà cầm quyền Sài Gòn đàn áp Phật tử nhân Lễ Phật đản, kêu gọi Phật giáo thế giới lên tiếng đòi chính quyền Sài Gòn chấm dứt đàn áp Phật giáo.
Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ truy điệu ông.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc điếu văn, các vị đại diện các tôn giáo trong Mặt trận ra tuyên bố chung, cực lực lên án chính quyền Sài Gòn đàn áp tôn giáo và kêu gọi lương tri loài người hành động ngăn chặn tội ác man rợ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo được đa số nhân dân miền Nam ủng hộ, có tiếng vang trong và ngoài nước. Ngay cả dư luận Hoa Kỳ và thế giới đều lên án chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng coi cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo là một bộ phận của cách mạng miền Nam và đánh giá cao về phong trào.
Văn kiện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhận định: “Phong trào tuy có mầu sắc tôn giáo nhưng nó phù hợp với lòng dân đang căm thù chính sách độc tài bán nước của bọn Diệm nhu nên nó được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp đồng bào thành thị đã tham gia đấu tranh với một ý thức chính trị rõ rệt; chống chế độ miền Nam”1. Mặt trận đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị trên toàn miền để cổ vũ, ủng hộ phong trào Phật giáo. Ngày 3/8/1963, dưới sự hướng dẫn của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, hơn 10.000 đồng bào Phật tử Kinh, Khơme rầm rộ đấu tranh tại thị xã Trà Vinh đòi chính quyền Diệm thả những người bị bắt, trừng trị những tên ác ôn, chấm dứt đàn áp Phật giáo.
Khi Ngô Đình Diệm ra lệnh thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn của Diệm, nêu rõ: “Tình hình hiện nay xác nhận một lần nữa rằng, mọi tầng lớp, mọi tôn giáo ở miền Nam hoàn toàn không thể có chút ảo tưởng đối với cái gọi là thiện chí của Mỹ-Diệm. Những yêu cầu nguyện vọng dù nhỏ đến đâu, trong cái chế độ thực dân gia đình trị đó, cũng chỉ có thể giành được bằng việc phấn đấu kiên cường, cao độ nhất, bằng sức mạnh và bằng cả sự hy sinh xương máu”2. “Điều quan trọng hiện nay là tín đồ Phật giáo cũng như nhân dân các đô thị cần kiên quyết giữ vưncg tinh thần, giữ vững đội ngũ, giữ vững đấu tranh. Tinh thần bất khuất trước sau vẫn là vũ khí bất khả chiến thắng của chúng ta. Với ý chí và tinh thần ấy, chúng ta sẽ làm cho Mỹ-Diệm thất bại nhục nhã”3.
Một cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 (Ảnh tư liệu)
Sau cuộc khủng bố ngày 21/8, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam gửi công hàm tới các nước tố cáo Mỹ-Diệm đàn áp dã man Phật giáo miền Nam, nhất là tại Hội nghị Phật giáo châu Á tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Phật giáo
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân tộc có độc lập thì tôn giáo mới được tự do. Đó là một chân lý bất di bất dịch. Cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào theo đạo Phật là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân miền Nam. Cho nên tín đồ Phật giáo cũng như tín đồ các tôn giáo khác cùng toàn thể nhân dân đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam kiên quyết chiến đấu đánh đổ ách thống trị hung ác của Mỹ-Diiệm. Như vậy thì nhất định miền Nam sẽ được giải phóng, tín ngưỡng sẽ được tự do”4.
Tiếp theo Hòa thượng Thích Quảng Đức, 6 nhà sư nối tiếp nhau tự thiêu, đấu tranh cho Phật giáo.
Trước cuộc đấu tranh hết sức mạnh mẽ của Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm mưu toan đánh một đòn quyết định vào giới Phật giáo.
Ngày 21/8/1963, chính quyền Sài Gòn cho lực lượng đặc biệt tiến công chùa Xá Lợi và hàng loạt các chùa khác như chùa Ấn Quang, Từ Nghiêm, Tuyền Lâm tại Sài Gòn, chùa Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang tại Huế…sau đó là các chùa Giác Nguyên, Ni Kim Liên… Phần lớn các nhà lãnh đạo Phật giáo và hàng trăm tăng ni bị bắt giam trong đó có nhiều người bị thương, một số người bị chết. Chùa chiền bị cướp phá tan hoang. Tại các tỉnh khác cũng xảy ra bắt bớ đàn áp. Sáng 21/8/1963, Ngô Đình Diệm ra lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa.
Tin chùa chiền bị tiến công và các nhà sư cao cấp bị bắt đã gây sôi động trong quần chúng. Phong trào tiếp tục sôi nổi trong các trường học như Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long, Jean Jacque Roussau, Marie QuRis, Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, kỹ nghệ Gia Định….
Ngày 21/8/1963, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu cạo tóc phản đối chính quyền, ngày 25/8 một cuộc biểu tình của sinh viên tại chợ Bến Thành bị đàn áp, 1 người bị bắn chết, một số bị thương. Sau này người ta mới biết người bị chết là Quách Thị Trang, nữ sinh 15 tuổi trường tư thục Trường Sơn, Sài Gòn. Hai hôm sau, lại một cuộc biểu tình của sinh viên bị dẹp tan. Làn sóng đàn áp bắt bớ sinh viên diễn ra thường xuyên, các trường học đều bị bao vây, sinh viên bị đe dọa bắt nhập ngũ, những người bị bắt đưa đến các trung tâm Quang Trung, Võ Tánh đánh đập, giam cầm. Ngô Đình Diệm tiếp tục luận điệu coi “Phật giáo bị cộng sản giật dây, chứa chấp vũ khí và bạo động chống Chính phủ”.
