Dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Cách nào giải quyết dứt điểm? |
Chia sẻ với PV, GS.TS Đặng Kim Chi – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, xét về mặt kỹ thuật chôn lấp thì bãi rác Nam Sơn hiện nay là bãi chôn lấp rất hợp vệ sinh, có hệ thống thu gom nước rác đưa về hồ, xong từ hồ nước rác được xử lý sau đó mới đưa ra suối.
“Bãi rác Nam Sơn tính đến thời điểm này là hợp vệ sinh chứ không phải bãi rác chôn lấp tuỳ tiện.
Nhưng lịch sử trước kia đã có những giai đoạn chôn lấp tuỳ tiện. Vấn đề ô nhiễm của khu vực bãi rác là không tránh khỏi, đó là vấn đề mùi, khí, nước rác…”, GS.TS Đặng Kim Chi thông tin.
Đây cũng chính là lý do mà trong quy chuẩn của bãi rác đã quy định rõ khoảng cách bãi rác với khu dân cư phải được cách xa 500m. “Những hộ dân sống trong khu vực 500m nhất định chịu ảnh hưởng của bãi rác, nhất là một bãi rác lớn như bãi rác Nam Sơn” GS.TS Đặng Kim Chi nói.
Hơn nữa với 80% rác của Hà Nội đưa lên Nam Sơn, nên bắt buộc người dân sống trong khu vực 500m phải di dời. Việc dân chặn xe rác xuất phát từ chuyện đền bù, giữa hai bên (cơ quan nhà nước và dân) chưa tìm được tiếng nói chung.
“Tình trạng này xảy ra ở nhiều khu vực bãi chôn lấp rác chứ không phải chỉ riêng của Hà Nội mà ở các tỉnh, khu đô thị lớn nơi mà bãi chôn lấp rác lớn”, GS.TS Đặng Kim Chi khẳng định.
Vấn đề đặt ra ở đây là câu chuyện quản lý. Chuyện xung đột đến hẹn lại lên, dân chặn đường không cho xe rác vào khu xử lý, theo GS.TS Đặng Kim Chi “không phải chỉ xảy ra ở Hà Nội” mà “Hải Phòng cũng có, rồi như bãi rác An Phước ở TP.HCM cũng vậy”. Và có tâm lý không ai muốn bãi rác ở địa phương mình. Đấy là vấn đề xã hội.
Điều này xuất phát từ thực tế, GS Kim Chi cho biết, hiện nay rác thải sinh hoạt ở các khu đô thị nói riêng và cả nước nói chung chưa phân loại. Trong khi đó thêm một đội quân nhặt rác ở các bãi rác. Họ đi nhặt lại những loại rác có thể tái chế được mà chúng ta chưa phân loại ngay từ ban đầu. Do đó sẽ tạo nên khu vực hỗn loạn. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng môi trường của rác, cũng như xung quanh.
Trở lại với câu chuyện tồn tại của bãi rác Nam Sơn, GS Kim Chi cho rằng đây là bãi rác rất lớn của Thủ đô nên để giải quyết dứt điểm tình trạng dân phản đối do ô nhiễm môi trường thì trong tương lai “phải có thay đổi lớn”.
“Bằng cách nào đó phải đổi mới mọi mặt, áp dụng công nghệ xử lý rác để được xử lý triệt để, nếu phải chôn lấp thì lượng rác rất ít. Nếu không cứ chôn tất cả như thế này thì chẳng bao lâu, không còn đất mà chôn. Hiện nay nhiều nơi đã không còn đất để chôn lấp rác.
Theo tôi cần phải nhanh chóng áp dụng công nghệ để giảm thiểu khối lượng rác cần phải chôn lấp, giảm thiểu nhu cầu đất để chôn lấp rác”, GS Trịnh Kim Chi kiến nghị.
Rác được thu gom phải được phân loại, được xử lý (nhựa, thuỷ tinh, cao su…), loại nào đem đốt, loại nào đem chôn. Loại rác không thể làm gì được thì mới phải chôn. Rác được đốt cũng giảm thiểu rất nhiều khối lượng (đốt 1 tấn rác thì còn độ 100 kg tro, xỉ để đem chôn).
Như vậy, diện tích đất dùng để chôn lấp đã giảm thiểu đáng kể khi áp dụng các biện pháp khác, công nghệ khác tận dụng thu hồi, tái chế, tái sử dụng.
Đối với giải pháp trước mắt, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng “hôm nay, tháng sau, hay năm sau bãi Nam Sơn vẫn còn đấy, vẫn là nơi chôn lấp chính của Hà Nội thì các vị phải giải quyết đảm bảo khoảng cách vệ sinh an toàn của bãi rác. Nghĩa là xung quanh bãi rác 500m không để dân cư ở, thì chắc chắn dân cư sẽ không kêu ô nhiễm”, GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet