Nam Giang là một huyện biên giới của tỉnh Quảng Nam nằm tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm lấy sức trẻ để biến vùng đất khó thành miền đất hứa, những người trẻ đã quần tụ về ngày đêm mở đất, khai hoang.
Đất chẳng phụ công người, giờ đây những quả đồi khô cằn chỉ có cây cỏ dại đã trở thành ngôi làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) với vườn cây trái xanh mướt, trang trại chăn nuôi và những rẫy nương phủ đầy cây sắn, cây keo xanh bát ngát.
Một góc làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ MẠNH CƯỜNG |
Trở lại làng TNLN Thạnh Mỹ (TT.Thạnh Mỹ, H.Nam Giang) những ngày giữa tháng 6, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới ở nơi đây. Qua hơn 4 năm hình thành, ngôi làng vùng biên nay toàn những căn nhà kiên cố, với tiếng cười nói rộn vang của những đứa trẻ. Chiều muộn, ngôi làng được thắp sáng bởi đèn điện, nước sạch cũng đã được dẫn về… Hiện làng TNLN Thạnh Mỹ có 60 hộ với khoảng 235 nhân khẩu.
Vợ chồng anh Hiên Chưu (37 tuổi) và chị Hôih Thị Aví (38 tuổi), là một trong những hộ dân mở đầu cho công cuộc khai lập làng TNLN Thạnh Mỹ. Khi vào làng, vợ chồng anh Chưu được cấp 600 m² đất (trong đó, 300 m² đất ở, còn lại đất vườn) và khoảng 3.000 m² đất rẫy. “Khi có quyết định vào làng, vợ chồng mình được hỗ trợ một ít tiền, vay mượn thêm nên cất được căn nhà kiên cố. Sau đó, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong, tụi mình nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay mình có một trang trại nuôi heo rừng gần 20 con và sở hữu nhiều loại cây ăn quả”, anh Chưu chia sẻ.
Theo anh Chưu, thời điểm mới vào nơi đây rất hoang vu. Làng không có điện, đường, nước… nhưng sau một thời gian, sức trẻ đã giúp nơi đây trở thành một ngôi làng “đáng sống” của huyện. “Ngoài chăn nuôi, trồng trọt thì mình cũng tham gia chăn nuôi heo thuê kiếm thêm mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng mình cũng có của ăn, của để. Có thể nói đồi hoang đã hóa quả ngọt”, anh Chưu tâm sự.
Vợ chồng anh Arất Bước và chị Bloong Thị Vàng được biết đến là một trong những hộ gia đình có kinh tế khá giả tại làng TNLN Thạnh Mỹ khi sở hữu đàn bò gần 10 con và đàn gà cùng đàn heo gần trăm con. Trước đây, vì không có đất nên hai vợ chồng phải sống chung với bố mẹ cùng các em suốt gần 10 năm trong căn nhà chật hẹp. “Về đây, được cấp đất rộng rãi nên cuộc sống thoải mái hẳn. Ngoài tập trung chăn nuôi, trồng trọt thì hai vợ chồng mình cũng đang trồng keo trên đất rẫy để kiếm thêm thu nhập. So với trước thì giờ cuộc sống dư giả hơn nhiều”, anh Bước cười nói.
Ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh Hiên Chưu đang phát triển nhiều loại cây ăn quả trong vườn nhà
MẠNH CƯỜNG |
Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho biết thời gian qua Huyện đoàn đã thành lập Ban chấp hành chi đoàn để đưa phong trào Đoàn vào làng TNLN Thạnh Mỹ nhằm phát huy tối đa sức trẻ. Huyện đoàn cũng đã xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao vui chơi dành cho trẻ em. “Thanh niên trong làng không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ nhau mà còn học tập mô hình phát triển kinh tế để “kèm” nhau cùng phát triển. Các hộ thanh niên tách gia đình ra ở riêng nên tự lập hơn, nâng cao được ý thức của thanh niên trong vấn đề lập thân, lập nghiệp”, anh Thế Anh nói.
“Nơi đây giờ trở thành một cộng đồng đa dạng với nhiều thành phần. Cộng đồng này đã an cư và đang từng bước phát triển kinh tế. Tỉnh đoàn đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục giao cho Tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án quản lý và phát triển làng thanh niên Thạnh Mỹ trở thành làng thanh niên kiểu mẫu”, anh Thế Anh chia sẻ.
Anh Bùi Thành Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Với những gì đang diễn ra ở làng TNLN Thạnh Mỹ, chúng tôi tin với sức trẻ, sự chịu khó, các hộ thanh niên sẽ xây dựng nên một ngôi làng đầy sức sống, xứng đáng trở thành một khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, Tổng đội Thanh niên xung phong đang tính chuyện “làm ăn lớn” khi mở rộng thử nghiệm trồng các loại dược liệu (sâm ba kích, sa nhân tím, đảng sâm, đinh lăng), thậm chí trồng rừng gỗ lớn. Tham gia trồng cây gỗ lớn, xem như các gia đình đã có “của để dành”, tích lũy tài sản”.
Nguồn Thanhnien.vn