Bảo tàng mở cửa miễn phí từ nay đến hết tháng 12/2024, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn trường học tổ chức các chuyến tham quan. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các thầy cô và học sinh, đồng thời tạo thêm động lực cho các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về giáo dục lịch sử.
Các em học sinh mầm non có mặt rất sớm háo hức tham quan Bảo tàng. |
Cô giáo Nguyễn Thị Thực (38 tuổi, Hà Nội) hiện đang công tác tại trường Mầm non Mai Ca chia sẻ: “Trường rất gần với Bảo tàng Phòng không Không quân nên Nhà trường thường xuyên tổ chức cho các con buổi tham quan và trải nghiệm thực tế. Ngày hôm nay đến với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các con được thấy hình xe tăng, máy bay từ thời chiến nên rất bất ngờ, hứng thú, cái gì cũng muốn nhìn, muốn sờ và khi được trải nghiệm rất sảng khoái.”
Các em nhỏ tham gia trải nghiệm nhiều ứng dụng công nghệ đồ họa mới. |
Cô Phượng (45 tuổi, Hà Nội) cùng công tác tại Trường mầm non Mai Ca cho biết: “Nhà trường tổ chức cho các lớp từ 3-5 tuổi tham quan tại Bảo tàng với mong muốn để các con được trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và khơi gợi cho các con về truyền thống yêu nước. Có nhiều phụ huynh gọi điện báo nhiều bạn háo hức tới mất ngủ. Trang phục của các con mặc ngày hôm nay rất phù hợp và ý nghĩa vì được trường chuẩn bị cho những dịp đặc biệt như Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam sắp tới."
Khu vực tái hiện ký ức lịch sử khiến nhiều bạn trẻ thích thú. |
Cô Thảo (22 tuổi, Hà Nội) đang công tác tại Trường mầm non Trạng Nguyên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên cả cô và trò được tới tham quan bảo tàng nên là kỷ niệm rất vui và đáng nhớ. Các con rất phấn khích vì được thấy máy bay, xe tăng, tên lửa ngoài đời thực.”
Đoàn học sinh tiểu học tham quan tại Bảo tàng. |
Đồng hành cùng đoàn các em học sinh lớp 2, cô Tú Anh (23 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm việc tại trường Tiểu học & THCS FPT chia sẻ: “Đưa các em đến tham quan Bảo tàng giúp các em không chỉ học qua sách vở mà còn có thể tận mắt thấy các hiện vật lịch sử. Điều này giúp các em cảm nhận rõ hơn những khó khăn mà ông cha ta từng đối mặt, từ đó khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm với đất nước hơn.”
Buổi tham quan của các học viên Trường Sĩ quan Chính trị. |
Đến với Bảo tàng ngày hôm nay còn có các học viên thuộc Trường Sĩ quan Chính trị. Bạn Xuân An, học viên Đại đội 11 Tiểu đoàn 4 Trường sĩ quan Chính trị cho biết: “Buổi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được nhà trường tổ chức là thuộc môn học Lịch sử - công tác Đảng. Chúng mình có thêm trải nghiệm, hiểu biết về lịch sử quân sự cũng như kiến thức công tác Đảng mà chúng mình sẽ phải thực hiện trong tương lai. Vì sau này chúng mình sẽ được đào tạo thành các Chính trị viên chủ trì công tác Đảng, công tác Chính trị sau này ở Đại đội nên buổi tham quan ngày hôm nay rất thiết yếu, thực tế cho công tác sau này.”
Ngoài các đoàn tham quan từ trường học còn có các cựu chiến binh, những người từng tham gia vào các chiến dịch lớn trong lịch sử dân tộc, trở về thăm lại nơi lưu giữ ký ức hào hùng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ. |
Ông Đỗ Mạnh Hùng, một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và là chứng nhân của chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, xúc động chia sẻ:
“Tại sao phải đưa các cháu nhỏ đến đây? Vì phải để các cháu biết và hiểu về lịch sử đất nước anh hùng dân tộc. Tôi tham gia kháng chiến từ tuổi 17 chưa hiểu rõ thế thời nhưng quyết tâm sẵn sàng chiến đấu vì tình yêu nước nồng nàn. Là chứng nhân của chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, chứng kiến đồng đội bắn rơi máy bay B52 và trải qua nhiều kỉ niệm thăng trầm, tôi tự hào hai tiếng “dân tộc”. Từ vũ khí thô sơ mà chúng ta có thể chiến thắng được hai cường quốc hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ và Pháp vì tinh thần đoàn kết của dân tộc. Vì chúng có thể đánh thắng một quân đội nhưng không đánh thắng được một dân tộc.
Khi rời ghế nhà trường, chúng tôi tham gia kháng chiến với tinh thần “đi như mở hội”. Nên thế hệ ông cha luôn muốn nền giáo dục đề cao dạy cho các cháu từ nhỏ về lịch sử, văn hoá và truyền thống đoàn kết của dân tộc.”
Sự trở lại của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ mở ra một không gian tri thức về lịch sử quân sự mà còn tạo ra một điểm đến giáo dục bổ ích, nơi các đoàn khách có thể tận hưởng không khí học tập, tìm hiểu sâu sắc về quá khứ hào hùng của dân tộc.
Nguồn Sinh viên Việt Nam