Giữa năm 2020, khi thế giới còn chưa hiểu nhiều về chủng virus corona mới gây ra dịch Covid-19, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh dịch tễ TW cùng các cộng sự đã đưa ra những bằng chứng quan trọng về việc virus dễ dàng lây lan từ người sang người và ở giai đoạn sớm, chưa biểu hiện triệu chứng. Thời điểm đó, ngoài một vài bài báo của Trung Quốc nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên, chưa có một quốc gia nào đưa ra bức tranh đầy đủ về đại dịch cũng như phương án phòng chống đặc thù như vậy. Nghiên cứu này vừa được đề cử xét Giải chính - giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022.
Nghiên cứu của TS Thái nhìn lại kết quả 100 ngày đầu tiên kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong đó phân tích các yếu tố liên quan và đưa ra bài học kinh nghiệm trong chống dịch. Nhóm đã phân tích dữ liệu lâm sàng và nhân khẩu học về 270 ca nhiễm đầu tiên, cũng như biện pháp kiểm soát của chính phủ, bao gồm số lượng các xét nghiệm, các trường hợp bị cách ly. Để ước lượng mức độ di chuyển của dân số, nhóm sử dụng dữ liệu di động của Apple và Google cung cấp. Họ cũng sử dụng dữ liệu để ước tính tỷ lệ của ca nhiễm không triệu chứng, mức độ lan truyền và ước tính các giá trị khác nhau của số phát sinh dịch (R0).
Những kết quả này có ý nghĩa lớn cho ước tính chu kỳ lây cũng như quy mô của dịch sau này. Nhờ đó quy mô dịch tại Đà Nẵng ở làn sóng thứ 2 Covid-19 tại Việt Nam cũng như tại Hải Dương đầu năm 2021 ước tính được mức độ và phạm vi lây nhiễm.
Nghiên cứu đưa ra những bằng chứng quan trọng trong việc kết luận bệnh có thể lây truyền từ những cá thể nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng. TS Thái cho biết, thời kì đầu đại dịch, người ta chỉ nghĩ rằng bệnh lây truyền từ động vật sang người và lây truyền ở người có triệu chứng. Song với kinh nghiệm từng trực tiếp tham gia chống dịch SARS năm 2003, anh nhanh chóng so sánh hai loại virus này. Anh nói khi dịch SARS xuất hiện, con đường lây nhiễm chủ yếu qua giọt bắn, điều hòa không gian kín với tỷ lệ tử vong cao tới 20%. Loại virus có mức độ tử vong cao và triệu chứng rõ ràng, SARS không thể gây ra đại dịch. Nhưng SARS-CoV-2 lại khác.
Ở thời điểm WHO vẫn chậm trễ trong việc đưa ra cách thức lây truyền virus, thông điệp ấy đã làm thay đổi quan điểm của giới khoa học cũng như công tác cách ly khống chế dịch. "Hiểu biết về cách lây truyền và bản chất của virus góp phần quan trọng cho khoa học bởi nếu không biết khả năng lây nhiễm sẽ không thể đưa chiến lược ứng phó", TS Thái nói với VnExpress.
Công trình lập tức gây chú ý khi đăng tải trên tạp chí hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Clinical Infectious Diseases (Mỹ). Nghiên cứu cũng được trích dẫn 66 lần ở các bài báo đăng trên tạp chí khoa học và được nhắc lại trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC, The Washington Post... như một thành công của chiến lược chống dịch tại Việt Nam.
Thời điểm ấy, phát hiện của nhóm nghiên cứu đã góp phần lớn vào công tác phòng chống dịch như thay đổi chiến lược sàng lọc tại sân bay: kiểm soát người di chuyển qua đường hàng không, biên giới, cách ly cẩn trọng, xét nghiệm thay vì chỉ đo thân nhiệt. Nhờ công tác truy vết kỹ càng kết hợp với kiểm dịch nghiêm ngặt và các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế giúp Việt Nam khống chế dịch an toàn trong một năm đầu tiên, trước khi có sự xuất hiện của chủng Delta và tiếp cận được vaccine.
