Nguồn gốc ngày 8.3
Nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt của nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Khi đó, các công nhân ngành dệt cùng đứng lên chống lại điều kiện làm việc khó khăn của họ tại thành phố New York vào ngày 8.3.1857.
Đến tháng 3.1859, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành quyền lợi cho mình. 50 năm sau, ngày 8.3.1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm và huỷ bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28.2.1909.
Thế nhưng đến ngày 8.3.1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế Xã hội chủ nghĩa tổ chức (Quốc tế thứ 2) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đã đồng loạt đòi quyền tự do dân chủ cho phụ nữ. Tại đây, hội nghị này đã quyết định lấy ngày 8.3 hàng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”, “Việc làm ngang nhau”…
Từ đó, ngày 8.3 trở thành ngày để biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ trên thế giới, đấu tranh vì độc lập, tự do, vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em.
Ý nghĩa ngày 8.3
Ở nhiều nước trên thế giới, ngày 8.3 được coi là ngày lễ lớn trong năm. Trong ngày này, đàn ông thường tặng hoa và quà cho những người phụ nữ xung quanh mình như bà, mẹ, vợ, người yêu…
Tại nước ta, ngày Quốc tế Phụ nữ còn được coi là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng – 2 vị nữ tướng anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc. Tinh thần dân tộc và ý chí đấu tranh của phụ nữ Việt Nam cũng được bắt nguồn từ truyền thống dân tộc này.
Để thể hiện sự tôn vinh và yêu thương đến với “một nửa của thế giới”, các cơ quan đoàn thể, gia đình thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày 8.3 rất sang trọng với những lời chúc ý nghĩa. Ngày này cũng là dịp để đấng mày râu thể hiện tình cảm, sự chăm sóc đối với người phụ nữ mà họ yêu quý.
Theo Báo Phụ nữ