Trong bài Ðạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập, tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập"[1]. Người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường của giai cấp công nhân.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng nân dân, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ
Trong những tháng ngày hoạt động tại Long Châu - Trung Quốc, “anh phải vượt biết bao nhiêu khó khăn, sống những ngày thiếu thốn nhất để tiếp tục hoạt động cách mạng. Có lần đi xa, dọc đường anh phải đóng vai bán thuốc cao để kiếm tiền lộ phí và thậm chí phải đi xin ăn.”[2].
Năm 1930, khi vào học làm thợ ở Nhà máy cơ khí Nam Hưng (Quảng Tây - Trung Quốc), ban ngày làm trong nhà máy, ban đêm làm thêm bên ngoài, Hoàng Văn Thụ không quản khó khăn, bước vào đời sống thợ thuyền và trở thành một thợ máy lành nghề.
Ngay sau khi Chi bộ Long Châu được thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn, bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay thuộc huyện Cao Lộc).
Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp tiến hành khủng bố khốc liệt, hàng loạt cơ sở bị phá vỡ, nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị sát hại hoặc bắt giam. Chấp hành chủ trương của Xứ uỷ Bắc Kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới, là cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao - Bắc - Lạng, Hoàng Văn Thụ trực tiếp về Bắc Sơn vào giữa năm 1936.
Tại Hội nghị Trung ương tháng11/1940 tại Đình Bảng (Bắc Ninh), Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo việc duy trì phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Tại Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác mặt trận và binh vận. Những năm 1940-1941, cơ sở của Đảng bị khủng bố, bị vỡ nhiều nơi, Hoàng Văn Thụ cùng với đồng chí Trường Chinh phải đi chắp mối hết tỉnh này đến tỉnh khác, lúc ấy “anh chỉ còn đôi guốc mẻ, chiếc ô rách, ngày đi lang thang, đêm ngủ ngoài đồng, lắm lúc trong túi chỉ còn vài xu, phải ăn bánh đúc trừ bữa.”[3]. Mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn lại bị kẻ thù theo dõi gắt gao, nhưng Hoàng Văn Thụ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng giao phó.
Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man, bị khép tội tử hình, nhưng chúng không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của đồng chí.
Ðồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Ðảng "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng". Trong xà lim, án chém, biết mình không qua khỏi dưới mũi súng quân thù, nhưng Hoàng Văn Thụ vẫn tìm mọi cách hiến dâng những giờ phút còn lại của cuộc đời cho cách mạng: “Anh trau dồi lý luận cách mạng, kinh nghiệm đấu tranh và đạo đức cộng sản cho các đồng chí ở gần anh. Anh mở cuộc tranh luận với một số thủ lĩnh Đại Việt ở trong tù làm cho họ thấy được chủ trương đúng đắn của Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật Pháp do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.[4]
Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ
Trong Nhà giam Hỏa Lò, nhiều tù chính trị phạm kính phục và thương mến anh, nhưng Hoàng Văn Thụ động viên anh em hãy lạc quan, hy sinh, phấn đấu hết mình, không băn khoăn, nuối tiếc: “Năm nay tôi 38 tuổi. Hơn 20 năm đấu tranh cách mạng, đến đây, tôi thấy rằng đã tận tâm, tận lực với Đảng, với dân tộc. Dù có chết tôi cũng an tâm”[5].
Sáng sớm ngày 24/5/1944, trước khi bị thực dân Pháp xử bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ hiên ngang, dõng dạc hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm !”.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Ðồng chí đã trực tiếp giác ngộ, vận động quần chúng, đóng góp tích cực trong việc thành lập các chi bộ đảng và phát triển tổ chức đảng ở các Ðảng bộ Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Trong những ngày hoạt động cách mạng tại Hà Đông “Đối với những gia đình anh ở, anh chăm lo như người trong nhà, gặp người còn thói hư, tật xấu, rượu chè, cờ bạc, đánh vợ,…anh hết lòng cảm hóa. Đối với địa phương bảo vệ anh, anh tận tình giúp đỡ, ngoài việc họp với chi bộ bàn bạc giải quyết công việc, anh thường tranh thủ mọi hoàn cảnh tổ chức nói chuyện chính trị cho quần chúng nghe.”[6].
Những nơi đồng chí đến sống và hoạt động đều để lại những tình cảm gắn bó yêu thương. Quần chúng nhân dân thường gọi Hoàng Văn Thụ với những cái tên quen thuộc như đồng chí Bảy, anh Lý. Trong những ngày tháng gian khổ hoạt động cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng tin Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng để giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn được quần chúng tin yêu và khi bị kẻ thù khủng bố ác liệt, đồng chí đều khẳng định: “Chúng ta không lo. Cách mạng đã thấm sâu vào quần chúng rồi. Quân địch cố nhiên không để cho chúng ta yên, nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ những người lãnh đạo chúng ta xa quần chúng, không sợ quần chúng xa chúng ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc ấy quần chúng lại che chở cho chúng ta và phong trào lại đi lên”.[7]
Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường làm cho kẻ thù phải khâm phục, là bản anh hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn thể dân tộc. Nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi không quên Hoàng Văn Thụ, gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng.
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, t.11, tr 602.
[2] Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng -Văn -Thụ người chiến sỹ cộng sản gang thép, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, tháng 5/1964, tr 6.
[3] Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng -Văn -Thụ người chiến sỹ cộng sản gang thép, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, tháng 5/1964, tr 11.
[4] Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng -Văn -Thụ người chiến sỹ cộng sản gang thép, Sđd, tr 15.
[5]Trần Đăng Ninh: Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1965, tr 8.
[6] Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng -Văn -Thụ người chiến sỹ cộng sản gang thép, Sđd, tr 8.
[7] Đảng Lao động Việt Nam: Hoàng -Văn -Thụ người chiến sỹ cộng sản gang thép, Sđd, tr 11.