Ở giai đoạn đầu, TS Thái mô tả, Việt Nam chống dịch ở thế "không có vũ khí trong tay". Để so sánh, hai quốc gia Anh và Đức có 20.000 máy thở cùng đội ngũ chuyên gia vận hành, trong khi Việt Nam chỉ có chưa tới 3.000 máy thở tối đa huy động. Đó là chưa kể vấn đề thiếu chuyên gia vận hành máy móc, vì thế ngay cả khi sử dụng máy thở, tỷ lệ tử vong vẫn cao. "Khi chưa có vaccine chúng ta không có cách nào khác là phải thực hiện chiến lược zero Covid-19 để ngăn lây lan và tử vong", anh nói.
"Chưa có quốc gia nào quyết liệt trong việc truy vết như Việt Nam", TS Thái nói và thêm rằng những câu chuyện họ trải qua sẽ được "viết thành hồi ký".
Anh kể về một lần truy vết máy bay, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đội ngũ truy vết lập tức tìm kiếm sách hành khách nhanh nhất để ngăn chặn dịch xảy ra trong cộng đồng. Họ tìm được gần như đầy đủ hành khách nhưng sót 4 người - nhóm được đánh giá nguy cơ nhất bởi ngồi gần ca dương tính. Do những hành khách này không khai báo lộ trình, đội truy vết chỉ tìm được đến khách sạn đầu tiên rồi mất dấu. Dựa thông tin tên hành khách, đội đặc nhiệm tìm được facebook và nhờ đoạn clip anh này khoe bể bơi có logo một khách sạn đối diện, đội truy vết đã tìm ra hành khách. Sở dĩ việc truy vết nhanh chóng là nhờ có mạng lưới y tế dự phòng làm việc hiệu quả, từ Trung ương tới 63 CDC trong cả nước và tới tận từng xã phường kèm theo đó là sự hỗ trợ đồng lòng từ người dân.
Chia sẻ qua email, GS Peter Horby, giáo sư đầu ngành về dịch tễ của Đại học tổng hợp Oxford kể, ông biết TS.BS Phạm Quang Thái năm 2003 khi anh tham gia cùng nhóm điều tra SARS do WHO phối hợp cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương tiến hành điều tra. Khi ông về làm cho Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford cũng là lúc BS Thái tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Tổng hợp Bergen (Na Uy) năm 2005. "Chúng tôi cùng tham gia tổ chức một dự án nghiên cứu bệnh cúm tại Việt Nam và dự án đó vẫn đang được thực hiện suốt từ 2006 tới giờ", ông nói.
GS Peter Horby cho hay, họ làm việc với nhau và tham gia chung nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có hàng chục bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế, bài báo khoa học được công bố tại các hội nghị quốc tế uy tín. "Các nghiên cứu của TS Thái tập trung vào giám sát bệnh truyền nhiễm, xác định đặc điểm dịch tễ học của dịch bệnh và mô hình hóa kèm các biện pháp kiểm soát dịch", ông nói.
Bác sĩ Thái tham gia đội đáp ứng nhanh điều tra và đáp ứng với nhiều dịch bệnh trên cả nước, từ năm 2000 đến nay. Anh trực tiếp tham gia chống dịch SARS năm 2003; điều tra dịch cúm gia cầm các năm từ 2003-2015, đồng thời giám sát các bệnh có thể dự phòng bằng vaccine như sởi, viêm não Nhật Bản... Anh trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên, đảm nhiệm vị trí tổ phó Tổ Thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch từ tháng 3/2000 với nhiều đề xuất có giá trị khoa học và thực tiễn.
Anh Thái cho biết thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu các biện pháp để thích ứng an toàn, dự phòng cũng như ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trong tương lai.
Giải thưởng Tạ Quang Bưu năm nay có ba đề cử giải chính thuộc về công trình của GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, lĩnh vực hóa học. TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) thuộc lĩnh vực Y sinh dược học.
Hai đề cử giải thưởng trẻ thuộc về TS Đoàn Lê Hoàng Tân, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP HCM, lĩnh vực Vật lý. TS Trần Tiến Anh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Giải thưởng được mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.
Sau 8 năm tổ chức, đã có 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Nguồn VnExpress