Từ đầu năm đến nay, người dân ở phường Phước Ninh đã quen với việc bỏ pin cũ vào “Ngôi nhà của pin” chứ không bỏ vào thùng rác như trước đây họ vẫn làm.
“Ngôi nhà của pin” được Đoàn phường Phước Ninh đặt trên một số tuyến đường của phường rất thuận tiện cho người dân.
Sáng sớm cuối tuần đi uống cà phê, anh Hoàng Thanh Tuấn (trú phường Phước Ninh) xách túi ni lông nhỏ bên trong có đựng mấy cục pin cũ ra bỏ vào “Ngôi nhà của pin” được đặt trên đường Hoàng Văn Thụ.
Anh Tuấn cho biết, trước đây những cục pin cũ trong đồ chơi của con sau khi dùng hết gia đình thường bỏ vào thùng rác. Dù cũng biết, bỏ vậy là độc hại nhưng không bỏ thùng rác cũng chẳng biết bỏ đâu. Từ ngày có “Ngôi nhà của pin” , khi nào pin dùng hết, anh gom lại rồi đưa ra đây bỏ.
“Tui thấy mô hình này rất hiệu quả, tạo được thói quen cho người dân phân loại pin, bỏ vào thùng rác riêng, vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường”, anh Tuấn nói.
Mô hình “Ngôi nhà của pin” được Đoàn phường Phước Ninh triển khai thực hiện từ đầu tháng 2/2020, hưởng ứng phong trào phân loại rác thải nhựa tại nguồn.
“Ngôi nhà của pin” được đặt cố định trên các tuyến đường để người dân dễ dàng nhìn thấy và đi vào nhận thức của họ luôn. Cứ ra đường, nhìn thấy “Ngôi nhà của pin”, mọi người sẽ nghĩ đến việc bỏ pin cũ vào đây để không gây ô nhiễm môi trường”, anh Phạm Phú Vũ, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh cho hay.
Thời gian đầu, “Ngôi nhà của pin” được lắp đặt trước UBND phường, sau này mô hình phát triển ra một số tuyến đường khác. Hiện, mô hình đã lắp đặt được 11 điểm.
Theo anh Vũ, thời gian tới, Đoàn phường sẽ tiếp tục lắp đặt các tuyến đường khác, phấn đấu, mỗi tổ có một “Ngôi nhà của pin”.
“Ngôi nhà của pin” làm bằng chất liệu aluminium vừa bền chắc, vừa chịu được nắng mưa, tránh nước chảy vào pin cũ gây thẩm thấu vào đất. Bên ngoài “Ngôi nhà của pin” được dán thông điệp tuyên truyền: “1 cục pin thải ra ngoài môi trường, 500 lít nước bị ô nhiễm thủy ngân”.
Dưới nền “ngôi nhà” được thiết kế dạng ngăn kéo để khi thu hoạch pin không phải chạm tay trực tiếp vào pin, chỉ việc đưa dụng cụ vào hứng pin rơi xuống.
“Ngôi nhà được thiết kế với kích thước nhỏ, đủ để chứa những viên pin đã qua sử dụng chứ không lớn sợ sẽ trở thành những điểm tập kết rác, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị”, anh Vũ chia sẻ.
Cứ 2 tuần, Đoàn phường sẽ tiến hành thu gom pin một lần và đưa đến nơi thu gom tập trung.
Theo anh Vũ, mô hình được người dân trên địa bàn phường hưởng ứng nhiệt tình và hầu hết mọi người đều nhận thức được tác hại của pin nếu thải ra môi trường.
“Không chỉ người dân trên địa bàn phường mà những người dân ở nơi khác họ cũng hưởng ứng theo. Như trước trường mầm non Dạ Lan Hương, Đoàn phường có đặt một “Ngôi nhà của pin”, các phụ huynh chở con đi học, họ cũng đưa pin đến đây bỏ”, anh Vũ cho biết.
Anh Vũ mong muốn trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức để nhiều người ý thức được trong việc phân ngoài pin, các doanh nghiệp cùng tham gia vào việc thu gom pin của và mô hình thu gom pin cũ được phát triển rộng khắp.
Nguồn Dân trí