Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".
Trước đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định "Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân".
Năm 2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên Ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Du lịch văn hóa được Hà Nội xác định là thế mạnh.
Giai đoạn 2022-2025, 49.200 tỷ đồng được thành phố đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, những điểm đến du lịch di sản. Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm nay, đề xuất Hà Nội dành 2% chi thường xuyên cho văn hóa. Đây là mức đầu tư chưa từng có, tạo bước đệm vững chắc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Sáng tạo văn hóa là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất hơn 2 năm qua. Hiện Việt Nam có 9 thành phố đăng ký gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, như Hà Nội đẩy mạnh thiết kế sáng tạo, Đà Lạt và Hội An tập trung các lĩnh vực âm nhạc, thủ công, nghệ thuật dân gian.
Việc lựa chọn các ngành thế mạnh để gia nhập thành phố sáng tạo đang hình thành nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển bền vững cho các đô thị trong tương lai.
Định vị thương hiệu địa phương nhờ công nghiệp văn hóa đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đội ngũ sáng tạo với những chương trình nghệ thuật đẳng cấp quốc tế tại các trung tâm du lịch lớn trên cả nước.
Để tạo ra nhiều sản phẩm đỉnh cao, cần cái bắt tay giữa Nhà nước, nhà đầu tư và giới sáng tạo với cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư. Thành công của mô hình này tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc trong 3 năm qua đang thay đổi nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam hiện là 1 trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới thí điểm xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa bền vững, dần hình thành hệ thống đánh giá các chỉ số phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP.
Những bước tiến không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, khẳng định thương hiệu quốc gia trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.
Nguồn VTV