Ngay trong 2 ngày đầu giãn cách, nhiều người lao động tự do tại TP.HCM rất xúc động khi được cán bộ phường tới tận nhà để trao tiền hỗ trợ. Đây là công tác triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đợt 2 của TP.HCM, cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang được các quận, huyện và TP.Thủ Đức đồng loạt thực hiện.
Sáng 9/7, ngày đầu tiên TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong lúc đang lấy xe bán hủ tiếu ra để dọn rửa, lau chùi với tâm trạng lo lắng vì chưa biết liệu số tiền dành dụm có đủ để xoay sở cho gia đình trong 15 ngày tới thì bà Nguyễn Ngọc Thu Anh, ngụ ở phường 19, quận Bình Thạnh bất ngờ khi tổ trưởng tổ dân phố và một cán bộ phường tới nhà.
Bà Thu Anh vô cùng xúc động khi nhận được số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ từ cán bộ phường. Bà được biết, không chỉ có gia đình bà mà nhiều người khác có hoàn cảnh tương tự nằm trong danh sách đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch, mà tổ dân phố báo lên cũng đã được phường xét duyệt hỗ trợ và đến nhà trao tiền tận tay.
“Nhà tôi bán hủ tiếu dạo ở bờ kè nhưng dịch này cũng không buôn bán được nên phải nghỉ. Ngày hôm qua có mấy anh ở phường đến phát 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ dịch. Tôi cảm ơn rất nhiều vì trong cơn hoạn nạn này được thành phố hỗ trợ vô cùng đáng quý”, bà Thu Anh vui mừng bày tỏ.
Còn bà Nguyễn Thị Phượng - một người thu mua ve chai tạm trú tại phường 25, quận Bình Thạnh cũng rất xúc động khi sáng 10/7 được cán bộ phường và Tổ trưởng tổ dân phố tới tận nhà trọ để trao phong bì hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Bà Phượng cho biết bà rất cảm kích khi TP.HCM đã có sự quan tâm đến những người lao động tạm trú như bà.
“Đang giãn cách xã hội mà cán bộ phường tới tận nhà để trao tiền hỗ trợ như thế này tôi rất cảm động. Tôi đi thu mua ve chai nhưng giờ giãn cách 15 ngày nên đang lo sợ không có tiền mua gạo, mắm. Giờ có số tiền này gia đình yên tâm hơn chút trong mấy ngày tới”, bà Phượng xúc động nói.
Ngoài bà Phượng, trong sáng 10/7 cũng có hơn 50 người lao động tự do trên địa bàn phường 25, quận Bình Thạnh cũng đã nhận được sự quan tâm tương tự. Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, hiện phường đang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khi các tổ dân phố nộp danh sách lên là phường sẽ xét duyệt ngay. Nếu đúng đối tượng theo quy định sẽ cử cán bộ đến tận nhà trao tiền luôn, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.
“Phường đã lập ban chỉ đạo để xét duyệt đối tượng hỗ trợ trong đợt này. Phường có ra thông báo cho các khu phố, tổ dân phố lập danh sách gửi lên phường tổng hợp. Trường hợp nào đưa danh sách lên phường trước là phường sẽ xét duyệt trước để trao, hỗ trợ kịp thời cho những người dân bị ảnh hưởng. Chỉ thị của TP.HCM là không được tập trung đông người thì phường sẽ trực tiếp đến phát cho từng hộ dân. Trong ngày 10/7 đã phát được gần 50 hộ”, ông Nam cho biết.
Không chỉ ở quận Bình Thạnh mà tại TP.Thủ Đức và các quận huyện khác của TP.HCM, công tác trao tiền hỗ trợ cũng đang được gấp rút triển khai. Điển hình như quận Phú Nhuận đã hoàn thành việc lập danh sách và hiện các phường đang tiến hành trao tiền. Tính đến 12h trưa ngày 10/7, quận Phú Nhuận đã trao 2.200 đối tượng, tức khoảng 80% đối tượng được xét duyệt và dự kiến sẽ hoàn thành phần còn lại của danh sách đợt 1 này trong ngày 11/7.
Việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ đợt 2 này của TP.HCM được các địa phương thực hiện khá nhanh, bởi đã rút bớt công đoạn yêu cầu người dân tự kê khai, làm đơn xét duyệt. Thay vào đó, Tổ dân phố sẽ căn cứ trên danh sách của năm 2020 và thay đổi, bổ sung thêm dựa theo tình hình thực tế của năm nay rồi gửi danh sách đề xuất. Sau đó, phường sẽ xét duyệt dựa trên các tiêu chí quy định.
Để đảm bảo việc thực hiện nhanh nhưng không bỏ sót đối tượng, bà Trần Huỳnh Nga - Trưởng phòng LĐTB-XH quận Phú Nhuận cho biết, quận đã hướng dẫn các phường thành lập các hội đồng xét duyệt phải đảm bảo sự khách quan, dân chủ.
“Danh sách gửi lên phải thông qua hội đồng xét duyệt của phường, trong đó hội đồng xét duyệt này phải đảm bảo có các cán bộ phụ trách của phường, có ban điều hành khu phố, tổ dân phố. Do đó, cơ bản sẽ đảm bảo được việc lập danh sách này sẽ đầy đủ, rõ ràng. Đặc biệt trong hội đồng xét duyệt có cả công an khu vực. Những trường hợp thường trú thì không nói, nhưng những trường hợp tạm trú là phải có đăng ký hoặc có xác nhận của công an”, bà Nga cho hay.
Theo quy định, 6 đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ đợt 2 này của TP.HCM phải có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại thành phố, vì vậy sẽ có hiện tượng một số người có hộ khẩu nơi này nhưng cư trú nơi khác, hoặc những người chưa đăng ký tạm trú sẽ rất khó để tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Do đó, các cán bộ địa phương đều khuyến nghị người dân, khi lưu trú ở bất cứ nơi nào cũng nên đăng ký tạm trú theo đúng quy định của pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cũng như nhận được các hỗ trợ an sinh xã hội của Thành phố và Nhà nước, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay./.
Minh Thắm/VOV-TP.HCM