Vi phạm ngày càng phức tạp
Theo thống kê Chương trình 168, trong năm 2021, các lực lượng chức năng của 9 bộ, ngành đã giải quyết 340 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng số tiền phạt gần 4,7 tỷ đồng và tiêu hủy hàng hóa vi phạm, thay đổi tên miền... Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý 51 đơn yêu cầu xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt 75,8 tỷ đồng… Bộ Công Thương cũng đã xử lý hơn 2.200 vụ vi phạm hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt hơn 28,5 tỷ đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng. Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cũng đã xử lý 37 vụ về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với trị giá tang vật hơn 4,867 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban thường trực Chương trình 168, nếu như trước đây các vụ việc vi phạm nhãn hiệu khá phổ biến thì trong giai đoạn hiện nay có những điểm đặc thu mới.
Theo đó, trong một vụ việc có sự kết hợp của nhiều hành vi khác nhau, xâm phạm quyền cả trên môi trường hữu hình lẫn môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền trên môi trường kỹ thuật số đang bùng nổ như hiện nay.
Bên cạnh đó, cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm khác nhau, vừa xâm phạm quyền với nhãn hiệu, tên thương mại và tên miền. Ngoài ra, xu hướng xâm phạm bản quyền trên không gian mạng gia tăng về số lượng, tính chất cũng như mức độ, nhất là trong tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, chương trình truyền hình, gameshow, thể thao, nông nghiệp…
Ông Aaron Herps, Giám đốc Bộ phận bảo vệ nội dung khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh cho biết đã và đang phải đối mặt với nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực.
Đơn vị này đã áp dụng hình thức chặn quyền truy cập trái phép ở 228 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sóng Giải ngoại hạng Anh.
Tuy nhiên, kiểm tra sau khi chặn, có tới 60% trang web lại chuyển sang một tên miền khác để tiếp tục phát các chương trình vi phạm. Do đó, đơn vị phải tiếp tục hành trình chặn các tên miền mới.
Dẫn câu chuyện thực tiễn vụ vi phạm bản quyền thương hiệu gạo ST25, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA đòi hỏi hoạt động sở hữu trí tuệ phải chặt chẽ mới có thể giúp các doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững.
Luật sư Vũ Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật Rouse Việt Nam cũng cảnh báo nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong kinh doanh online nói chung và sàn thương mại điện tử nói riêng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bà Yến dẫn chứng một đơn vị cùng lúc đăng ký hơn 80 tên miền, tạo các trang web giả khác nhau nhằm lập sàn giao dịch điện tử bán hàng online. Đơn vị này đã dùng tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu, giả trang thương mại điện tử để gây nhầm lẫn cho người dùng khi mua hàng.
Dù các sàn thương mại đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, song việc ngăn chặn triệt để tình trạng này vẫn là một thách thức lớn trong quản lý. Để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chặn các trang web này rất mất thời gian.
Cần quyết liệt hơn với các vi phạm
Theo các chuyên gia, xu hướng xâm phạm nhiều quyền sở hữu trí tuệ cùng một lúc, diễn ra cả trực tiếp và trên môi trường trực tuyến. Trong Covid-19, do sự thay đổi thói quen hành vi mua bán trên online nên các vi phạm trên môi trường trực tuyến, thương mại điện tử tăng lên một cách rõ rệt.
Luật sư Vũ Hồng Yến thừa nhận thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay khá phức tạp nhưng hoạt động thực thi, xử lý lại gặp nhiều khó khăn. Các hành vi vi phạm trên môi trường số chủ yếu đến từ 3 loại website chính là: Thương mại điện tử trung gian, website “.vn” và “.com” độc lập. Các đối tượng lập nhiều website để thực hiện các hành vi vi phạm.
Với các trang web độc lập, các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển online nên việc điều tra rất khó khăn. Trong khi đó, các sàn không tiết lộ thông tin đối tượng vi phạm cho chủ thể quyền. Các bằng chứng về hành vi xâm phạm để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm trên môi trường số dễ bị xóa dấu vết, khó tiếp cận. Một vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan dẫn đến vướng mắc trong xử lý.
Báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây cho thấy. thực trạng thi hành Luật Sở hữu trí tuệ chưa có sự quan tâm đúng mức. Việc xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu ở lĩnh vực hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Số tiền xử phạt hành chính cũng tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, nền kinh tế số đòi hỏi Nhà nước phải có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên internet. Cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài). Nên vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, Việt Nam cần suy nghĩ đến việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế tiến tới tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số.
Theo Dân trí