Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời ngày 20/12/1960, tồn tại đến tháng 2/1977. Trong những năm 1960- 1975, với hoạt động ngoại giao phong phú của mình, Mặt trận đã góp phần xây dựng "Mặt trận quốc tế" ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Đại hội đại biểu các giai cấp và tầng lớp nhân dân, tôn giáo và dân tộc toàn miền Nam quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.
Sứ mệnh của Mặt trận là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà bình trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Chính sách đối nội, đối ngoại của Mặt trận thể hiện thể hiện trong Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm đã phản ánh những mong muốn tha thiết của mọi tầng lớp nhân dân, là hoà bình, độc lập, dân chủ, cơm no áo ấm, thống nhất Tổ quốc, đã được sự hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và sớm có tiếng vang trên trường quốc tế. Nhờ đó, thu hút được sự đồng tình của đông đảo các lực lượng yêu chuộng tự do, công lý trong nước và trên thế giới kể cả nhân dân Mỹ tiến bộ.
|
Xác định đấu tranh ngoại giao là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị, góp phần đảm bảo thắng lợi trong tình hình mới, ngay sau khi thành lập, Mặt trận đã cử các phái đoàn đi thăm hữu nghị, dự lễ kỹ niệm tại các nước xã hội chủ nghĩa, ở châu Á, châu Phi, Mỹ la-tinh… Với tinh thần hữu nghị, tư tưởng đoàn kết, các đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng được các nơi đón tiếp nồng nhiệt. Tuy chưa phải là chính quyền, nhưng Mặt trận đã có những phái đoàn đại diện thường trực tại một số nước như Cuba, Trung Quốc, Indonesia, Angieri, Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hunggary…
Cùng với thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước, Mặt trận thường xuyên cử đại biểu tham dự các hội nghị quốc tế của các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, luật gia, nhà báo, tôn giáo, hoà bình thế giới, điện ảnh, đoàn kết Á- Phi, đàm phán về biên giới Việt Nam - Campuchia, hội nghị nhân dân Đông Dương, thanh toán chủ nghĩa thực dân, chống căn cứ quân sự ở nước ngoài, kinh tế, khoa học... Tại các hội nghị này, đại biểu của Mặt trận luôn bày tỏ quan điểm, lập trường hòa bình, hữu nghị của nhân dân Việt Nam, giương cao ngọn cờ chống đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, kiên quyết ủng hộ mọi phong trào phản đế ở Á, Phi, Mỹ la tinh, ở Đông Á, ở Campuchia và Lào.
Với những hoạt động thể hiện thiện trí, tích cực, giúp cho dư luận tiến bộ trên thế giới ngày càng nhận thức đúng đắn về cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, từ ủng hộ chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam đến tin tưởng nhân dân miền Nam sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai; đi từ ủng hộ mục tiêu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đến chổ tán thành các phương pháp đấu tranh mà Mặt trận chủ trương.
Từ năm 1965, nhất là sau khi Mặt trận ra bản Tuyên bố 5 điểm ngày 22-3-1965 và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố Lập trường 4 điểm, sau sự kiện vịnh Bắc bộ và việc Mỹ đưa quân vào miền Nam, đánh phá miền Bắc, càng có thêm nhiều tuyên bố của những hội nghị quốc tế hưởng ứng bản tuyên bố của Mặt trận.
Vai trò, uy tín, vị trí của Mặt trận trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai ngày càng được ủng hộ. Từ các nước xã hội chủ nghĩa tới các nước Á - Phi - Mỹ la tinh đã hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Tại các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô, Cu Ba, Triều Tiên, nước Mông Cổ, Ba Lan, Rumani, Hungary, Tiệp Khắc, Cộng hoà dân chủ Đức, Anbani,… đều tỏ rõ nhiệt tình ủng hộ cách mạng miền Nam bằng những hành động cụ thể viện trợ cho Mặt trận Dân tộc giải phóng, cho nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Hầu hết các nước, Mặt trận đều có cơ quan thường trú và một phái đoàn đại diện ở Hà Nội. Mặt trận chẳng những được xem là một tổ chức yêu nước, dân chủ, mà được đối xử như một chính phủ, một nhà nước.
Tại các nước Á - Phi - Mỹ La tinh, Việt Nam được coi là một trong những biểu tượng của một dân tộc anh hùng, kiên quyết đứng lên đánh đuổi thực dân, khôi phục độc lập. Cho nên, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam sớm được các nước Á - Phi - Mỹ la tinh đồng tình và ủng hộ. Hầu hết các nước như Angieri, Mali, Ghi nê, Cônggô, Cộng hoà Ả Rập Thống Nhất, đều có các phong trào ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Khắp các nước Mỹ La tinh bùng cháy ngọn lửa nhân dân chống đế quốc Mỹ. Ở nhiều nước, phòng thông tin, sứ quán Mỹ bị biểu tình, thậm chí đập phá, đốt cháy. Du kích Venezuela học tập gương Nguyễn Văn Trỗi. Thanh niên Mexico, Colombia ghi tên tình nguyện sang miền Nam Việt Nam chiến đấu. Phụ nữ Urugoay thành lập “Uỷ ban Việt Nam ”… Các Đảng cộng sản Colombia, Pêru ra nghị quyết ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam…
Nhân dân tiến bộ Mỹ biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam tại New York ngày 27-4-1968 (Ảnh: AP) |
Tại các nước tư bản phương Tây, như Pháp, Anh, Thụy Điển… nhân dân tiến bộ nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ. Ngay tại chính nước Mỹ, phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ cũng bùng nổ. Khắp nơi trên nước Mỹ phong trào phản chiến với nhiều hình thức phong phú như ký tuyên bố, thư ngỏ, bãi khoá, bãi thực trước cơ quan Liên hiệp quốc, và những cuộc biểu tình, những cuộc ngăn chặn quân Mỹ sang Việt Nam... đến những cuộc hiến máu gửi cho nhân dân miền Nam Việt Nam đang bị súng đạn Mỹ sát hại… Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã gây thêm tinh thần phản chiến trong lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Biểu tình chống Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Tây Berlin, tháng Năm 1972. (Ảnh Internet) |
Có thể khẳng định, những hoạt động tích cực của Mặt trận Dân tộc giải phóng trên mặt trận đối ngoại đã góp phần hình thành rộng rãi phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân miền Nam chống Mỹ. Hiếm có một cuộc chiến tranh giải phóng nào trên thế giới, trong thời hiện đại, được nhân dân thế giới ủng hộ đông đảo và nhiệt tình như cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Sự ủng hộ không chỉ trong các tầng lớp công - nông, không phải chỉ có các dân tộc bị áp bức mà bao gồm nhiều tầng lớp xã hội, nhiều chính giới, nhiều chính phủ các nước, kể cả nhân dân nước Mỹ và các nước phương Tây. Nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, không chỉ về tinh thần, về chính trị, mà còn ủng hộ về vật chất, có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Đỗ Khang