Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội” [1]. Thanh niên là những người trẻ, khỏe, đầy nhiệt huyết trong xã hội, nhiệt tình, năng động tiếp thu cái mới, giàu ước mơ... Lứa tuổi thanh niên ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự khẳng định mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý. Thực tế lịch sử đã chứng minh thanh niên và sức mạnh của thanh niên có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Họ là lực lượng xung kích, đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thống kê năm 2020, dân số trong độ tuổi thanh niên tính từ 16 – 30 tuổi là 22, 609 triệu người, chiếm 23.2% dân số cả nước [2]. Đây là lợi thế về nhân lực, đồng thời cũng là sức ép về giáo dục, y tế, việc làm và phát sinh các vấn đề xã hội khác liên quan đến thanh niên.
Trải qua một thời gian dài thế giới và đất nước chống lại dịch bệnh, phần nào khẳng định bản lĩnh đạo đức cách mạng của thanh niên Việt Nam hiện nay. Đại bộ phận thanh niên về cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đạo đức cách mạng, có lối sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Thanh niên sống có lý tưởng, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, ý chí vươn lên, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ham mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ dám “nhìn thẳng” và đương đầu đấu tranh để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, lên án cái xấu, cái ác như tham nhũng, lãng phí, bạo lực gia đình… Thời gian qua, hình ảnh những bác sĩ, những chiến sĩ quân đội, những bạn trẻ đã xông pha tình nguyện chống dịch, đã dám hi sinh lợi ích cá nhân, thậm chí cả tính mạng của mình để bảo vệ cho nhân dân thực sự trở thành tấm gương đáng để chúng ta ngưỡng mộ, tin tưởng vào sức mạnh của thế hệ trẻ. Điều đó khẳng định thế hệ thanh niên ngày nay vẫn ý thức rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hi sinh vì lợi ích dân tộc, mong muốn được đóng góp xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước.
Ảnh Internet.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, các thế lực phản động, thù địch tiếp tục sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, đặc biệt là sự chống phá thanh niên Việt Nam núp dưới nhiều hình thức. Kinh tế thị trường gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội; dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm. Những ảnh hưởng này đã tạo nên một bộ phận không nhỏ thanh niên trong xã hội có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, rơi vào lối sống thực dụng, buông thả, ích kỉ, xa rời truyền thống văn hóa của dân tộc. Nghiêm trọng hơn là lối sống ích kỷ, “sống ảo”, vô cảm trước các sự kiện kinh tế, chính trị của đất nước và thờ ơ với chính đồng loại của mình. Những vấn đề này nếu không được phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sẽ đưa đến những hệ lụy xấu, tạo kẻ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phân hóa chính trị, tư tưởng, đạo đức ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất con người thanh niên hiện nay. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên hiện nay là việc làm cần thiết.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên hiện nay là quá trình đưa các giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa dân tộc và nhân loại trở thành những đòi hỏi, thước đo nhân cách bên trong của bản thân mỗi người thanh niên, tạo nên tính cách, niềm tin, động cơ, hành vi đạo đức, hướng thanh niên sống và hành động theo lý tưởng nhân văn cao đẹp. Với những ý nghĩa đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên hiện nay cần lưu ý các giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy tính tích cực của thanh niên trong việc tự học, tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống, chủ động gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng.
Phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp thanh niên tiến bộ, trưởng thành nhanh chóng. Trước hết phải hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu thị, vươn lên tự khẳng định mình. Từ đó để họ xác định rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình và thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ của thanh niên đối với Tổ quốc.
Thường xuyên học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nói đi đôi với làm, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần- kiệm- liêm- chính- chí công- vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì cũng không lợi gì cho con người”[3].
Thứ hai, cần xây dựng những chuẩn mực đạo đức và định hướng những giá trị đạo đức cách mạng cho thanh niên theo lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Internet.
Đạo đức cách mạng là những giá trị tiêu biểu nhất, được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức xã hội Việt Nam hiện đại. Những giá trị đó cần được nghiên cứu, bổ sung cho cô đọng, xúc tích ngắn gọn, gần gũi, dễ nhớ và dễ vận dụng đối với thế hệ trẻ. Cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng cho thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn cách cách mạng đặt ra. Chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức và hướng thanh niên sống và hành động theo đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho thanh niên hiện nay.
Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thanh niên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để thanh niên rèn luyện đạo đức, lối sống và có cơ hội phát triển toàn diện về trí và lực; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay.
Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho thanh niên những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước; định hướng tạo môi trường thuận lợi để thanh niên có cơ hội rèn luyện, khẳng định các giá trị bản thân và cống hiến xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Thứ năm, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh từ trung ương đến cơ sở. Đây thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”[4].
Giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Trong tình hình dịch bệnh Covid bùng phát như hiện nay thì giới trẻ đã trở thành lực lượng phản ứng nhanh trong quá trình truyền tải các thông tin quan trọng trong xã hội. Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên để họ thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, kiên định vững vàng trước khó khăn thách thức.
Chú thích
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết hội nghị Trung ương 7, khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2008, trang 7.
[2]. Số liệu thống kê về dân số, lao động, việc làm, học tập của thanh niên năm 2015-2020 của Tổng cục thống kê.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 11, tr.399.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, tập 5, tr.216.
Thu Hằng