Với 5 điểm cầu tại 5 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang và Đồng Tháp, cầu truyền hình "Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam" sẽ được tổ chức vào tối 18/5, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình do kênh truyền hình Thanh thiếu niên (VTV6) phối hợp UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND tỉnh Nghệ An, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện.
Dự kiến, cầu truyền hình mang tên "Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam" gồm 5 chương: Người trai chí lớn; Tìm lại mùa Xuân; Một nhà thống nhất; Âm thanh ngày mới và Rạng rỡ Việt Nam. Chuỗi các phần trong chương trình là các tiết mục văn nghệ, phóng sự, phim tư liệu, MV, giao lưu trực tiếp với khán giả, nhân chứng trong và ngoài nước.
Chương trình mang điểm nhấn trọng tâm sẽ được thể hiện bằng cách kết hợp giữa 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp, gồm các địa phương - những nơi mang dấu ấn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác là Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch); Nghệ An (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên); Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng); Tuyên Quang (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào); Đồng Tháp (Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh).
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Nam Nguyễn) |
Những người thực hiện chọn từ khóa “ý chí” làm nội dung xuyên suốt. Đây là ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với ý chí sắt đá, Người trải qua biết bao khó khăn từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người cộng sản Việt Nam là ngọn lửa bất diệt trở thành biểu tượng cao đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” cũng là dịp giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, từ đó rút ra những bài học sâu sắc trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai. Chương trình có phim tư liệu, phóng sự, tiết mục nghệ thuật, giao lưu với các học giả, nhân chứng trong ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân viên, những người gắn bó với Bác và những kỷ vật của Người.
Tuần phim Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tuần phim Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) diễn ra từ ngày 19 đến 26/5 trên phạm vi cả nước.
Theo đó, các phim được chọn chiếu trong Tuần phim lần này gồm: Phim truyện "Trăng đại ngàn" do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất; Phim tài liệu "Trường Sơn có những cô bộ đội lái xe", "Chim sắt ngày xưa" do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; phim tài liệu "Đất gọi" do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất; Phim hoạt hình "Vầng sáng ấm áp" do Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất.
Cục Điện ảnh sẽ in sao nội dung các bộ phim trên và gửi tới tất cả các đơn vị điện ảnh trên toàn quốc.
Dâng Người tiếng hát mùa xuân
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào hồi 20 giờ 10 phút ngày 17/5.
Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị nhằm tuyên truyền sâu rộng, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người; góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chương trình tập hợp ca khúc hay về Bác chia thành ba phần: Người là Hồ Chí Minh, Những bông hoa trong vườn Bác, Dâng Người tiếng hát mùa xuân. Trong đó, phần đầu chủ yếu gồm tác phẩm ca ngợi cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người như: Dấu chân phía trước, Tiếng hát giữa rừng Pac Bó, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Đôi dép Bác Hồ, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Non nước vọng lời ru, Người là Hồ Chí Minh. Phần hai gồm những ca khúc mang âm hưởng các vùng miền, các dân tộc thể hiện tấm lòng biết ơn với Người: Những bông hoa trong vườn Bác, Suối Lê Nin, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Miền Trung nhớ Bác, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Bác Hồ một tình yêu bao la. Phần cuối có những sáng tác như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Chúng con canh giấc ngủ của Người, Nụ cười tháng 5, Dâng Người tiếng hát mùa xuân.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và các nghệ sĩ trẻ đang được công chúng yêu mến như NSND Quang Thọ, Thu Hiền, Tạ Minh Tâm, Thái Bảo, Quốc Hưng, các NSƯT Đăng Dương, Vân Khánh, Tố Nga, Phương Thảo, Ploong Thiếc và nhiều nghệ sỹ, ca sỹ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát dân gian Việt Bắc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương.
Khát vọng tự do
Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày “Khát vọng tự do” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Không gian trưng bày công phu và những hiện vật “biết nói” sẽ kể cho thế hệ hôm nay câu chuyện cảm động về bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, với tấm lòng yêu nước, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc và quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành. Có người may mắn được trở về nhưng cơ thể đã không còn vẹn nguyên.
Tất cả những gian khổ, hi sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.
Tại trưng bày, những tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa cũng sẽ được giới thiệu như: Quần, áo vest được Thượng tướng Nguyễn Văn Khương (Song Hào), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng từ năm 1987-2004; Thanh kiếm, bộ đội quân giới tặng đồng chí Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi đồng chí giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; Huân chương Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng đồng chí Nguyễn Văn Kha, ngày 8/8/1990; mũ phớt ông Lê Tất Đắc sử dụng trong thời gian giữ chức vụ Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, năm 1940; Ghi chép của đồng chí Nguyễn Hà Long và đồng đội trong thời gian hoạt động tại Phú Quốc từ năm 1969-1972…
Luôn có Bác trong tim
Thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm chuyên đề “Luôn có Bác trong tim”. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 15/5 đến hết tháng 7/2020, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, quận Ba Đình).
Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, sự tôn kính và biết ơn vô hạn của nhân dân cả nước đối với Người.
Đặc biệt, thông tin về các hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (http://btlsqsvn.org.vn) để công chúng không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu./.
Nguồn ĐCSVN