Đừng tự "giằng xé", hãy dung hòa
Phạm Thị Khánh Ly, sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ với Dân trí: "Thú thực ngành hiện tại mình đang theo học không phải ngành mình mong muốn khi lựa chọn trường đại học. Chính vì thế, mình đã từng rơi vào trạng thái "khủng hoảng", chênh vênh, cảm thấy mất phương hướng bởi phải "chạy đua" với tín chỉ và những môn học mình không thực sự yêu thích.
Đó là một quãng thời gian khó khăn với bản thân mình, và động lực để mình vượt qua những suy nghĩ tiêu cực lúc ấy chính là sự động viên của bạn bè. Nhiều người bạn của mình không thể dung hòa được giữa ước mơ của bản thân và định hướng tương lai của gia đình, họ không những phải tìm cách chinh phục ước mơ, mà còn cần thuyết phục gia đình cho họ cơ hội được tiếp cận với đam mê của chính mình. Một vài trường hợp không tìm thấy tiếng nói chung, có thể dẫn đến tâm lý chán nản, sống khép mình và tách ra khỏi gia đình".
Bên cạnh đó, Khánh Ly cũng cho biết: "Thay vì tự dằn vặt chính mình, hãy cố gắng dung hòa giữa ước mơ, khả năng của mình và hiện thực, định hướng của gia đình. Theo đuổi đam mê chưa bao giờ là muộn nếu bạn thật sự quyết tâm, ngành nghề nào cũng có khó khăn và thử thách, nhưng nếu chỉ không thuận lợi đã bỏ cuộc thì sao gọi là ước mơ thật sự".
Trong khi đó, Trần Anh Đức, sinh viên năm 3 Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm: "Việc giới trẻ phải tự đấu tranh với bản thân để lựa chọn theo đuổi ước mơ hay đi theo định hướng của gia đình vô cùng phổ biến. Tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc dù đã gần học xong đại học, hay cảm giác mất phương hướng vào cuộc sống... đều có thể là hậu quả rất đáng tiếc nếu bản thân các bạn và gia đình không tìm được tiếng nói chung".
Anh Đức bày tỏ: "Đam mê cá nhân của mình và định hướng của gia đình cũng rất khác nhau. Hiện tại, ngành nghề mình đang theo học là theo mong muốn của bố mẹ, nhưng song song với đó, mình vẫn luôn ấp ủ và không ngừng rèn luyện bản thân để thực hiện ước mơ cá nhân trong tương lai.
Thời gian đầu, có những lúc mình cảm thấy rất áp lực khi về nhà, đối diện với gia đình, vì cảm giác cô đơn và khát khao được thấu hiểu, ủng hộ luôn thôi thúc. Khi gia đình biết đam mê của mình khác với những gì họ mong muốn, cái nhìn nghiêm khắc lúc ban đầu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mình coi đây như một thử thách mà mình cần phải vượt qua.
Nếu ước mơ của bạn đúng với pháp luật, đạo đức và phù hợp với khả năng của bản thân, bạn hãy cứ không ngừng theo đuổi. Mình tin gia đình luôn muốn điều tốt nhất cho chúng ta, và không gì có khả năng thuyết phục bằng việc chúng ta thành công, hạnh phúc với con đường mình chọn".
Định hướng không chỉ tốt, còn cần phù hợp
Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều các bạn trẻ bỏ dở việc học dù đã ở những năm cuối Đại học bởi cảm thấy chán nản với ngành nghề mình đang theo đuổi. Điều này đa phần xuất phát từ định hướng ban đầu, nhiều bạn trẻ không tìm thấy ngành mình đam mê, số khác lại có ước mơ khác với định hướng của gia đình,...
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Ngọc Yến, giáo viên môn Ngữ văn trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, nhận định: "Đứng trước ngưỡng cửa đại học, các bạn học sinh lớp 12 thường có những ước mơ, hoài bão của riêng mình và luôn mong muốn được gia đình ủng hộ. Tuy nhiên không phải lúc nào mọi thứ cũng được suôn sẻ, thuận lợi.
