Theo Dự thảo quy chế thi Tốt nghiệp THPT 2020 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong từng mắt xích của quy trình tổ chức thi (quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…); việc tổ chức coi thi do địa phương quyết định, có đủ giáo viên coi thi giữa các trường trong tỉnh.
Giảng viên đại học sẽ không tham gia trông thi, chấm thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh minh họa) |
Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi. Trong những ngày thi thực hiện quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi. Sau khi kỳ thi kết thúc, Hội đồng thi quản lý bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả thi.
Như vậy, năm nay cán bộ, giảng viên các trường đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ huy động cán bộ, giảng viên đại học có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương.
Năm 2020, kỳ thi Tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính để xét tốt nghiệp, song hầu hết các trường đại học trên cả nước đều sử dụng kết quả này để xét tuyển. Việc giao lại công tác tổ chức thi cho các địa phương khiến dư luận không khỏi khăn khoăn.
Trao đổi với VOV.VN, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) tỏ ra lo ngại khi giao lại công tác tổ chức thi và chấm thi cho các địa phương: “Các địa phương phải chịu hết trách nhiệm, nhưng để quản được địa phương thì rất khó, vì địa bàn rộng, mỗi tỉnh có nhiều huyện. Thanh tra các cấp sẽ đi kiểm tra, nhưng thực ra cũng chỉ đi được 1 vòng, trong khi kỳ thi lại diễn ra cả vài ngày, thanh tra nào giám sát cho đủ, đây là điều đáng lo ngại. Cách đây hơn 10 năm, đã có đến 13 tỉnh suýt bị kỷ luật vì thông đồng với nhau để gian lận trong thi tốt nghiệp THPT. Nhưng thời ấy điểm tốt nghiệp riêng và thi đại học riêng, nên nếu có xảy ra vấn đề gì cũng không quá ảnh hưởng. Nhưng khi kết quả này được dùng để xét tuyển đại học thì lại khác”, TS Quách Tuấn Ngọc lo ngại.
TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng, để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, cần quy toàn bộ trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Không dừng lại ở vấn đề quy chế thi, nếu phát hiện sai phạm cần xử lý hình sự nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm.
“Năm nay Bộ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi, như vậy địa phương không thể dựa dẫm vào Bộ. Những ai có ý định vi phạm nên nhìn vào các phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La làm gương. Không cần cả tỉnh sai phạm, chỉ cần hội đồng thi tại 1 điểm thi sai phạm cả tỉnh đã chết theo”, TS Ngọc nói.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh, Bộ cần có hướng dẫn chi tiết về từng khâu trong quá trình coi thi, chấm thi.
“Nếu Bộ không hướng dẫn chi tiết, có sai sót, Bộ sẽ phải chịu trách nhiệm, còn khi Bộ đã hướng dẫn mà địa phương không thực hiện đúng thì người đứng đầu địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, GS Dong nói.
GS Phạm Tất Dong cũng cho rằng cần có giám sát xã hội để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan.
Ở góc độ trường đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết ông chưa cảm thấy yên tâm với dự thảo quy chế thi Tốt nghiệp năm nay.
“Mấy năm trước do tiêu cực ở các địa phương nên Bộ nhờ các trường ĐH tham gia coi thi và chấm thi THPT quốc gia. Nhờ đó, kỳ thi diễn ra nghiêm túc và kết quả trung thực đủ để các trường ĐH tin tưởng và xét tuyển theo điểm thi. Năm nay lại tiếp tục trả về cho các địa phương phụ trách.Tôi lo ngại rằng, nếu ĐH không tham gia trực tiếp ở các khâu mà chỉ thanh tra ủy quyền thì khó có hy vọng”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ tiến hành thanh tra 3 cấp trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020. Việc thanh tra, kiểm tra của Bộ, Tỉnh và Sở được thực hiện trên nguyên tắc, tránh trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc tổ chức các đoàn thanh tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra tỉnh tổ chức Đoàn thanh tra/kiểm tra trong từng khâu của kỳ thi (chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo) phù hợp.
Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra (hoặc kiểm tra) các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 63 địa phương trong suốt thời gian coi thi, chấm thi (gồm các đoàn của Thanh tra Bộ, các đoàn của Ban Chỉ đạo thi quốc gia); Hướng dẫn Thanh tra sở thành lập các đoàn thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Sở GD-ĐT tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức thanh tra/kiểm tra công tác tổ chức thi tại địa phương./.
Nguyễn Trang/VOV.VN