"Mỹ hoan nghênh lập trường của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép xem biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng ta sẽ phải sớm bàn thêm về chủ đề này" - Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, không lâu sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện sự lo ngại liên quan đến tình hình hiện tại ở biển Đông.
Trước đó, trong Tuyên bố chung theo sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26-6, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, cũng như tầm quan trọng của việc thực thi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tại vùng biển tranh chấp này.
Các nhà lãnh đạo ASEAN kêu gọi làm việc tích cực để tiến tới thực thi hiệu quả và toàn diện đối với Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông 2002 (DOC) cũng như để sớm kết luận Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) một cách phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords trong một cuộc tập trận trên biển Đông hôm 23-6. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Các nhà lãnh đạo ASEAN còn nhấn mạnh tầm quan trọng của "nỗ lực phi quân sự hóa và kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp tình hình hoặc leo thang căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực".
Trước đó, ngày 2-6, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ đã gửi công thư cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres để phản đối "những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông".
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trên biển Đông giữa lúc các nước trong khu vực gồng mình chống đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Philippines đang thực hiện những động thái chậm rãi nhưng chắc chắn nhằm thách thức Trung Quốc trên biển Đông. Giới chức Bộ Năng lượng (DOE) và Bộ Ngoại giao (DFA) Philippines đang kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte nối lại hoạt động thăm dò năng lượng trong vùng biển tranh chấp này với mục tiêu củng cố an ninh năng lượng và tái khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên năng lượng dưới đáy biển bị Trung Quốc tranh chấp. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Philippines (DOJ) đang gia tăng sức ép, yêu cầu Trung Quốc bồi thường cao hơn cho 22 ngư dân Philippines suýt thiệt mạng vào năm ngoái, sau khi bị tàu quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá.
Theo báo Asia Times, những động thái cứng rắn nêu trên phản ánh quan hệ chiến lược Washington - Manila đã hồi sinh, cũng như nhu cầu gia tăng của Philippines về việc bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra.
Bên cạnh đó, việc Philippines thay đổi thái độ với Trung Quốc còn phản ánh tầm ảnh hưởng vẫn lớn mạnh của nền tảng chính sách ngoại giao và quốc phòng của nước này, vốn từng bị nghi ngờ vì lập trường thân thiện của Tổng thống Duterte đối với Bắc Kinh khi ông mới nhậm chức. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Duterte quyết định tạm ngừng rút Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA), vốn là trung tâm của quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines. Theo giới chuyên gia, động thái này cho thấy Manila đang thay đổi những tính toán địa chính trị giữa lúc Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển Đông.
Trước đây, Tổng thống Duterte từng vận động hành lang để đạt được thỏa thuận "đồng sở hữu" các nguồn tài nguyên tranh chấp thông qua những dự án thăm dò và phát triển với Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông giữa khủng hoảng đại dịch Covid-19, trong đó có tăng cường tập trận hải quân trong các khu vực tranh chấp, dường như đã hủy hoại những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh và Manila về một thỏa thuận chia sẻ tài nguyên.
NLĐ