Ngày 29/8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt giáo sư và sinh viên, học sinh. Tội ác dã man của chúng, trời không thể dung. Hành đồng hung tàn của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình.
5 nguyện vọng của Phật giáo miền Nam đối với chính quyền Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ, nông, công, thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo , kiên quyết đấu tranh đẻ giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng.
Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất định giành được thắng lợi cuối cùng”5.
Đầu tháng 9/1963, sinh viên, học sinh tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ. Tiêu biểu là các trường Chu Văn An, Trưng Vương, Võ Trường Toản. Tại Huế, các trường đại học, trung học đều đóng cửa, các giáo sư từ chức hàng loạt. Tại Sài Gòn, hệ thống giáo dục phổ thông, đại học tê liệt, trên đường phố lúc nào cũng thấy cảnh sát bắt học sinh sinh viên đi giam cầm. Không khí thật nặng nề, đâu đâu cũng thấy sự bủa vây của cảnh sát, quân đội, dây kẽm gai, xe thiết giáp… nhất là tại các trường học, chùa chiền, các trục giao thông.
Từ sau ngày 21/6/1963, các nhà sư đứng đầu là Thượng tọa Thích Trí Quang, người đã thoát khỏi cuộc vây ráp của cảnh sát, tiếp tục đấu tranh kêu gọi sự can thiệp của Liên hiệp quốc.
Ngày 20/9/1963, các nước Á -Phi đưa vấn đề Phật giáo miền Nam Việt Nam ra trước Liên hiệp quốc.
Đầu tháng 10, Trần Lệ Xuân đã đi Nam Tư, Mỹ, Pháp, Italia để bưng bít sự thật, nhưng trước sức ép của dư luận quốc tế, ngày 13/10/1963, Liên hiệp quốc đã quyết định cử một phái đoàn gồm 7 người sang Nam Việt Nam.
Ngày 24/10/1963, Phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc đến Sài Gòn. Họ đã tận mắt chứng kiến sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và vụ tự thiêu của Đại đức Thiện Mỹ tại nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn đã chứng minh điều đó
Trước ngày sụp đổ, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn tiếp tục đàn áp Phật giáo. Ngày 20/10/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh cho một máy bay do phi công Huỳnh Minh Đường lái đuổi theo nhằm ném bom đánh đắm chiếc tàu chở trên 200 tăng, ni, Phật tử đang trên đường bị đày ra Côn Đảo. Không tiếp tay cho Diệm gây tội ác, viên phi công đã lái máy bay sang Campuchia xin tị nạn chính trị, đến ngày 16/11/1963, trở về nước, tố cáo trước dư luận âm mưu tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Điều gì phải đến sẽ đến, ngày 1/11/1963, một cuộc đảo chính của phái quân sự đã lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô, giết chết anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.
Vậy Phật giáo có vài trò như thế nào trong cuộc đảo chính ? tác giả Jerrold Schecter viết trong cuốn Bộ mặt mới của nhà Phật rằng: “Phong trào quần chúng của Phật giáo mặc dầu không có chương trình, không có cảnh sát và quân đội, đã tập hợp được lực lượng phản đối Chính phủ Diệm. Nó tượng trưng cho quyền lực chính trị tiềm tàng của đạo Phật và tính quần chúng đông đảo của đạo Phật ở Việt Nam”6. “Các nhà sư là những chất xúc tác dẫn tới cuộc đảo chính”7. Điều đó cũng đã được khẳng định khi Thích Thiện Hoa tuyên bố: “ Chúng ta đứng dậy không phải chỉ để bảo vệ giáo kỳ mà còn để lật đổ một chính quyền độc tài, hầu xây dựng một chế độ dân chủ”8.
Như vậy, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta thấy sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm có nguyên nhân chính là phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, sự thay ngựa giữa dòng của Mỹ, còn có sự đóng góp của lực lượng Phật giáo.
Đồng chí Lê Duẩn viết: “Rõ ràng làn sóng cách mạng của quần chúng ở thành thị năm 1963 bồi thêm một đòn vào những thất bại liên tiếp của địch ở rừng núi và đồng bằng, đã quật ngã chế độ độc tài của anh em Diệm-Nhu, làm lung lay đến tận gốc chính quyền bù nhìn giữa lúc cuộc chiến tranh đặc biệt bước vào giai đoạn quyết liệt”9.
Lê Minh
1 Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (từ 12/1963 đến 10/19640, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 55.
2 . Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 218.
3 . Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 218.
4 . Hồ Chí Minh (Bút danh Chiến sĩ): Tội ác của Mỹ Diệm, báo Nhân dân số 3366 ngày 15-6-1963.
5 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.11, tr. 124.
6 . Việt Nam Thông tấn xã: Phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, Hà Nội, 1973, tr. 55.
7 . Việt Nam Thông tấn xã: Phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, Hà Nội, 1973, tr. 55.
8 . Lê Ngọc Diệp: Vấn đề tương quan giữa tôn giáo và chính trị, Học viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, 1967, tr. 109.
9 . Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 174.