Cội nguồn đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thành công nhanh chóng chính là nhờ tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng
Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Pắc Bó, Cao Bằng, xác định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Việt Nam lúc đó: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”[1].
Thành công của Đảng về lãnh đạo phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, trước hết, là trong hoạch định đường lối cách mạng. Với chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện từ khi Đảng ra đời và được bổ sung, hoàn thiện xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị để tập hợp lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám. Thể hiện rõ nét nhất là quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5/1941. Mặt trận Việt Minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân, với chủ trương “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[2].
Các điểm trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội, ngoại giao; những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, trí thức, công chức, học sinh, phụ nữ, tư sản, địa chủ… Tinh thần cơ bản của chương trình này là “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước:
1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;
2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”[3].
Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh sau đó được đúc kết thành 10 chính sách lớn được thực hiện ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8/1945, trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đây là cơ sở quan trọng để đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh với chương trình hành động chung đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn dân tộc nên đã thu hút, đoàn kết được đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Chương trình Việt Minh (Ảnh tư liệu)
Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn và thị xã, không những có cơ sở rộng khắp ở trong nước mà còn có cơ sở trong Việt kiều ở nước ngoài. Các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp trong công nhân, nông dân, thợ thủ công, thanh niên, học sinh, sinh viên, rồi đến công chức, tiểu thương, tiểu chủ và cả không ít những nhà tư sản, địa chủ yêu nước đã có cảm tình, ủng hộ và tham gia hoạt động. Nhiều nhà tu hành tham gia Mặt trận, nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, Mặt trận. Trong hàng ngũ binh linh địch, có những binh sĩ yêu nước đã bí mật tham gia vào tổ chức cứu quốc; một số anh em binh lính sau này trở thành đảng viên của Đảng và là cán bộ bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) quyết định mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước ở trong và ngoài chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội Văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và các nhà văn hóa. Với sự giúp đỡ tích cực của Đảng Cộng sản, những sinh viên đại học và trí thức yêu nước đã thành lập Đảng Dân chủ (6/1944) - một thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh. Đảng Dân chủ đã góp phần tích cực vào việc mở rộng Mặt trận, phát triển phong trào cứu quốc, cùng các tổ chức khác trong Mặt trận chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhấn mạnh việc mở rộng cơ sở của Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng nhân dân vào cao trào kháng Nhật cứu nước. Đó chính là thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ.
Trước nạn đói khủng khiếp do chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp – phát xít Nhật, Đảng và Mặt trận huy động nhân dân “Phá kho thóc của Nhật” để cứu đói, lôi cuốn hàng triệu người hăng hái tham gia, trở thành phong trào biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Khi nghe tin phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh chủ trương phát lệnh tổng khởi nghĩa. “Toàn thể quốc dân hãy đứng lên, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[4]. Tự giải phóng cho ta được chính là nhờ đường lối hướng dẫn của Đảng, nhưng đồng thời cũng chính là nhờ việc tập hợp lực lượng của Mặt trận Việt Minh”.
Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) (ngày 14 và 15/8/1945) đã phân tích, đánh giá, cân nhắc tình hình cách mạng Việt Nam trong quan hệ khăng khít với những diễn biến chính trị trọng đại trên thế giới; nhận định tương quan lực lượng giữa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo với các thế lực thù địch cũng như các thế lực có liên quan…, từ đó, quyết định nhiều vấn đề trọng đại của cao trào cách mạng đất nước. Hội nghị nhấn mạnh những nguyên tắc nổi bật chỉ đạo hành động cách mạng: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”[5].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Mặt trận Việt Minh, sức mạnh đoàn kết của hơn 20 triệu đồng bào Việt Nam thuộc mọi giai cấp, tầng lớp đã được phát huy cao độ. Cả nước đứng lên khởi nghĩa, đập tan bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
“Ý Đảng quyện lòng dân” đã hội tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức cùng các tầng lớp lao động khác tạo nên sức mạnh nội lực to lớn - là động lực chủ yếu đưa đến thành công của cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc Việt Nam, khi được Đảng khơi dậy, tổ chức tập hợp với tinh thần tự lực, tự cường.
Thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, gặp những khó khăn, thách thức lớn đến đâu, chính sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là sức mạnh to lớn để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Song Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.461.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.470.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.596
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.425.