Có những dự định, sở thích của các bạn được gia đình ủng hộ, còn một số khác lại không. Điều đó làm cho các con bối rối, bởi định hướng không chỉ cần tốt, còn phải phù hợp với năng lực mỗi cá nhân".
Cô Ngọc Yến cho biết thêm: "Là một giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm lớp 12, cô nhận thấy vấn đề hướng nghiệp thực sự rất quan trọng. Nhưng nó lại là một chặng đường dài mà nhiều khi chỉ lớp 12 mới được quan tâm.
Việc hướng nghiệp cần có quá trình, trong đó gốc rễ vấn đề là cần nhìn nhận vào chính năng lực của học sinh, sau đó là sở thích, cá tính, giá trị nghề nghiệp. Đôi khi, các bạn học sinh còn chưa hiểu hết gốc rễ của vấn đề, chỉ nhìn vào phần "ngọn" của vấn đề như công việc đó lương cao không, có nhàn hạ không, có môi trường tốt không, có được nhiều người nể trọng không…
Để dung hòa được giữa sở thích của mình và định hướng của gia đình, điều quan trọng nhất là các bạn hãy nhìn nhận vào chính năng lực học tập của bản thân, dung hòa các yếu tố sở thích cá nhân và mong muốn của gia đình".
Ngoài ra, cô Ngọc Yến cũng chia sẻ quan điểm về trường hợp các bạn sinh viên bỏ học dù đã ở những năm cuối Đại học: "Đó là thực tế khá phổ biến hiện nay và cũng xảy ra với các học sinh của cô. Cô cảm thấy hơi buồn và có chút nuối tiếc. Buồn vì có những ước mơ bị bỏ dở, buồn vì thời gian tươi đẹp của tuổi trẻ trôi qua mà chưa tìm thấy con đường đi cho mình, tiếc nuối sao mình đã không lựa chọn theo đam mê?...
Thực tế đó đặt ra vấn đề hướng nghiệp cần phải được thực hiện triệt để. Người hướng nghiệp sẽ không chỉ là thầy cô chủ nhiệm, gia đình mà cần thiết phải có cả những người có kiến thức chuyên về lĩnh vực này để có sự tư vấn cho các bạn học sinh một cách bài bản và tốt nhất".
"Khi đã cân bằng được giữa đam mê và mong muốn của gia đình, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện, sẽ quyết tâm nỗ lực để đạt được ước mơ ấy. Khi đã nuôi dưỡng được ước mơ, phấn đấu chăm chỉ hàng ngày thì không gì là không thể!
Chẳng có ước mơ nào là quá muộn, hãy đứng lên và tiếp tục bước đi vì cuộc sống chỉ đang thử thách chúng ta mà thôi. Cô chúc các bạn trẻ luôn sống với nhiệt huyết, đam mê của mình và sẽ có tuổi trẻ đầy ý nghĩa!" cô Ngọc Yến bày tỏ.
Trong khi đó, cô Bùi Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Tây Sơn cho rằng khi các bạn trẻ hiểu ước mơ của mình có phù hợp với năng lực, sự quyết tâm của bản thân không, bạn sẽ không còn bối rối nữa.
"Thật đáng buồn khi nhiều bạn bỏ ngang quãng đường Đại học của mình, lãng phí nhiều thời gian, sức lực mà không được như mong đợi. Nhưng chí ít, muộn còn hơn không. Hãy thận trọng trước những lựa chọn của mình, tìm hiểu kỹ và sẵn sàng chịu trách nhiệm!" cô Thu Nguyệt thẳng thắn.
Cô Thu Nguyệt cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ: "Hãy chọn nghề mà bạn yêu. Hãy đầu tư thời gian để làm tốt chuyên môn trong nghề mà bạn chọn. Không ngừng học hỏi, đừng nhìn vào số tiền ban đầu kiếm được là ít hay nhiều! Làm việc có tâm, năng lực có tầm, các bạn trẻ sẽ giỏi nghề, gặt hái nhiều thành công, cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của công việc mình đang theo đuổi".
Nguồn Dân trí