Tên sách: Một người cha
Tác Giả: Nguyễn Hữu Hiếu
Năm Xuất Bản: 2020
Số Trang: 278
Nhà Xuất bản: NXB Văn hóa - Văn nghệ
“Một người cha” là cuốn sách viết về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc), thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách gồm 4 chương: Dòng họ Nguyễn Sinh trên quê hương xứ Nghệ; từ thuở ấy đến lúc đỗ đạt (1862 -1901); Sự biến chuyển từ tinh thần yêu nước theo ý thức hệ phong kiến cho đến việc hỗ trợ cho Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho khuynh hướng mới (1901-1911); Hoạt động yêu nước kết hợp với cứu dân (1911-1929). Ngoài ra, sách còn có phần thay lời kết và phần phụ lục.
Cuốn sách, với nguồn tư liệu phong phú đã dựng lại chân dung cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đó là cuộc đời của một sỹ phu đương thời nhưng chính cuộc đời cá nhân ấy lại gắn với sự những kiện thăng trầm của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những năm gần đây, trong mưu đồ hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, có một số người đã “vạch lá tìm sâu” và viết những bài viết có nội dung méo mó, xuyên tạc về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cũng có những đánh giá chừng mực hơn, nhưng lại cho rằng cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng thuộc lớp những nhà nho hoang mang, bế tắc trước thời cuộc nên chỉ biết thủ cựu, cầu an, lo cho bản thân, gia đình để rồi cuối đòi bất đắc chí với những hành động bi quan, tiêu cực. Thông qua cuốn sách này, tất cả những vấn đề nêu trên đều được kiến giải rõ ràng.
Nguyễn Sinh Sắc, qua cuốn sách là một nhà nho thâm trầm, đau cái đau của người dân mất nước. Nhưng, ở cụ còn mang cả nỗi đau của một sỹ phu theo quan niệm của Nho giáo thì “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” đã không làm được gì trong bối cảnh mất nước. Từ cuốn sách nổi lên một Nguyễn Sinh Sắc không phải là người cầu an, bi quan, tiêu cực, chỉ có một Nguyễn Sinh Sắc yêu nước theo cách riêng của mình, phù hợp với bản thân và hoàn cảnh. Bởi vậy, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã quan tâm bồi dưỡng Nguyễn Tất Thành từ rất sớm. Cụ đã nhờ những người bạn của mình dạy tiếng Pháp cho con trai, ủng hộ con trai trong các quyết định. Khi Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn lên thăm cha đang làm tri huyện Bình Khê, Bình Định, cụ đã nói với con trai mình: “Nước mất thì đi tìm nước. Lần này đi tìm cha phỏng ích gì?”. Lời căn dặn con trai của cụ Nguyễn Sinh Sắc phảng phất lời Nguyễn Phi Khanh đã nói với Nguyễn Trãi: “Con là người có học, phải biết rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu”. Đặc biệt, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã liên hệ với những người bạn của mình, trong đó có một chí sỹ nổi tiếng đương thời, vốn là bạn đỗ Phó bảng đồng khoa năm 1901 là cụ Phan Chu Trinh để gửi gắm con trai của mình. Nội dung trong cuốn sách vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về việc cụ Nguyễn Sinh Sắc có dẫn con trai của mình đi Mỹ Tho để gửi gắm người bạn Phan Chu Trinh hay không, nhưng đã góp phần hé mở về việc Nguyễn Tất Thành đã được cụ Phan Chu Trinh giúp đỡ trong những năm đầu trên đất Pháp.
Từ những tư liệu mới của cuốn sách, từ kiến giải logic và thuyết phục từng sự kiện, nội dung trong cuốn sách, tác giả cho thấy vai trò ảnh hưởng rất lớn từ người cha Nguyễn Sinh Sắc đến quá trình hình thành nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu thật sự nghiêm cẩn, đem lại một cái nhìn mới về nhân vật Nguyễn Sinh Sắc, góp phần nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về một nhân vật của lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, từ những tư liệu của cuốn sách này, độc giả cũng có thể hình dung về một giai đoạn lịch sử đặc biệt để rồi qua đó kính phục, cảm thông đối với lớp cha ông là nho sỹ đương thời đang vật vã tìm đường cứu nước cho dân tộc.
Trung Kiên