Giải sách quốc gia lần thứ 3 vừa vinh danh cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn Võ trang tuyên truyền biên khu Lào - Việt) của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) ở hạng mục sách đoạt Giải A. Tập hồi ký được Quang Dũng viết năm 1952, thuật lại những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, là bức tranh chân thực về tình cảm gắn bó giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công vang dội, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương và xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Nhân dịp cuốn hồi ký được xuất bản, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh "giúp bạn là mình tự giúp mình" và một thời lịch sử khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng không kém phần lãng mạn của những chiến sĩ Tây tiến được Quang Dũng mô tả trong bài thơ Tây tiến cũng như trong cuốn hồi ký quý giá này
Sớm nhận thức vị trí chiến lược quan trọng của miền Tây Bắc
Nhận thức rõ tầm quan trọng về địa lý, chiến lược của miền Tây Bắc đối với đất nước, nên chỉ gần 3 tháng sau ngày cách mạng tháng Tám thành công - tháng 11-1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Mặt trận miền Tây và tổ chức các đơn vị vũ trang Tây tiến để chống lại các hoạt động xâm lược, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa mới giành được.
Miền Tây Bắc Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng; có đường biên giới chung tương đối dài với Trung Quốc và Lào; là nơi đất rộng, người thưa, là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; có tài nguyên thiên nhiên phong phú với địa hình chủ yếu là đồi núi cao hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn,…Do vậy, nếu kẻ địch chiếm cứ được địa bàn quan trọng này, đất nước sẽ bị uy hiếp trực tiếp từ phía Tây:“ Miền Việt Tây đối với nước ta có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Hùng cứ được vùng đó, không những quân địch ở vào cái thế cứ cao lâm hạ có thể uy hiếp hậu phương chúng ta, mà chúng lại mong thực hiện cái âm mưu ác độc dĩ Việt chế Việt chia rẽ các anh em thiểu số, lập bộ đội người Việt thiểu số để tiến đánh chúng ta”.[1]
Trước khi phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 14 đến 15-8-1945 sớm nhận định âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp: “ Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương”.[2]
Đúng như nhận định của Trung ương Đảng, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp, được quân Anh, dưới danh nghĩa lực lượng Đồng minh giúp sức, đã nổ súng tại Sài Gòn, chính thức mở đầu cuộc tái chiếm xâm lược nước ta. Cùng với đó, Pháp cho quân nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam và Lào. Tháng 11-1945, hai tiểu đoàn quân Pháp (vốn là tàn quân rút chạy sang Vân Nam- Trung Quốc sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương), vượt biên giới Trung Quốc – Lào, tiến vào Thượng Lào, đánh sang các địa bàn thuộc tỉnh Lai Châu của Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc chỉ rõ kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Tại Tây Bắc, các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang chưa giành được chính quyền ( ngày 25-12-1945, Hà Giang mới ra mắt Ủy ban hành chính lâm thời; Lai Châu vẫn chưa thiết lập được chính quyền cách mạng,..). Ở Lào Cai, lực lượng phản động Việt quốc ráo riết hoạt động chống phá cách mạng. Do vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ xác định nhiệm vụ cần kíp trước mắt cho Tây Bắc là: “Tiếp tục đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang, trước khi địch kịp thiết lập chính quyền của chúng; tổ chức lực lượng kiên quyết chặn đứng quân Pháp, không cho chúng lấn chiếm, mở rộng phạm vi chiếm đóng, nhanh chóng củng cố chính quyền, lực lượng vũ trang, các đoàn thể cách mạng, các tổ chức quần chúng,…”[3].
Xuất phát từ vị trí chiến lược quan trọng của Tây Bắc và âm mưu thủ đoạn tái chiếm đất nước ta của thực dân Pháp, tháng 11-1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc. Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo tổ chức Mặt trận Tây Bắc, thành lập Bộ Chỉ huy Tây tiến để ngăn quân Pháp, tiếp tế cho Sơn La, Lai Châu và Sầm Nưa- Lào.
