Tại TP HCM, nơi có số ca bệnh vượt 7.600, sáng nay hơn 87.000 thí sinh đến 155 điểm thi để làm bài Ngữ văn và Toán. Tại trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, 580 thí sinh rải rác đến từ 6h. Phần lớn được cha mẹ đưa đi, một số em tự đi xe máy hoặc đi bằng xe ôm công nghệ. Đây là điểm thi cho học sinh các trường THPT Nguyễn Công Trứ, Gò Vấp và một số trường THPT tư thục.
An ninh phòng thi được siết chặt với 4 công an ở trong trường và ngoài cổng, một số dân phòng, bảo vệ khu phố. Từ ngoài cổng, trường phân thành 3 lối đi bằng rào chắn nhằm đảm bảo giãn cách. Bước vào trong, các em được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, kiểm tra phiếu báo danh và được hướng dẫn lên ngay phòng thi.
Hầu hết thí sinh tỏ ra hồi hộp khi đi thi trong bối cảnh dịch bệnh tại thành phố ngày càng nóng, tuy nhiên tất cả đều mong muốn thi sớm. Đã đậu trường đại học tư thục mơ ước bằng hình thức xét học bạ, Nur Yan Zacariya (thí sinh người Chăm) tỏ ra thoải mái, không đặt nặng kết quả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chọn tổ hợp Khoa học xã hội, nữ sinh tự tin giành điểm cao. "Thi khi dịch bệnh phức tạp, em với các bạn rất hồi hộp, cùng bảo nhau đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài để bảo vệ an toàn cho bản thân", nữ sinh nói.
Cùng lúc này, tại 154 điểm thi tốt nghiệp THPT khác, hàng nghìn thí sinh đến dự thi. Tại mỗi điểm, trưởng điểm tổ chức phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn thí sinh giãn cách ra vào điểm thi.
Lãnh đạo TP HCM đánh giá đây là kỳ thi lịch sử bởi diễn ra trong bối cảnh Covid-19 nguy hiểm, gần đây mỗi ngày thành phố ghi nhận hơn 500 ca. Để quyết định thi, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc rất lâu, lấy ý kiến phụ huynh, điều chưa từng xảy ra ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đó.
Tại Hà Nội, sau 10 ngày không ghi nhận ca Covid-19 mới, từ ngày 5/7 đến nay thành phố lại xuất hiện 12 ca. 188 điểm thi đã diễn tập phương án phòng chống dịch, thành phố yêu cầu siết chặt công tác an toàn phòng dịch. Sáng nay, tại các điểm thi, thanh niên tình nguyện, cảnh sát nhắc nhở, phân luồng xe, dựng barie trước cổng để tránh tập trung đông người.
Nhà ở huyện Sóc Sơn, cách điểm thi trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, hơn 25 km, Phạm Phương Anh, học sinh trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, thức dậy từ 5h. Sau khi dùng bữa sáng, nữ sinh cẩn thận kiểm tra vài lượt đồ dùng mang theo trong buổi thi Ngữ văn và Toán. "Vì nhà ở rất xa điểm thi, em sẽ gặp rắc rối lớn nếu để quên thứ gì đó", Phương Anh giải thích.
Thường ngày, Phương Anh đi xe bus đến trường nhưng hôm nay em được bố mẹ cùng đưa đến điểm thi tốt nghiệp THPT. Em sát khuẩn tay, đo nhiệt độ tại một trong sáu vị trí ở cổng trường THCS Lê Quý Đôn, sau đó được hướng dẫn di chuyển giãn cách lên các phòng, không tụ tập ở dưới sân.
Phương Anh chia sẻ, trong hai ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp phát hiện ca nhiễm mới. Dù đã trải qua ba bốn đợt dịch, phải học online nhiều và không đến mức quá sợ hãi, nữ sinh vẫn thấy hồi hộp, lo rằng nếu dịch bùng thì kỳ thi có thể bị hoãn. "Em chỉ muốn thi cho xong, càng để lâu lại càng lo, hồi hộp khi phải nghĩ về nó", nữ sinh nói, đồng thời cho rằng mình may mắn khi được thi đợt 1.
Vì theo khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), Phương Anh không quá sợ hai môn thi hôm nay. Em không đoán trước đề hay bày tỏ hy vọng vào tác phẩm, bài tập cụ thể nào nhưng khẳng định sẽ làm tốt nhất có thể.
Còn ở Phú Thọ, Nguyễn Trung Tùng, trường THPT Trần Phú, cũng tỉnh giấc lúc 4h sáng. Dù cả buổi tối hôm qua đã chuẩn bị đồ dùng học tập, giấy tờ, Tùng vẫn kiểm tra thêm một lần nữa rồi mới yên tâm ăn sáng. Đến 6h, nam sinh tự đến điểm thi cách nhà 6 km.
Điểm thi của Tùng nằm ngay cạnh trường THPT mà em theo học. Gặp nhiều bạn bè cùng trường và cả những bạn học chung từ cấp THCS, Tùng bớt căng thẳng. Vì đã vượt qua sơ tuyển vào Đại học FPT nhờ kết quả học tập lớp 11 và 12, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học, Tùng không có quá nhiều áp lực như những bạn khác.
Thế nhưng trước kỳ thi quan trọng bậc nhất thời học sinh, nam sinh không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. "Trong đầu em vẫn có nhiều câu hỏi, chẳng hạn không biết đề thi có khó không, liệu mình có đạt được 22-24 điểm như mục tiêu đề ra", Tùng nói. Thi Ngữ văn đầu tiên, Tùng hy vọng có thể làm bài tốt để tự tin hơn trong buổi thi Toán vào chiều nay.
Năm 2021, cả nước có hơn 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái 100.000. Số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55%, xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt. Đợt 1 có khoảng một triệu thí sinh, đợt 2 có 14.400 em do nằm trong diện F0, F1, F2 hoặc ở vùng phong tỏa. Thời gian thi đợt 2 chưa được xác định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Thí sinh ở cả hai đợt sẽ làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn thi tự luận, các bài thi còn lại đều làm trắc nghiệm.
Nguồn VnExpress