Gió là nguồn năng lượng dồi dào, xanh và sạch đối với môi trường. Từ nhiều thế kỷ trước, con người đã biết tận dụng sức gió để phục vụ sản xuất và tạo ra điện. Tuy nhiên, có một số điều khá thú vị mà có thể chúng ta chưa biết về loại năng lượng này.
Ảnh minh họa |
Gió là một trong những loại hình năng lượng cổ xưa nhất
Từ 5.000 năm trước Công nguyên, tác dụng của gió đã được biết đến trong chế tạo thuyền buồm. Các thủy thủ là những người đầu tiên tìm ra cách dễ dàng hơn để di chuyển trên biển, đặt nền móng cho sự hiểu biết của loài người về những khái niệm quan trọng như động lực học và lực nâng. Bắt đầu từ chiếc cối xay có cánh, những nguyên lý này trở thành chìa khóa cho sự đổi mới tiếp theo, mở màn cho cuộc cách mạng tự động hóa các hoạt động tốn nhiều thời gian trong nông nghiệp.
Ứng dụng thực tiễn của gió cũng đã được tìm thấy trong thế kỷ IX tại Iran (theo mô tả của Abu Ishaq al-Istakhri). Đó cũng là một dạng chong chóng lớn với cánh quạt có cấu trúc lưới phủ vải và hệ thống truyền động bằng dây thừng, ròng rọc… sử dụng để dịch chuyển những khối đá lớn trong xây dựng hoặc chuyển nước từ dưới thấp lên cao. Động cơ thô sơ dạng chong chóng ở Ấn Độ và Iran đều có trục quay đặt theo phương thẳng đứng, đĩa quay đặt theo phương nằm ngang.
1 MW năng lượng gió giúp giảm 2.600 tấn CO2
Theo thông tin của Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo của Mỹ (NREL), sở dĩ điện gió được quan tâm vì 1 MW điện gió được sản xuất sẽ giúp giảm khoảng 2.600 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Thực tế là càng tiêu thụ ít nhiên liệu hóa thạch thì càng phát thải ít CO2 và giảm phát thải CO2 hiện trở thành tiêu chuẩn để theo dõi sự tiến bộ của việc áp dụng các loại hình năng lượng thay thế.
Một ví dụ điển hình như ở bang Massachusetts (Mỹ), trong năm 2004, trung bình mỗi người dân bang này thải ra 4,5 tấn CO2 từ sử dụng điện. Trong khi đó, chỉ cần 1 MW điện gió cũng có thể cấp điện cho khoảng 400 ngôi nhà mà không thải ra lượng CO2 nào. Bên cạnh việc giảm lượng phát thải CO2, điện gió cũng mang lại nhiều lợi ích hơn thủy điện, 1 MW điện gió sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.293 triệu lít nước.
Nguồn gốc của năng lượng gió thực tế là từ mặt trời
Nguồn gốc của loại năng lượng xanh vô tận này chính là từ mặt trời. Ánh sáng mặt trời làm ấm hành tinh của chúng ta, nhưng vì trái đất chuyển động liên tục, bề mặt trái đất cũng không bằng phẳng khiến nhiệt độ ở mỗi nơi khác nhau.
Sự chênh lệch về nhiệt độ gây ra những bất thường trong áp suất khí quyển; các phân tử khí sẽ di chuyển từ khu vực khí áp cao đến khu vực khí áp thấp, hình thành nên gió. Cường độ, thời gian thổi và hướng của gió lại chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như thời tiết, thảm thực vật, bề mặt nước và địa hình.
Tất cả những yếu tố dễ biến đổi này tạo nên sự khó đoán của gió và trở thành một trong những lý do cho sự quan ngại rằng gió không bao giờ đủ ổn định để cung cấp cho nhu cầu năng lượng của con người. Những loại gió có thể dự đoán hầu hết đều thổi quanh khu vực gần bờ biển làm chi phí xây dựng các trang trại gió cũng tăng lên.
Điện gió không đe dọa đến các loài chim
Một trong những quan ngại chủ yếu của các ý kiến phản đối điện gió là sự nguy hiểm của các tuabin gió với các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim. Tuy nhiên, dù có kích thước khổng lồ và tốc độ nguy hiểm nhưng những tuabin gió không hề gây ảnh hưởng đến môi trường hoang dã, hay đường bay của loài chim. Nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định số lượng chim tử vong do các trang trại gió chỉ chiếm một số lượng không đáng kể trong tổng số lượng chim bị chết do con người gây ra.
Sản lượng điện gió thế giới tăng 4 lần từ năm 2000 đến 2006
Sản lượng điện gió đã tăng nhanh chóng từ năm 2000 đến 2006. Kể cả trong năm kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng 2009, ngành công nghiệp điện gió vẫn phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng năm này, sản lượng điện gió thế giới đã tăng đến mức 158.000 MW. Điện gió hiện nay đã đủ khả năng đáp ứng nhu cầu điện năng của 250 triệu người và hơn 70 quốc gia đã có trang trại điện gió.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo (không chỉ riêng gió) đòi hỏi kinh phí hơn 12 nghìn tỷ USD. Cam kết này không dễ dàng thực hiện trong hai thập niên tới, đặc biệt là khi nguồn nguyên liệu truyền thống vẫn tương đối rẻ. Vì vậy, để duy trì sự tăng trưởng như từ năm 2000 đến 2006, các chính phủ cần có thêm nhiều ưu đãi hơn để khuyến khích phát triển điện gió.
Tổng hợp từ Internet