Mù Cang Chải mỗi năm làm một vụ lúa. Tháng 5, 6 là thời điểm cày ải, gieo mạ và cấy lúa, vì lúc này mưa xuống dẫn nước cho ruộng, làm mềm những luống đất khô cằn. Nước chảy theo độ dốc từ thửa ruộng bậc thang trên đến những thửa dưới, theo các rãnh đã xẻ từ trước.
Ruộng thang mùa nước đổ phổ biến ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái. Trong đó, Mù Cang Chải là một trong những điểm đến thu hút các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, không chỉ mùa nước đổ mà còn vào mùa gặt tháng 9, 10.
Những thửa ruộng mới cấy xanh rì, đan xen cùng luống đất nâu lóng lánh nước. Ruộng bậc thang là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ hùng vĩ của núi rừng cùng vẻ đẹp của lao động sáng tạo, trải qua bao đời, bao thế hệ. Theo tác giả, điều đáng quý ở đây là lao động khai thác nhưng không hủy hoại môi trường mà còn bảo vệ và tôn tạo thiên nhiên. Lao động giúp thiên nhiên đẹp hơn và nuôi sống con người bằng lúa gạo.
Từ trên cao, thung lũng Cao Phạ hiện lên như bức tranh với nhiều mảng màu sắc, được tạo nên bởi những thửa ruộng ngập nước hay vừa cấy mạ.
Bộ ảnh Mù Cang Chải mùa cấy được tác giả Trần Giang Lê Vũ, TP HCM thực hiện vào cuối tháng 5, tại bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Anh cho biết đã dành 3 ngày 29 - 31/5 để tới đây, trải nghiệm ở nhà và cấy lúa cùng một gia đình người H'Mông.
Cô gái H'Mông trong trang phục truyền thống, tay cầm mạ non, men theo những bờ đất vào ruộng cấy.
Một ngọn núi, đồi có hàng chục đến hàng trăm luống ruộng bậc thang. Luống trên ngăn cách với luống dưới bằng bờ đất cao đến ngực người. Bờ đất thường có chiều rộng từ 0,2 đến 0,3 m nhưng rất chắc chắn, có tác dụng giữ nước trong luống ruộng, càng lên gần đỉnh bờ càng cao. Mỗi luống ruộng có bề ngang từ 3 đến 10 m, tuy nhiên chiều dài có thể tới hàng trăm m, bao quanh sườn núi.
Người dân nơi đây thường ra đồng từ sớm, tập trung theo gia đình, họ hàng để giúp nhau cấy mạ giống. Từng cây mạ phải được cắm mạnh, đâm thẳng sâu vào đất bùn để đứng vững thành từng hàng chứ không ngả nghiêng hay đổ. Anh Vũ cho biết, người dân làm công việc rất thành thạo và nhanh tay. Anh cũng thử cấy nhưng không được vì cách làm không đúng.
Trên ruộng đồng luôn vang rộn tiếng cười nói. Trong ấn tượng của tác giả, công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" dường như không vất vả đối với họ. Những người ra đồng luôn hăng say lao động và mang trên môi nụ cười.
Tác giả đã tới đây 4 lần, 3 lần trước đều vào mùa lúa chín. Kỷ niệm ấn tượng nhất với anh trong chuyến đi lần này là được ở trong nhà gia đình A-Nu, một người dân địa phương. Hàng ngày được ăn uống, sinh hoạt và cùng gia đình cấy lúa.
Cô bé H'Mông tạo dáng bên hoa xuyến chi. Những đứa trẻ ở đây thường được theo cha mẹ ra đồng, ngay cả trong những ngày nắng nóng.
Đoàn người nối nhau trở về sau ngày dài lao động, in bóng xuống mặt nước.
Hoàng hôn buông, những tia nắng cuối ngày nhuộm vàng trên mặt ruộng loang loáng nước. Trên ảnh là một người nông dân vẫn cần mẫn trên thửa ruộng rộng lớn.
Canh tác nông nghiệp là công việc mưu sinh chính của người dân tộc thiểu số tại đây. Sau khi Mù Cang Chải phát triển du lịch, thanh niên có thêm công việc là chạy xe ôm vào những ngày cao điểm, lễ hội.
Những thửa ruộng mới cấy trải dài tận chân trời như được mạ vàng trong ánh hoàng hôn. Bản Lìm Mông nằm trong thung lũng Cao Phạ, dưới chân đèo Khau Phạ, được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của miền bắc. Đứng từ đây, du khách sẽ trông thấy những ruộng bậc thang xếp đều tăm tắp trên sườn núi, điểm xuyết với những ngôi nhà thưa thớt.
Từ Hà Nôi theo Q32 đi Tú Lệ, đi qua khoảng 5 km, du khách sẽ rẽ vào bản Lìm Mông nằm giữa lưng chừng núi. Đi qua cây cầu treo, du khách sẽ đến với những con đường đất dốc đứng, hẹp và khó đi, đặc biệt trong mùa mưa. Tới đây, ngoài chiêm ngưỡng bức tranh mùa nước đổ, du khách có thể trải nghiệm ở cùng người dân địa phương, theo họ lên ruộng bậc thang cấy lúa.