Lịch sử ra đời và phát triển của báo chí thế giới
Thế kỷ XVI - XVII, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh, buôn bán giữa các nước tăng lên, từ đó nảy sinh nhu cầu tin tức và thương mại và những tin tức khác về tình hình trong nước và thế giới. Sau đó, báo chí đã hình thành và phát triển với những tham vọng của giai cấp tư sản. Họ đã sử dụng kỹ thuật ấn loát cho việc xuất bản báo chí với mục đích thương mại.
Những tờ báo in được phát hành định kỳ đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII ở châu Âu, trước hết dành cho nhà buôn. Nội dung của nó chủ yếu đăng tải những tin tức về cách buôn bán, giá cả, nguồn hàng, sự dao động về hàng hoá, tình hình thị trường trong nước và thế giới. Sự phát triển của kỹ thuật in ấn đã cho phép các nhà xuất bản đáp ứng được mối quan tâm của giai cấp tư sản đang cần nhu cầu những thông tin kinh tế.
Là sản phẩm của quá trình phát triển của báo, tạp chí xuất hiện từ thế kỷ XVII, với sự ra đời tờ The Gentlemen’s Magazine (Tạp chí dành cho quý ông, xuất bản ở Anh, năm 1731). Cùng với sự phát triển của nghề in, kỹ thuật minh họa, đến đầu thế kỷ 19 bắt đầu xuất hiện các tạp chí có tính chính trị. Tạp chí ra đời muộn hơn báo những lại luôn song hành tồn tại tương xứng với báo cả về số lượng và chất lượng. Trong tiến trình phát triển, cùng với báo, tạp chí phục vụ mọi nhu cầu thông tin trong xã hội, được sử dụng trong mọi lĩnh vực. Mỗi thời kỳ lịch sử và các thành tựu kỹ thuật công nghiệp, đều mang đến cho tạp chí một bước phát triển độc đáo, làm xuất hiện những loại tạp chí mới.
Đến thế kỷ XIX, báo chí thực sự trở thành vũ đài của cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng gay gắt. Các giai cấp thống trị đã sử dụng báo chí như một công cụ, vũ khí sắc bén để gây ảnh hưởng của mình và phân chia quyền lợi giai cấp. Báo chí trở thành lĩnh vực quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Năm 1836, tờ báo chính trị - văn học “La Presse” của Pháp ra đời, mở đầu cho kỷ nguyên báo ngày.
Tiếp đến là sự xuất hiện báo “Sông Ranh mới” (1848 - 1849) do C.Mác sáng lập và Ph.Ăngghen là người cộng tác đắc lực đã khai sinh ra một nền báo chí kiểu mới - Báo chí cách mạng. Nền báo chí này có khuynh hướng tiến bộ và cách mạng nên đã gây ảnh hưởng to lớn tới nhiều nước trên thế giới như: Nga, Pháp, Italia, Hunggari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc… tích cực đấu tranh cho lợi ích của nhân dân lao động và sự tiến bộ của xã hội.
Vào cuối thế kỷ XIX phim ảnh được chế tạo. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX radio và truyền hình ra đời. Và cuối thế kỷ XX, Internet ra đời đã làm xuất hiện loại hình báo chí chí mới - Báo điện tử. Những loại hình báo chí mới đã tạo bước phát triển về chất, làm phong phú và đa dạng hơn các loại hình báo chí, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin - giao tiếp ngày càng cao của xã hội.
Những chặng đường phát triển và sư mệnh của báo chí Việt Nam
Ở Việt Nam, báo chí chỉ xuất hiện từ khi quân đội Pháp chiếm được Nam Kỳ và bắt đầu thiết lập chế độ thuộc địa ở nước ta, khoảng giữa thế kỷ XIX. Tờ báo in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ “Gia Định báo” số 1, ra ngày 15/4/1865. Tờ báo này được coi là một cơ quan thông tin chính thức của nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, tờ tạp chí xuất bản đầu tiên của báo chí Việt ngữ là tờ Đông Dương Tạp chí, số 1 ra ngày 15/5/1913 do Schneider làm chủ nhân và Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút dưới sự điều khiển của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Trên phương diện chính trị, đây là tờ báo có bổn phận làm vũ khí tinh thần cho Chính phủ Bảo hộ, chống nước Đức và tuyên truyền về sức mạnh Đại Pháp. Đến tờ Đông Dương Tạp chí ra đời đã mở ra nghề làm tạp chí trong nghề làm báo nói chung. Mặc dù ở giai đoạn đầu nó mang tính chất như một tờ báo tuần nhưng phần nào đã biểu hiện rõ diện mạo của một loại hình báo chí, khởi đầu cho giai đoạn phát triển tạp chí sau này.
Đặc biệt, một sự kiện lớn trong nền báo chí cách mạng là sự ra đời của tờ “Thanh Niên” do Nguyễn Ái Quốc thành lập, được in ở Quảng Châu, Trung Quốc rồi phát hành ở nước ngoài và đưa vào trong nước. Số 1, ra ngày 21/6/1925 và nay được chọn làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Sau đó, là hàng loạt tờ báo khác ra đời, góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức những phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc.
Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, nội dung và hình thức, quy mô và tính chất hoạt động. Báo chí trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân.
Dưới ánh sáng các đường lối, quan điểm của Đảng, hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước, các loại hình báo chí nước ta đã phát triển với tốc độ nhanh về số lượng, cơ cấu, loại hình; nội dung và hình thức thể hiện của báo chí có nhiều đổi mới.
Hiện nay, báo chí Việt Nam đã có bước tiến nhanh trong việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hiện đại, do đó đã đáp ứng kịp thời và đa dạng nhu cầu thông tin của công chúng, của xã hội, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng và của dân tộc; tạo điều kiện và cơ sở để tiến tới hiện đại hóa công nghệ làm báo ở nước ta, từng bước khắc phục sự tụt hậu về kỹ thuật truyền thông so với khu vực và thế giới.
Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội; tích cực tham gia và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống... góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Báo chí đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, và càng phong phú, đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; đấu tranh chống những ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá ngoại lai, bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; cổ vũ tính tích cực nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, động viên phong trào thi đua yêu nước, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Báo chí đã mở rộng và nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, góp phần quan trọng giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều cơ quan báo chí không những làm nhiệm vụ thông tin, mà còn trực tiếp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện, đáp ứng nhu cầu lành mạnh của xã hội như xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người cô đơn, tàn tật, hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc những người và gia đình có công, khuyến khích phát triển tài năng trên các lĩnh vực...
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã có sứ mệnh quan trọng trong việc khẳng định, lan tỏa nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, làm phong phú và cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng trong giai đoạn mới; kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" và những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, bất mãn, phản động. Những người làm báo chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tự tưởng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
BKT