Theo Đề án xây dựng Đảo Thanh niên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của đề án là phát huy vai trò xung kích của thanh niên và các hộ gia đình trẻ tham gia khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển, đảo; xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo.
Theo chuyến tàu đưa đoàn viên, thanh niên trong Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng năm 2023 ra với Đảo Thanh niên Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), PV Thanh Niên có cơ hội ngồi trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Trận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nhơn Châu, nghe ông kể về những đổi thay của xã đảo qua nhiều năm nay. Trong những đổi thay rất tích cực ấy, có sự đóng góp không nhỏ của màu áo xanh thanh niên.
Ông Trận nhìn nhận: "Những chiến dịch của T.Ư Đoàn đưa người trẻ tình nguyện về đây đã để lại cho xã đảo nhiều công trình ý nghĩa và thiết thực. Không những thế, từ khi xây dựng đảo trở thành Đảo Thanh niên cũng đã thu hút, giữ chân thanh niên ở lại đảo với những việc làm ổn định để cùng xã đảo phát triển".
Trong những thanh niên đó, có Nguyễn Đức Toàn (27 tuổi), con trai của ông Trận. Sau khi học xong ở TP.Quy Nhơn, Toàn về đảo thành lập Công ty Cù Lao Xanh Travel để phát triển du lịch địa phương.
Toàn kể: "Lúc đầu có các bạn trẻ đi phượt ra đảo để trải nghiệm, lúc đó mình rảnh cũng không làm gì nên dẫn mọi người đi chơi, khám phá đảo. Các anh chị thấy mình nhiệt tình nên cũng có hướng cho mình theo lĩnh vực du lịch này. Mình cũng nhận thấy bản thân cần làm gì đó để quảng bá hình ảnh, nét đẹp hoang sơ trên đảo; đồng thời tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương thì các bạn sẽ không bỏ đảo đi làm ăn xa nữa. Từ đó mình phát triển ý tưởng làm về tour du lịch ở đảo Cù Lao Xanh".
Từ khi mới bắt đầu, Toàn luôn làm với tâm thế làm nhiệt tình, làm hết mình nên mọi người đến du lịch rất thương và quý mến. Khi lượng khách dần tăng lên, Toàn bắt đầu thành lập công ty, xin giấy phép để tổ chức tour được bài bản và uy tín hơn. Hiện nay, dịch vụ của Toàn phục vụ trọn gói từ đưa đón khách ở Quy Nhơn ra đảo bằng ca nô, rồi dịch vụ hướng dẫn, tham quan và lưu trú tại đảo… Công ty cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 50 nhân viên mà đa phần là người dân và thanh niên địa phương.
"Những năm trước thanh niên đi lập nghiệp ở các nơi khác hết, như lứa của mình khoảng 30 bạn nhưng đi làm xa gần như tất cả, chỉ còn 2 - 3 bạn ở trên đảo. Mình rất trăn trở với điều này, nên khi thành lập công ty, vừa phát triển được du lịch biển, đảo của quê hương mà còn giúp cho nhiều người dân trên đảo có việc làm, đặc biệt là người trẻ, nên mình rất vui", Toàn bày tỏ.
Chị Phạm Thị Thu, đang làm việc cho homestay thuộc công ty của Toàn, chia sẻ: "Nhờ dịch vụ này mà tôi có được thu nhập ổn định, chị em phụ nữ ở đảo khỏi phải thất nghiệp. Đàn bà ở biển thì trước giờ thường không có việc gì làm, từ lúc phát triển du lịch chị em đỡ được rất nhiều mà công việc cũng nhẹ nhàng nữa".
Làm nhiệm vụ dẫn khách và chụp hình cho khách, Huỳnh Trần Nhĩ Kha (20 tuổi) cho biết sau khi học xong lớp 9 thì Kha nghỉ học, đang chưa biết làm gì thì được tuyển vào làm việc ổn định tại công ty của Toàn. "Mỗi ngày em làm từ 8 - 14 giờ là hết ca. Nếu không đi làm ở đây thì chắc em phải đi biển, hoặc kiếm việc làm ở thành phố. Nhưng từ lúc đi làm du lịch thì em khỏi phải đi biển vất vả", Kha chia sẻ.
Cũng là một trong những thanh niên quyết bám trụ để cùng xã đảo phát triển, Nguyễn Xuân Hiển, Bí thư Đoàn xã Nhơn Châu, đã tạo ra mô hình nuôi mực lá giúp cho nhiều thanh niên và hộ dân trên đảo có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Trước đây anh Hiển học đại học ở Phú Yên, xong về TP.Quy Nhơn làm việc, nhưng vì nhiều trăn trở với xã đảo, nên anh rời phố và quyết tâm bám đảo.
"Những người trẻ mới lớn lên ở đây, nhìn thấy những anh chị đi làm nơi xa về có tiền, tâm lý sẽ theo lối mòn và học hết lớp 9 là nghỉ học đi làm. Mình muốn giữ các bạn ở lại đảo thì phải có công ăn việc làm cho các bạn", anh Hiển trăn trở.
Từ đó đã thôi thúc anh tìm kiếm các mô hình kinh tế để không chỉ giúp ích chính bản thân, mà còn giữ chân người trẻ cùng ở lại đảo để phát triển. Và mô hình nuôi mực lá của anh hình thành.
Anh Hiển kể khi thấy cha đi mành, mỗi lần kéo mành lên có những con mực nhỏ còn sống, vứt các loại cá nhỏ xuống thì mực vẫn ăn, thế là anh nảy ra ý tưởng và bắt đầu nuôi thử. Thức ăn anh Hiển dùng nuôi mực là những loài cá nhỏ như: cá cơm, cá nục, cá sơn...
Nuôi những con mực nhỏ bằng ngón tay cái, khoảng 2 tháng là anh Hiển xuất bán với giá dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Hiện tại, anh Hiển có 4 bè với tổng cộng 12 lồng, và anh nuôi theo kiểu cuốn chiếu, tức có lồng mực lớn, lồng mực nhỏ, khi lồng này mực đạt chuẩn số cân nặng để xuất thì anh bắt đầu bỏ giống mới vào.
Thấy mô hình của anh Hiển đạt chất lượng và cho năng suất cao, người dân trên đảo cũng đã học theo để làm. Anh Hiển cho biết hiện tại có 23 hộ dân nuôi mực, trong đó có khoảng 14 thanh niên. Nếu nuôi đạt hiệu suất, mỗi năm có thể thu được tiền lời trên trăm triệu đồng.
Điều đặc biệt, đây là nguồn thu nhập thêm, vì anh Hiển cho biết mô hình nuôi mực này mỗi ngày chỉ mất 2 lần cho ăn là sáng (6 giờ) và chiều (17 giờ).
"Thời gian vào giờ hành chính thì mình đi làm ở UBND xã. Đối với những thanh niên không phải đi làm hành chính thì có thể làm thêm được nhiều công việc khác, và tối vẫn đi biển đánh bắt như bình thường", anh Hiển nói.
Sắp tới, anh dự tính sẽ phát triển thêm mô hình cho du khách trải nghiệm câu mực, cho mực ăn để gia tăng nguồn thu thay vì chỉ bán con mực thương phẩm.
Nguồn Thanhnien.vn