Ngay sau khi Mặt trận Miền Tây và các lực lượng vũ trang Tây tiến ra đời, đồng chí Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư cho các chiến sỹ Tây tiến nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của chiến sỹ Tây tiến: “ …nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của chúng ta là quan trọng…mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không thể để cho địch dễ dàng giẫm chân lên được. Mỗi một đồng bào miền Tây là một người dân nước Việt, chúng ta không thể không bảo vệ quyền lợi của đồng bào, không thể để đồng bào ta bị quân địch giày xéo hay lung lạc. Hơn nữa, bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương chúng ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng”[4].
Hình ảnh người lính Tây Tiến ngày ấy (Ảnh tư liệu)
Nhiệm vụ bảo vệ miền Tây Bắc và đánh thắng kẻ thù chủ yếu lúc này là thực dân Pháp xâm lược được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó, từ tháng 10-1945, cả nước được chia thành 12 chiến khu, trong đó nhiều tỉnh miền Tây thuộc địa bàn Chiến khu 2. Đồng chí Lê Hiến Mai được cử làm Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng chiến khu 2. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Tây Tiến đã khắc phục những khó khăn gian khổ nơi rừng thiêng, nước độc, bảo vệ vững chắc miền Tây của Tổ quốc.
Khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kiên quyết bám dân, bám địa bàn, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù
Trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, phải chiến đấu với kẻ thù là thực dân Pháp hùng mạnh, quân dân Việt Nam nói chung và quân dân Mặt trận Miền Tây nói riêng đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng ở vùng Tây Bắc.
Lực lượng vũ trang Tây tiến phát huy bản chất cách mạng của Anh bộ đội cụ Hồ, tận trung với Tổ quốc, hết lòng vì dân, dũng cảm chiến đấu hy sinh quên mình. Các đồng chí làm niệm vụ tại Mặt trận miền Tây và Trung đoàn quân Tây tiến luôn khắc ghi lời căn dặn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp: “Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh, suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ rõ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí nên biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Những sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc.”[5].
Cán bộ và chiến sỹ mặt trận Miền Tây luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách nơi chiến trường ác liệt: “Cuộc sống người chiến sỹ những năm tháng cơ cực ấy, biết bao gian nan, vất vả. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc là chuyện thường ngày. Khổ sở đến mức cả đơn vị phải cạo trọc đầu để khỏi chấy, như một đoàn quân không mọc tóc. Cuộc chiến đấu chủ yếu ở trong rừng, ăn sắn, măng tươi, rau rừng và thịt thú rừng săn bắn được. Một viên thuốc ký nin phải hòa vào nước chia cho mấy người sốt rét” và “ cuộc sống gian khổ của bộ đội Tây Tiến những năm đầu chống Pháp thật nghiệt ngã. Chỉ riêng trạm quân y ở xã Châu Trang, huyện Lạc Sơn ( Hòa Bình) trong những năm 1947-1949 hơn 200 cán bộ, chiến sỹ đã lần lượt hy sinh mà chủ yếu vì bệnh sốt rét, vì thiếu ăn, thiếu thuôc đặc trị. Nơi đó, có mặt nghĩa trang liệt sỹ dành riêng các liệt sỹ Tây Tiến yên nghỉ đã nói lên sự hy sinh thầm lặng của những người con anh hùng”[6].
Những thắng lợi của Mặt trận Miền Tây và đội quân Tây tiến khẳng định ý chí kiên cường của quân dân Tây Bắc và các chiến sỹ Tây tiến, bên cạnh đó cũng khẳng định sự khéo léo, tài tình của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức, lãnh đạo phối hợp lực lượng chiến đấu cho các địa phương, đơn vị trong cả nước.
