Cứu sống 99,7% trẻ sinh non ở Nhật
Trần Ngọc Phúc (Kazufuku Nitta) sinh năm 1947 trong một gia đình Phật tử xứ Huế. Từ nhỏ, cậu bé Trần Ngọc Phúc đã nghe nhiều về câu chuyện cụ Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập. Chứng kiến cảnh đất nước biến động, năm 1968, chàng thanh niên 21 tuổi Trần Ngọc Phúc quyết định sang Nhật du học tự túc.
Tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai University rồi vào làm việc cho Công ty Senko Medical Instrument Mfg. Co. Ltd, ông bắt đầu theo đuổi giấc mơ sáng chế. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 1982 kỹ sư Trần Ngọc Phúc bắt tay vào phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động tần số cao. Máy được đặt tên Hummingbird (HFO), sáng chế dành riêng cho trẻ sinh non.
Những năm 1980, trước khi HFO ra đời, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong. Theo thống kê tại Nhật, sau khi trang bị HFO cho các bệnh viện, 99,7% trẻ sinh non tại Nhật Bản đã được cứu sống. Bên cạnh nâng cao tỷ lệ cứu sống trẻ sinh non, HFO còn giải quyết được vấn đề tránh biến chứng cho trẻ sinh non về lâu dài.
Có thể nói phát minh HFO đã tạo ra bước ngoặt lớn vô cùng tự hào và hãnh diện với nhà phát minh Việt trên đất Nhật. Vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, HFO đã giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức. Có đến 90% các bệnh viện, trung tâm y tế tại Nhật Bản có trang bị máy thở HFO của ông Trần Ngọc Phúc. Máy cũng đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Với mong muốn tập trung nghiên cứu sâu và cải tiến máy cao tần HFO, năm 1984, ông Trần Ngọc Phúc thành lập Công ty Metran Co.Ltd. Từ đó, HFO liên tục được nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc cải tiến và nâng cấp. Từ sáng chế đầu tiên to cồng kềnh và nặng, máy HFO hiện nay đã được cải tiến gọn nhẹ, trang bị bảng điều khiển điện tử, hiện đại.
Sáng chế khẩu trang cho tương lai
Một đời theo đuổi đam mê sáng chế, sau máy HFO, ông Trần Ngọc Phúc tiếp tục sáng chế các loại máy thở, thiết bị hô hấp. Nhiều lần về thăm quê, tặng máy HFO cho các bệnh viện nhi tại Việt Nam, “cha đẻ của máy thở” không khỏi đau xót trước sự quá tải ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai. Nhiều bệnh nhân bị các bệnh về hô hấp nhưng thiếu thiết bị, máy thở đã không được chữa khỏi. Nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc sau đó đã nghiên cứu ra máy thở cao tần với lưu lượng oxy cao tới 50 - 60 lít, hỗ trợ cho các bệnh viện ở Việt Nam. Thiết bị có thể dễ dàng sử dụng ở cấp huyện, cấp tỉnh, cho những người không có chuyên môn và tiện lợi khi trang bị cho xe cấp cứu.
Gần đây nhất, trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid-19, ông Phúc bày tỏ mong muốn chuyển giao công nghệ để sản xuất 2.000 máy thở cho Việt Nam. Ông cũng đã cùng với các nhà tài trợ tặng nhiều máy thở MV20 điều trị viêm phổi nặng cho các bệnh viện dã chiến.
Bước qua tuổi thất thập, ông vẫn không ngừng nghiên cứu và cho ra đời bộ sản phẩm khí thở O-Pro. Khẩu trang không khí O-Pro có 3 phiên bản theo từng mục đích khác nhau: sinh hoạt hằng ngày, vùng dịch bệnh và môi trường nguy hiểm nhiều khí độc. Không khí hít vào được lọc 99,9%, hiệu quả hơn so với tiêu chuẩn lọc N95 quốc tế.
Đặc biệt, phiên bản O-Pro dùng cho sinh hoạt hằng ngày với kiểu mặt nạ nửa hở trong suốt hoặc không trong suốt được trang bị wifi, Bluetooth... Với những tính năng công nghệ được trang bị, người dùng có thể theo dõi tình trạng không khí trên dữ liệu đám mây hoặc sử dụng điều khiển từ xa. Trong “trạng thái bình thường mới”, các công ty có thể kiểm tra dữ liệu sức khỏe nhân viên an toàn hay không qua chiếc khẩu trang công nghệ này. Sản phẩm sẽ có mặt tại Nhật Bản và Việt Nam vào tháng 11 tới.
Theo Khoa học và Đời sống