Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó” [1]. Với tư cách là đội dự bị tin cậy của Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vừa là công việc tự giác, thường xuyên của đoàn viên, thanh niên. Đây phải là lực lượng hăng hái nhất, dũng cảm nhất, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động nguy hiểm của các thế lực xấu, thù địch.
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước (Ảnh Internet)
Tự hào trong giai đoạn hiện nay, thế hệ đoàn viên thanh niên phần lớn sống có lý tưởng, niềm tin vào Đảng, vào chế độ, có đạo đức, tri thức, nhân cách, sức khỏe tốt, có tư duy năng động, sáng tạo trong công tác giảng dạy và phục vụ; có tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm cao; có nỗ lực, ý chí vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng và Đoàn thanh niên đã giao phó. Tuy nhiên, cũng không khỏi băn khoăn khi bối cảnh hiện này đang diễn ra phức tạp với những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách lôi kéo, chia rẽ, làm lung lạc niềm tin của thế hệ trẻ.
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã luôn coi thanh niên là đối tượng chủ yếu để tuyên truyền, chống phá. Nếu như trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức truyền thống như tuyên truyền bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh… thì ngày nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên. Chúng đã ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip, bình luận trên các kênh mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ tình hình Việt Nam. Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn còn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tình hình đất nước, thờ ơ với các sự kiện chính trị, lười học lý luận chính trị, chưa hiểu đầy đủ về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, mơ hồ về lịch sử dân tộc; còn biểu hiện nhạt Đảng, khô Đoàn, thờ ơ chính trị. Sự phức tạp của bối cảnh hiện nay đòi hỏi các tổ chức Đoàn và mỗi đoàn viên cần tỉnh táo hơn, tích cực hơn, hăng hái, chủ động hơn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong thời gian tới, để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng hiệu quả và sát thực tiễn hơn, đoàn thanh niên cần nỗ lực thực hiện có hiệu quả một số nội dung cơ bản như sau:
Về kiến thức cần trang bị:
Đoàn viên thanh niên cần nắm vững những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chương trình hành động của tổ chức Đoàn các cấp, Luật Thanh niên để thanh niên vững tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Các tổ chức đoàn cần tăng cường tổ chức các hoạt động, phong trào nhằm giáo dục truyền thống như: tổ chức cuộc thi ca khúc cách mạng, xem phim lịch sử - cách mạng, thăm bảo tàng, thăm các địa chỉ đỏ…để đoàn viên hiểu và nắm bắt được những ý nghĩa của những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước, thành tựu của công cuộc Đổi mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030.
Tăng cường trang bị kiến thức về mọi mặt cho thanh niên (Ảnh Internet)
Về kỹ năng, phương pháp đấu tranh:
Tham gia tích cực các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho thanh niên trong việc nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bởi đây là môi trường chống phá chính của các thế lực thù địch hiện nay. Trong các tổ chức Đoàn cần xây dựng lực lượng nòng cốt, các nhóm, câu lạc bộ thường xuyên tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đoàn viên ở các các lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường lợi dụng, đưa ra luận điệu xuyên tạc. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như việc tham gia viết tin, bài cho các báo và tạp chí, trang thông tin điện tử, các diễn đàn chính thống trên mạng xã hội, tổ chức tọa đảm, thông tin khoa học, đối thoại, sinh hoạt câu lạc bộ. Tiếp tục tổ chức diễn đàn đối thoại “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng”, “Tuổi trẻ sắt son niềm tin với Đảng” …
Đổi mới kỹ năng và phương pháp đấu tranh cho thanh niên (Ảnh Internet)
Về định hướng đấu tranh:
Đoàn Thanh niên các cấp, đặc biệt là Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn cần bám sát các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Căn cứ cơ sở đó định hướng tư tưởng để phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động nhằm đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động nguy hiểm của các thế lực xấu, thù địch. Các cơ sở đoàn và đoàn viên chủ động nắm bắt những vấn đề “nổi cộm” được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Qua đó, kịp thời cung cấp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ở cơ sở thông tin thời sự nổi bật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phản ánh, tham mưu, đề xuất với cấp ủy những giải pháp tích cực, hiệu quả trong giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận, người dân. Nội dung đấu tranh hướng vào quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vai trò lãnh đạo của Đảng…Hoặc trực tiếp hơn là cần tập trung đấu tranh quan điểm xuyên tạc kết quả đại hội đảng bộ các cấp; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; thành tựu công cuộc Đổi mới, chính sách ứng phó của Đảng và Nhà nước với tình hình dịch bệnh Covid-19…
[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 216.
Nguyệt Ánh