Tên sách: Nhà Ngoại Giao Kể Chuyện
Tác Giả: Võ Anh Tuấn
Năm Xuất Bản: 2019
Số Trang: 266
Nhà Xuất bản: NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật
Năm 1945, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam chính thức ra đời cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước độc lập, có chủ quyền. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hoạt động ngoại giao từng bước phát triển và trưởng thành, trở thành một mặt trận đấu tranh, cùng với các mặt trận quân sự và chính trị làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, khẳng định được bản lĩnh, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên nhiều lĩnh vực từ ngoại giao đến chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa, quốc phòng – an ninh… như hiện nay, chúng ta không thể không nhắc tới thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên – những người đã góp phần xây dựng nền móng của ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có Đại sứ Võ Anh Tuấn.
Trước khi trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Võ Anh Tuấn là một nhà giáo nhiệt thành thực hiện Lời kêu gọi chống giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám; có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền giáo dục kháng chiến Nam Bộ. “Là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, thuộc thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên được Đảng và Nhà nước đào tạo chính quy, trưởng thành trong hoạt động đối ngoại rất sôi động”, với phẩm chất đạo đức cách mạng kiên trung, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ vững vàng, ông Võ Anh Tuấn được giao nhiều trọng trách trong lĩnh vực ngoại giao cả trong nước và ngoài nước, song phương và đa phương, như: 10 năm làm Vụ trưởng, 5 năm làm Cố vấn Diễn đàn đa phương của Bộ Ngoại giao, làm Đại sứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba, 5 lần được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thụy Sĩ, Dimbabuê (kiêm nhiệm Dămbia), Nam Tư (kiêm nhiệm Hy Lạp), Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Luật biển Liên hợp quốc lần thứ 3, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc ở Giơnevơ, thành viên các Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 10 khóa họp hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tham gia 6 Hội nghị thượng đỉnh và hơn 10 Hội nghị cấp Ngoại trưởng Phong trào Không liên kết, v.v.. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Sau khi nghỉ hưu (năm 1998), bằng vốn kiến thức và những kinh nghiệm công tác quý báu của mình, nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành ngoại giao. Trên cơ sở những hồ sơ tư liệu được lưu trữ từ khi còn làm việc, ông đã hệ thống hóa, biên soạn và xuất bản một số sách chuyên đề về ngoại giao như: Phong trào Không liên kết (1999), Hệ thống Liên hợp quốc (2004), Lễ tân ngoại giao thực hành (2018), Mặt trận ngoại giao miền Nam Việt Nam trong chống Mỹ, cứu nước (Nxb. Phương Đông, 2017)…
Để giúp bạn đọc tìm hiểu về những cống hiến, đóng góp của Đại sứ Võ Anh Tuấn đối với công tác ngoại giao, qua đó hiểu hơn về những năm tháng “hoạt động đối ngoại rất sôi động” của nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nhà ngoại giao kể chuyện, trong đó ghi lại những trải nghiệm, cảm xúc, những sự kiện đặc biệt mà ông đã trải qua trong suốt thời gian công tác của mình và cũng là chặng đường vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam. Bạn đọc, nhất là những người làm công tác ngoại giao hiện nay, có thể tìm thấy trong cuốn sách những kinh nghiệm công tác bổ ích và hiểu thêm về những giờ phút lịch sử liên quan đến vận mệnh đất nước diễn ra trên mặt trận ngoại giao. Tác giả cũng dành một phần để viết về hoạt động khuyến học sôi động trong suốt 20 năm liền (sau khi nghỉ hưu) để thể hiện sự tri ân đối với đồng bào đã cưu mang đùm bọc thầy trò ngành Giáo dục Nam Bộ kháng chiến trước kia.
Dù đã bước sang tuổi 94, nhưng tác giả vẫn còn rất minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời. Tuy nhiên, vì cuốn sách được viết theo dạng hồi ký, dựa trên góc nhìn của cá nhân tác giả, nên không tránh khỏi còn có những điều cần bổ khuyết. Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Nguồn: NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật