Ngày 5.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030" (Chương trình).
Theo đó, chương trình đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025, đạt 90% cán bộ Đoàn, Hội, Đội; 80% đoàn viên, hội viên, 70% thanh niên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, hội nhập quốc tế trên không gian mạng; 70% thiếu niên, nhi đồng được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng.
Đến năm 2025, phấn đấu 100% Đoàn cấp tỉnh, mỗi tuần có ít nhất 2 bài viết và đến năm 2030, mỗi tuần có ít nhất 5 bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
|
Một trang mạng xã hội được đoàn viên thanh niên thiết lập tạo "vùng xanh" trên không gian mạng MAI ANH |
Đặc biệt, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên 80% và đến năm 2030 đạt 100% Đoàn cấp huyện thiết lập đội hình thanh niên tình nguyện tuyên truyền, lan tỏa tin tốt và đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.
Đến năm 2025, Đoàn cấp tỉnh mỗi năm tổ chức ít nhất 2 trào lưu và đến năm 2030 mỗi năm tổ chức ít nhất 5 trào lưu trên không gian mạng nhằm thu hút đoàn viên thanh niên hưởng ứng, làm theo.
Đến năm 2025 phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn mỗi ngày xây dựng mới hoặc đăng tải, chia sẻ ít nhất 1 tin tốt, mỗi tuần ít nhất 1 câu chuyện đẹp và đến năm 2030 đạt 2 tin tốt trên ngày, 2 câu chuyện đẹp trên tuần.
Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 95% hộ gia đình đồng hành, hỗ trợ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong việc tham gia các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng do các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức.
Chương trình cũng đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả.
Người trẻ tham gia mạng xã hội sẽ được đào tạo kỹ năng và ứng cứu khi có tình huống xấu NGỌC THẮNG |
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với gia đình, nhà trường chủ động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp những thông tin, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
Thường xuyên cung cấp những vấn đề mới, những nội dung có tính dự báo về sự vận động và phát triển của intemet, của mạng xã hội, nhất là những trào lưu mới, phương thức mới trên không gian mạng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ, giải pháp của chương trình là: giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Tăng cường công tác phối hợp, tiến hành rà soát và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan áp dụng biện pháp phù hợp xử lý các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, tác động xấu đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng theo đề nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chương trình cũng đặt nhiệm vụ thành lập và tổ chức hoạt động bộ phận “Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng", phát hiện và xử lý các sự việc tác động tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, ứng cứu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi gặp phải tình huống xấu trong quá trình tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
Theo chương trình được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ giao T.Ư Đoàn là cơ quan chủ trì, thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc tổ chức thực hiện chương trình; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ của chương trình…
T.Ư Đoàn tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng chương trình vừa được Thủ tướng ban hành BẢO ANH |
Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, trong đó giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tổ chức các hoạt động đấu tranh, phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật, các yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng.
Hai bộ này cũng có nhiệm vụ rà soát, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, tác động xấu đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và môi trường không gian mạng.
Phối hợp phát hiện, xử lý hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi xâm hại thanh niên, thiếu niên, nhi đồng theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu chung của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có trí thức, văn hoá, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hoá.
Chương trình cũng đặt mục tiêu hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin “xấu”, “độc”, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nguồn thanhnien.vn