Đơn vị vũ trang được cử đi Tây tiến đầu tiên là Đại đội 52 Giải phóng quân Hà Nội. Tiền thân của Đại đội 52 là đơn vị giải phóng quân từ Việt Bắc về được bổ sung thêm một số đơn vị tự vệ của Hà Nội gọi là Liên khu Tuấn Sơn. Sau ngày làm nhiệm vụ trọng đại bảo vệ thành công buổi lễ Tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, đơn vị chuyển lên đóng quân tại Lương Sơn- Hòa Bình. Đơn vị được chia thành 2 đại đội, một đại đội đi Nam tiến, một đại đội đi Tây tiến. Đại đội Tây tiến cùng với một số đơn vị khác, từ Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Yên, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Sơn Tây, Nam Định, Hòa Bình, Hà Đông tiến lên các tỉnh miền Tây của Tổ quốc như Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên,…vừa tích cực tham gia củng cố, xây dựng chính quyền, chiến đấu chống Pháp xâm lược và hăng hái sang giúp đỡ nhân dân các tỉnh Sầm Nưa, Hủa Phăn của Lào.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Mặt trận miền Tây nhận được sự chi viện, phối hợp, giúp đỡ của nhiều tỉnh, thành. Từ tháng 9-1945 đến tháng 10-1947, đã có 10 tỉnh, thành ở miền Bắc chi viện cho Mặt trận miền Tây. Ngoài ra có 3 tiểu đoàn phân tán thành 22 đại đội và 2 trung đội độc lập[7]. Với sự trợ giúp đắc lực đó của quân dân cả nước, Mặt trận miền Tây đã được bảo vệ vững chắc, âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và các thế lực phản động bị đánh bại.
Chiến đấu giữ vững miền Tây Bắc của Tổ quốc đồng thời hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ cách mạng Lào
Trong quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam, Đảng, Chính phủ và hai dân tộc đều quán triệt và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”. Quán triệt quan điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đều rất coi trọng thực hiện nguyên tắc tôn trọng quyền độc lập, tự chủ, bình đẳng và dân chủ của hai bên. Hai Đảng và nhân dân hai nước đều nhận thức rõ quyền tự quyết của mỗi nước và đều nhận rõ âm mưu chia để trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, nhân dân Đông Dương đều nằm dưới ách thống trị của Pháp, Nhật, nên muốn đánh đổ ách thống trị đó, nhân dân Đông Dương phải đoàn kết, thống nhất. Với sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân Lào, Việt Nam đã tiến lên Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.
Sau cách mạng tháng Tám, Đảng và nhân dân hai nước lại tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau đánh bại âm mưu tái chiếm đất nước của thực dân Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.
Ngay sau khi thực dân Pháp nổ sung tái chiếm nước ta, trong Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ rõ cần vận động nhân dân ở vùng nông thôn Lào tiến hành chiến tranh du kích. Đến cuối năm 1947, chiến thắng của quân dân Việt Nam tại chiến dịch Việt Bắc kéo theo sự phá sản của kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Để tạo thêm thế và lực cho sự phát triển cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới trên chiến trường Việt Nam và Lào, cuối tháng 2 năm 1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Đội Xung phong Lào Bắc, làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng khu căn cứ Bắc Lào. Lực lượng ban đầu của Ban Xung phong Lào- Bắc có khoảng 10 cán bộ của cả Lào và Việt Nam, cùng một trung đội võ trang tuyên truyền, đứng chân ở một bản người Thái từ Mộc Châu- Sơn La- Việt Nam, sau đó chuyển lên vùng biên giới, rồi sang tỉnh Hủa Phăn – Lào vào tháng 5-1948. Tháng 3- 1948, Bộ Tổng chỉ huy ra Chỉ thị về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào, Miên, xác định nhiệm vụ giúp đỡ bạn xây dựng cơ sở chính trị là việc cần thiết trước nhất. Giữa năm 1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào và theo dõi việc giúp cách mạng Miên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gặp đồng chí Cayxỏn Phômvihản “để trình bày một số kinh nghiệm vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức dân quân, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang và vùng giải phóng”.[8]
Sau một thời gian, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, “đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng đồng chí Makhảy Khămphithun lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sỹ người Lào từ Tây Bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động, gây dựng cơ sở của khu kháng chiến”.[9]
Thực hiện nhiệm vụ được giao Ban Xung phong Lào Bắc từ Mộc Châu (Sơn La-Việt Nam) chuyển dần sang khu vực hữu ngạn sông Mã, tiến sâu vào khu vực Pa Háng- Xiêng Khọ, liên lạc với dân để xây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 10-1948, Ban Xung phong Lào Bắc đã xây dựng cơ sở cách mạng ở 44 bản, gồm 333 gia đình với số dân hơn 1500 người.[10]
Liên quân Lào-Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh:TTXVN.
