Năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự dịch chuyển địa chính trị mạnh mẽ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự hồi sinh của nhóm Bộ Tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia) theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo với hy vọng sẽ tạo ra “quyền lực mới” trong trật tự thế giới nhằm cân bằng những lợi ích của các bên và đối phó với Trung Quốc, đã biến khu vực này thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới.
Quad 2.0 và sứ mệnh mới ở châu Á – Thái Bình Dương
Sự trở lại của Bộ Tứ kim cương (Quad) và những hoạt động xung quanh nhóm 4 quốc gia này trong 1 năm qua gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và các diễn biến địa chính trị phức tạp của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước hết, khái niệm về Bộ Tứ kim cương (Quad) không phải mới xuất hiện, và mục tiêu ban đầu của nó cũng không giống như hiện tại. Quad ra đời từ cách đây 15 năm, đơn giản là sự tập hợp của nhóm các quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong một mô hình ngoại giao mới. Các quốc gia này khi đó muốn tăng cường hợp tác, nhằm xử lý hiệu quả với đại thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi tháng 12/2004. Trong khuôn khổ này, nhóm đã triển khai hơn 40.000 quân nhân và nhân viên trợ giúp nhân đạo để khắc phục hậu quả tại các khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa trải dài ở nhiều quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương.
Còn ở thời điểm hiện tại, Quad đã được “phục dựng” với nội hàm mới, một mục tiêu mới. Đây thực ra là một dạng tập hợp lực lượng địa chính trị của các cường quốc tại khu vực giúp đối phó với các ý đồ của Trung Quốc tại khu vực. Quan sát các các diễn biến trong gần 1 năm qua, có thể thấy 4 quốc gia tham gia Quad đang muốn đề cao tính tập thể trong các hoạt động quốc phòng chung, đảm bảo trật tự dựa trên luật pháp, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển khu vực, đặc biệt tại biển Đông; chống lại các hành động cường quyền, đơn phương gây hấn, thôn tính tại khu vực. Đồng thời, họ cũng thúc đẩy kế hoạch xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.
Trong năm qua, Quad đã lần đầu tiên họp hội nghị Ngoại trưởng tại Nhật Bản giữa thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 4 quốc gia này cũng đã bắt đầu khởi động các hình thức tương tác quốc phòng, cụ thể là với cuộc tập trận Malabar 2020 tại vùng biển Ấn Độ Dương do Ấn Độ chủ trì.
Sự xuất hiện của Quad phiên bản thứ 2 trong năm 2020 cho thấy những sự dịch chuyển địa chính trị và an ninh tại khu vực. Chắc chắn Quad 2.0 sẽ cần thêm thời gian và những phương thức hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn để gắn kết 4 cường quốc này trong một không gian Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Australia - Ấn Độ xích lại gần nhau
Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ kim cương, các thành viên của nhóm còn thúc đẩy các hợp tác trong cơ chế sẵn có trước đó như việc lần đầu tiên cả 4 nước thành viên của nhóm Bộ Tứ kim cương cùng tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar trong năm nay. Cuộc tập trận này cũng đánh dấu sau 13 năm tồn tại, lần đầu tiên Australia được mời tham gia. Năm 2020 có thể được coi là một dấu mốc trong quan hệ giữa Australia và Ấn Độ khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó xác định công nghệ cao và an ninh hàng hải là hai lĩnh vực hợp tác trọng tâm. Có nhiều lý do để cả Australia và Ấn Độ quyết định xích lại gần nhau hơn nữa mà đầu tiên đó là việc cả hai nước đều cảm thấy mối đe dọa từ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ngày càng thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng Thái Bình Dương không thể không khiến Australia lo ngại. Không chỉ vậy, Australia cũng không hài lòng với việc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Việc bang Victoria của Australia qua mặt chính phủ liên bang để ký thỏa thuận với Trung Quốc cũng làm cho Australia không thể ngồi yên. Với Ấn Độ, sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc cũng như việc nước này ngầm ủng hộ Pakistan trong cuộc xung đột với Ấn Độ hay những mâu thuẫn ở khu vực biên giới giữa hai nước đã làm cho New Delhi phải tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Thứ hai, Australia cũng nhìn nhận Ấn Độ là một đối tác thương mại đầy tiềm năng. Với dự báo đến năm 2035, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ sẽ là thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa Australia, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Australia và Trung Quốc gia tăng căng thẳng.
Thứ ba, về phía Ấn Độ, quan hệ tốt với Australia cũng mở ra nhiều cơ hội cho 2 ngành kinh tế có thế mạnh của nước này là công nghệ thông tin và dược phẩm. Không những thế, vào thời điểm hiện tại mặc dù có thể chưa tính đến việc can dự trực tiếp vào các vấn đề khu vực như cách mà Australia và Nhật Bản đang làm song việc gắn kết với hai nước này và Mỹ trong một khuôn khổ Bộ Tứ kim cương cũng là cách để Ấn Độ tăng cường ảnh hưởng và gia tăng đối trọng với Trung Quốc trong khi nước này cũng không bị bỏ rơi ngoài cuộc chơi trong khu vực. Chính vì vậy, thúc đẩy quan hệ song phương với Australia không chỉ làm cho hai nước thêm gắn bó chặt chẽ và mang về lợi ích cho cả hai bên mà còn củng cố lòng tin chiến lược, tạo cơ hội để khuôn khổ Bộ Tứ kim cương gia tăng ảnh hưởng và đi đến những hoạt động hợp tác hữu ích.
Tạo thế đối trọng với Trung Quốc
4 nước thành viên của nhóm Bộ Tứ kim cương trong một năm qua đã gặp nhau thường xuyên hơn và mở rộng hợp tác từ quốc phòng - an ninh tới kinh tế, nhằm tạo ra thế đối trọng với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhóm Bộ Tứ kim cương với sự tương tác của 4 cường quốc tại khu vực đã có những hoạt động đáng chú ý. Có 2 mặt trận chính mà Quad đang tập trung. Thứ nhất đó là về an ninh chiến lược với các cuộc tập trận, các động thái tuần tra tự do hàng hải, hàng không chung tại các vùng biển khu vực.
Tại các diễn đàn quốc tế chính thức, Quad cùng các quốc gia khác cũng lên tiếng ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, pháp quyền và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Đây được coi là điểm nổi bật trong năm qua của nhóm này. Trên mặt trận kinh tế, bước đầu có thể thấy cốt lõi trong mục đích tồn tại của Quad là phục vụ quá trình “Thoát Trung” toàn diện về kinh tế của các quốc gia này, bao gồm dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tái phân bổ thị trường để đáp ứng yêu cầu này. Với những ý nghĩa đó, Quad được xem là trọng tâm của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đáng chú ý, 3 trong số 4 quốc gia thành viên của Quad đều đang có những vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc. Những mâu thuẫn xung đột này là động lực để Bộ Tứ kim cương tìm kiếm những công cụ mới trong quá trình kiềm chế các tham vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc. Cũng có ý kiến kỳ vọng Quad sẽ phát triển theo mô hình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên sẽ có cần có thêm thời gian và toan tính của các thành viên cũng như khả năng lôi kéo các quốc gia khác tham gia để kiểm nghiệm mục tiêu này./.
Việt Nga - Phan Tùng/VOV