Nguyễn Trung Tiến là một trong những kỹ sư trẻ tuổi đầy triển vọng của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Anh hiện là kỹ sư chính thuộc phòng Xử lý tín hiệu băng gốc di động băng rộng (Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng - VHT).
Đối với Tiến, công việc của một kĩ sư viễn thông không đơn thuần chỉ là vận hành, bảo dưỡng các trang thiết bị thông thường. Thay vào đó, người kỹ sư này được giao một trọng trách lớn lao hơn, tham gia vào một dự án có tầm quan trọng đặc biệt với Viettel, quyết định việc ghi tên Việt Nam lên bản đồ Công nghệ thế giới.
Nhiệm vụ của Tiến và nhóm làm việc là tối ưu các sản phẩm trạm thu phát sóng eNodeB 4G do Viettel sản xuất. Yêu cầu đặt ra là những trạm thu phát sóng này phải đạt chất lượng tương đương sản phẩm của những nhà cung cấp lớn như Ericsson, Nokia, Huawei... khi đưa vào khai thác trên mạng lưới.
Nghiên cứu của các kỹ sư VHT đã đóng góp không nhỏ trong việc sản xuất thành công các sản phẩm Make in Vietnam. |
Người Việt nắm chìa khoá công nghệ của cả ngành viễn thông
Trong các hệ thống viễn thông nói chung và hệ thống eNodeB nói riêng, việc điểu khiển công suất thiết bị tuyến thu có vai trò rất quan trọng. Chi tiết này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và thông lượng của toàn hệ thống.
Hiện nay, có một số giải pháp của các hãng sản xuất thiết bị như Nokia, Erisson, Huawei cũng sử dụng phương pháp này, tuy nhiên, do sử dụng phổ tần rộng trong một tế bào mạng (cell), mạng LTE 4G rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự can nhiễu giữa các thành phần. Tất cả các thiết bị trong mạng lưới đều chỉ được khởi tạo công suất ban đầu giống nhau dù địa hình, môi trường khác nhau. Điều này dẫn tới tình trạng khả năng điều khiển không thể đáp ứng kịp, nhiễu lớn và tín hiệu thu kém, mạng viễn thông dễ bị lỗi
Những kỹ sư “cắm cờ” sở hữu trí tuệ Việt trên đất Mỹ. |
Chia sẻ về sáng chế của mình, Tiến cho biết hệ thống được thiết lập theo phương pháp này có khả năng hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu, đem lại hiệu quả tối ưu khi tương thích với từng loại môi trường truyền dẫn, khắc phục được nhược điểm biến thiên chậm với kiểu điều khiển cũ, nâng cao chất lượng mạng nói riêng và các chỉ số KPI mạng nói chung. Đây cũng là chìa khóa giải bài toán xuyên suốt trong toàn trình tối ưu và cũng là một trong bí mật công nghệ lớn mà các Vendor nắm giữ cũng như triển khai khác biệt, đưa VHT vào hàng ngũ các “big Vendor” có khả năng tự tối ưu mạng lưới triển khai do thiết bị mình sản xuất ra.
Dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên bản đồ quốc tế
Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình triển khai nghiên cứu, Tiến cho biết đó không phải là khoảnh khắc thành công mà là kỷ niệm buồn ở một lần thử nghiệm thất bại.
Ở lần thử nghiệm đó, công thức phát minh trong sáng chế của Tiến tỏ rõ tính ưu việt trong quá trình mô phỏng, thế nhưng kết quả lại không đạt được kỳ vọng khi triển khai trên thực tế. Điều này đã đặt nhóm nghiên cứu trước một áp lực rất lớn nếu không muốn phải “xóa team, nhổ trạm”.
Việt Nam hiện là 1 trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 5G. |
“Chúng tôi chỉ có một tháng để thay đổi và cải tiến nếu không tất cả sẽ phải dừng lại. Bản thân tôi nhiều lúc bị đẩy vào trạng thái phải tự trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Cả nhóm đã liên tục thức đêm đi thực địa, dựng mô hình mô phỏng và quan trắc để tính toán lại các tham số. Rất may mắn là những nỗ lực ấy đã dẫn tới thành công.”, anh nói.
Với 8 lần chỉnh sửa hồ sơ, 2 năm kể từ khi phôi thai ý tưởng cho tới ngày được cấp bằng, Tiến cho rằng sáng chế không chỉ đơn thuần đong đếm bằng quãng thời gian áp dụng và thực hiện mà chính là toàn trình khi sản phẩm tới được tay khách hàng và nhận được phản hồi tốt, cũng như hiệu quả kinh doanh.
Theo anh Tiến, chính tầm nhìn đó đã giúp nuôi dưỡng trong anh và những người đồng nghiệp của mình khát vọng Make in VietNam. Dù đi sau thế giới khá lâu, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều mà thế giới đã làm và thậm chí là cả những điều chưa ai làm được.
Tổng hợp theo Dân trí