Từ đầu năm 1949, thực hiện nhiệm vụ giúp Lào, trên khắp các chiến trường của Lào đều có bộ đội Việt Nam hoạt động, Ban Xung phong Lào Bắc hoạt động ở Sầm Nưa, các đội công tác miền Tây hoạt động ở vùng giáp ranh Hòa Bình, Sầm Nưa. Căn cứ vào tình hình đó, tháng 1-1949, Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam ra chỉ thị nêu rõ các lực lượng vũ trang của ta phải ngăn chặn kế hoạch của Pháp định củng cố Lào làm hậu phương; buộc Pháp phải phân tán lực lượng trong thời kỳ ta chuẩn bị chuyển sang tổng phản công giải phóng Lào. Được sự giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị Tây Tiến và Quân tình nguyện Việt Nam, các đội tuyên truyền xung phong, công tác của Việt Nam, các lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã lần lượt trở lại các địa bàn bị địch chiếm, tạo lập chỗ đứng chân tại Xiềng Khọ, Thaphay, Mường Mộc, Mường Nòong, Tà Ôi, Đắc Chưng,…
Với sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hợp tác, giúp đỡ chân thành của Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam theo tinh thần của quan hệ đặc biệt, cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước Việt Nam- Lào đã giành được thắng lợi to lớn. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là một minh chứng cho sự đoàn kết, giúp đỡ của hai nước. “Quân và dân Lào đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam giành thế chủ động tấn công địch.”[11].
Nói về sự phối hợp hành động trong chiến dịch Điện Biên Phủ giữa quân dân Tây Bắc nói riêng và quân dân Việt nam nói chung, đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Các hoạt động quân sự trên chiến trường Lào đã phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Tây Bắc Việt Nam tiêu diệt địch tại Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chung của nhân dân ba nước Đông Dương chống đế quốc Pháp”[12].
[1] Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến: Tây Tiến- Một thời và mãi mãi, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 10.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 424.
[3] Bộ Tư lệnh Quân khu II: Tây Bắc- Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ( 1945-1954), xuất bản năm 1990, tr 34.
[4] Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến: Tây Tiến- Một thời và mãi mãi, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 11.
[5] Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến: Tây Tiến- Một thời và mãi mãi, Nxb Hà Nội, 2008, tr. 12.
[6] Dẫn theo: Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Các đơn vị vũ trang Tây Tiến (1945-1950), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr 239-240.
[7] Dẫn theo: Bộ Quốc phòng- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Các đơn vị vũ trang Tây Tiến ( 1945-1950), NXB Quân đội nhân dân,Hà Nội, 2011, tr 82.
[8]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân- Nxb. Thanh Niên, H. 1995, tr. 341.
[9] Đảng Nhân dân cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 766.
[10]Đảng Nhân dân cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam, biên niên sự kiện, tập I, 1930- 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 180.
[11] Đảng Nhân dân cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 777.
[12] Đảng Nhân dân cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào – Việt Nam 1930-2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , 2011, tr 777.
Bình Nguyễn