Chỉ cần nhập cụm từ tìm kiếm: "Tìm việc làm" trên Facebook thì hàng loạt các hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên trong đó. Điều đặc biệt là nội dung không có sự kiểm duyệt, đối tượng hướng đến là những bạn sinh viên nhẹ dạ cả tin.
Sập bẫy "việc nhẹ - lương cao"
Không cần có kinh nghiệm, việc nhẹ, lương cao, không cần đặt cọc, chỉ cần đam mê kiếm tiền thì có thể được đào tạo ngay từ đầu. Yêu cầu chỉ cần có điện thoại hay laptop, làm việc tại nhà giờ giấc linh hoạt, thu nhập có thể 400 - 500 nghìn đồng/ ngày.
Những lời mời gọi hấp dẫn cho các công việc ở đủ mọi hình thức như trực page, bán quần áo online, đăng bài tuyển dụng, tham gia chơi đầu tư tiền ảo, chào mời lập facebook ảo để tăng tương tác… rất nhiều hình thức công việc mà chỉ khi "con mồi" tò mò rồi liên hệ thì mới được biết rõ những yêu cầu của công việc.
Theo lời bạn Nguyễn Đức Tâm, sinh viên năm cuối, trường Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ, chuyên ngành Tâm học là thiết kế đồ họa nên nhân lực cho việc này rất cao. Bạn đã nhanh chóng tìm được công việc đúng với chuyên ngành, lương tháng cam kết 4 triệu và thưởng nếu vượt KPI.
Khi làm được nửa tháng, phía công ty yêu cầu Tâm phải chuyển 500 nghìn để có thể làm bảng lương cho và hoàn số tiền này vào lương của bạn.
Thấy công việc nhẹ nhàng, lại đang liên tục tuyển dụng nhân viên online Tâm đã chuyển khoản số tiền đó cho phía tuyển dụng. Ngay sau khi chuyển tiền, phía tuyển dụng và số tiền 500 nghìn đồng của Tâm không cánh mà bay.
Nhưng may mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác, Tâm đã nhờ sự can thiệp của gia đình để có thể lấy lại số tiền đã mất.
Tinh vi nhiều thủ đoạn hơn, nhiều đối tượng đã nhắm vào các bạn sinh viên trường top với công việc dạy học gia sư kèm 1 - 1 online tại nhà.
H. là sinh viên năm 2 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, khi thấy thông tin đăng tuyển gia sư online mùa dịch của một trung tâm gia sư có văn phòng tại Nguyễn Chí Thanh, H. đã liên hệ và được trung tâm yêu cầu đặt cọc 70% tháng lương đầu tiên.
Khi đặt cọc thì H. mới nhận được thông tin của học sinh và phụ huynh để liên hệ, tuy nhiên sau khi chuyển cọc thì trung tâm cũng "tàng hình" và tiền cứ thế mà bay đi.
Nhận thấy, những hành vi lừa đảo tuyển dụng qua mạng xã hội có rất nhiều hình thức khác nhau, mỗi công việc lại có yêu cầu khác nhau và tất cả đều đánh vào tâm lý chủ quan, nhẹ dạ cả tin của chính các bạn sinh viên.
Không dám lên tiếng
Khi những bài viết tuyển dụng việc làm online cứ nhan nhản đăng trên mạng xã hội với hình thức ngắn gọn, không ảnh hưởng quy tắc cộng đồng, chỉ cần liên hệ qua số điện thoại, nhắn vào chat để biết thêm chi tiết công việc thì rất khó để có thể kiểm soát. Việc lên tiếng để phanh phui những chiêu trò lừa đảo cũng là một điều đáng e ngại đối với các bạn sinh viên.
Không phải vì không lên tiếng mà vì không dám lên tiếng ngại tẩy chay những cá nhân lừa đảo. Bởi các em chỉ là những sinh viên nhỏ bé, chỉ cần đôi lời dọa nạt khiến các em bị tâm lý hoang mang.
Chắc hẳn, chúng ta vẫn chưa quên vụ việc: "Sau khi ký hợp đồng lao động kèm số tiền đóng phí 480.000 đồng, nhưng 1 tháng trôi qua H.G. (SV năm 2 ở Hà Nội) vẫn không nhận được lớp gia sư. Tìm đến trung tâm yêu cầu đòi lại tiền, G. và bạn bị giám đốc tại đây tát nhập viện trong tình trạng hoảng loạn vào tháng 04". Còn nếu lên tiếng như bạn sinh viên này thì thứ nhận lại chỉ là sự hoảng loạn về tinh thần.
Những người trong cuộc thì chỉ biết coi đây là một bài học để đời trong một lần sập bẫy, còn biết bao con mồi ngoài kia để chúng lừa đảo. Coi đây là bài học để tránh, thôi cũng bị lừa rồi thì tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Đây là tâm lý ngại ngùng tẩy chay, không dám đứng ra lên tiếng sau những lần bị lừa đảo của rất nhiều bạn sinh viên, điều này vô hình chung đã tiếp tay cho những đối tượng "ham ăn chăm lừa" qua mạng xã hội.
Nguồn Dân trí